Người tứ xứ ở Sài Gòn vất vả mưu sinh trong thời “bão giá”

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 18/03/2022 14:38 PM (GMT+7)
Nhiều người lao động tứ xứ đến Sài Gòn để mưu sinh ở ngoài trời, chủ yếu là các bộ phận công nhân công trình, bán hàng rong dọc lề đường, xe ôm công nghệ… Họ gặp phải vô vàn khó khăn trong thời điểm “bão giá”.
Bình luận 0

Ở thời điểm "bão giá", mọi chi phí đều leo thang theo xăng dầu, người lao động tứ xứ ở Sài Gòn chật vật hơn với công cuộc mưu sinh thường ngày. Dưới cái nắng có thể lên đến hơn 37 độ C, nhiều người lao động cùng chung nỗi niềm: "Nắng nóng chịu đã quen, miễn đi làm kiếm tiền được mới quan trọng".

Vì công cuộc mưu sinh, nắng nóng chuyện thường

Nhiều người tứ xứ đến Sài Gòn làm việc cho rằng họ đã thấm cái nắng gay gắt ở đây từ lâu. Đối với họ, kiếm được tiền trong thời điểm giá cả leo thang khá chật vật, nên sẵn sàng làm dưới nắng, mưa, thậm chí làm đến đêm muộn vì công cuộc mưu sinh.

Người tứ xứ ở Sài Gòn vật vả mưu sinh trong thời “bão giá” - Ảnh 1.

Ông Trương Tám, quê Thanh Hóa vật vã mưu sinh dưới thời tiết nắng nóng bằng nghề vận hành máy trộn vữa. Ảnh: Chinh Hoàng

"Khi mới đặt chân vào Sài Gòn, tôi không quen với thời tiết ở đây lắm, nhưng vì kiếm sống, có vất vả mấy cũng đành chịu", ông Trương Tám (quê Thanh Hóa, công nhân công trình Thủ Thiêm 2) mở đầu câu chuyện.

Ông Tám mới từ quê vào Sài Gòn làm việc cho công trình Thủ Thiêm 2 được gần 1 tháng. Thời gian gần đây, nhiệt độ của thành phố thường xuyên dao động mức hơn 37 độ C khiến ông ngột ngạt.

Công việc chính của ông Tám ở công trình này là vận hành máy trộn vữa. Theo ông, vào thời điểm giữa trưa, nhiệt độ tăng cao, đứng trên cao vừa nắng gió đến rát mặt.

Đến với công việc này ngót nghét hơn 20 năm, ông Tám nói: "Ở quê hay đi xa, chỗ nào cũng làm công việc này, tôi đã thử việc khác nhưng không phù hợp".

Người tứ xứ ở Sài Gòn vật vả mưu sinh trong thời “bão giá” - Ảnh 3.

Người lao động đứng tuổi mưu sinh bằng nghề buôn bán hàng rong. Ảnh: Chinh Hoàng

Ông Tám là lao động thời vụ ở xa quê, được nhà thầu hỗ trợ chi phí nhà ở, xăng xe đi lại. Về khoản tiền ăn uống, những anh em làm với nhau trong công ty cùng đóng góp mua cơm ngoài để ăn. 

Khi vật giá chưa tăng, phần ăn sáng, trưa, tối của ông Tám nằm trong khoảng chưa đến 100 nghìn đồng, hiện mỗi ngày ông tốn hơn 150 nghìn đồng chi phí ăn uống. 

Để cần kiệm lại một chút chi phí, ông Tám chọn món xôi vào bữa sáng ăn vừa no lâu, vừa rẻ, ngoài ra mục đích chính của ông dành dụm gửi về quê.

Người tứ xứ ở Sài Gòn vật vả mưu sinh trong thời “bão giá” - Ảnh 4.

Bà Lê Cúc (59 tuổi, quê Bình Định) kiếm sống bằng nghề lượm nhặt, thu mua ve chai xung quanh khu vực quận 1. Ảnh: Chinh Hoàng

Với những lao động đứng tuổi, kiếm sống bằng nghề lượm nhặt, buôn bán ve chai. Bà Lê Cúc (59 tuổi, quê Bình Định) chia sẻ: Nắng nóng khiến công việc của bà trở nên cực nhọc hơn. Thêm vào đó, giá thực phẩm cao hơn so với mọi ngày, dù tích cực làm việc, bà Cúc chỉ kiếm được gần 200 nghìn đồng mỗi ngày. Bà nói, cần kiệm đến mấy cũng thiếu thốn trăm bề.

Gần 30 năm, bà Cúc bôn ba kiếm sống ở Sài Gòn với đủ thứ nghề. Khi đứng tuổi, bà chọn công việc lượm nhặt, thu mua ve chai để làm cần câu cơm. Theo bà Cúc, tuổi bà đã khá lớn, không đi được xa, chỉ loanh quanh ở khu vực quận 1. Có những hôm đi làm giữa trời nắng mệt quá, bà Cúc phải tạm trú một gốc cây bên vệ đường một lúc mới làm tiếp được.

"Tôi không đi được xe máy, mọi thứ đều di chuyển bằng xe đạp, vậy nên điều đáng lo ngại nhất với tôi vào thời điểm này là khoản chi phí cho thực phẩm ăn uống mỗi ngày…", bà Cúc buồn bã.

Nghề buôn bán "bất đắc dĩ"

Với nghề buôn bán hàng rong trên lòng lề đường, nhiều người chia sẻ đây là nghề "bất đắc dĩ" bởi vì luôn bán trong thấp thỏm âu lo, không biết khi nào trật tự đô thị thành phố sẽ đến đuổi đi.

"Trật tự đô thị họ đến đuổi đi rồi thu bàn ghế, có khi thu luôn cả chiếc xe đựng đồ thực phẩm. Và rồi sau khi xử phạt, chúng tôi vẫn tiếp tục bán chui lủi như vậy vì…", một người buôn bán hàng rong trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) tâm sự.

Người tứ xứ ở Sài Gòn vật vả mưu sinh trong thời “bão giá” - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Văn Việt (quê Tiền Giang) kể, trước kia anh ở nhà cùng vợ con ở quê, ai kêu gì làm đó, hiện anh thuê nhà trọ sống tại khu vực quận 7 để bán quần áo cũ. Ảnh: Chinh Hoàng

Tại khu vực đường Trần Xuân Soạn, nhiều người quê miền Tây bán hải sản, quần áo cũ, trái cây… dọc khắp lề đường. Những người này cho biết, họ bán từ sáng sớm đến chập tối hơn 10h đêm mới nghỉ ngơi. Những ngày nắng nóng cao điểm tại thành phố đối với họ đã dần quen khi cho rằng việc kiếm kế sinh nhai quan trọng hơn nắng…

Anh Nguyễn Văn Việt (quê Tiền Giang) kể, trước kia anh ở nhà cùng vợ con ở quê, ai kêu gì làm đó, hiện anh thuê nhà trọ sống tại khu vực quận 7 để bán quần áo cũ. Ngồi dưới nắng nóng, anh vừa bán hàng cho khách, vừa nói: "Mệt lắm, nhưng giờ không ngồi bán không có tiền nuôi vợ con".

Người tứ xứ ở Sài Gòn vật vả mưu sinh trong thời “bão giá” - Ảnh 6.

Những người buôn bán hàng rong luôn trong tình trạng thấp thỏm chờ bị đuổi. Ảnh: Chinh Hoàng

Anh Việt chở sạp quần áo cũ của mình trên chiếc xe máy có mặt tại điểm bán từ sáng sớm, về đến nhà có khi gần 12h đêm. Anh nói, trung bình mỗi ngày bán được từ 10 đến 15 cái, ngày nào "hên" bán được hơn 20 cái, giá trung bình mỗi chiếc quần áo cũ anh bán từ 20 nghìn đến 75 nghìn đồng. 

Thu nhập bấp bênh ngày có ngày không, trong suy nghĩ của anh Việt luôn muốn đưa vợ con về quê, nhưng ngặt nỗi ở quê không có công việc phù hợp với hai vợ chồng anh để trang trải…

Người tứ xứ ở Sài Gòn vật vả mưu sinh trong thời “bão giá” - Ảnh 7.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lan (quê Bến Tre) cùng chồng đi thuyền từ quê lên Sài Gòn. Chị bán trái cây, chồng bán hải sản chủ yếu cho công nhân tan ca đi làm về mỗi chiều. Ảnh: Chinh Hoàng

Cũng trên đoạn đường này, phóng viên trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng Lan (quê Bến Tre), chị cùng chồng của mình đi thuyền từ quê lên Sài Gòn bán trái cây, hải sản chủ yếu cho công nhân tan ca đi làm về mỗi chiều. 

Mỗi chuyến hàng được vợ chồng chị Lan chở bằng thuyền từ quê lên, họ sẽ ở lại Sài Gòn khoảng 10 đến 12 ngày, hết hàng quay về chở tiếp. Chị Lan kể, hai vợ chồng chị đã làm liên tục như vậy trong nhiều năm qua.

Người tứ xứ ở Sài Gòn vật vả mưu sinh trong thời “bão giá” - Ảnh 8.

Hai vợ chồng chị Lan lên Sài Gòn buôn bán, con để ở nhà nhờ người thân chăm sóc, 1 chuyến thuyền chở hàng lên thông thường vợ chồng chị bán từ 10 đến 12 ngày. Ảnh: Chinh Hoàng

Mọi sinh hoạt thường ngày của gia đình chị Lan khi ở Sài Gòn đều trên con thuyền. Xăng dầu cùng vật giá tăng nhanh khiến chi phí sinh hoạt, chi phí nhập hàng hóa của hai vợ chồng chị gặp nhiều trở ngại. Thông thường trước đó, mỗi chuyến thuyền lên Sài Gòn chị lời được 5 triệu đồng, hiện nay chưa tới 4 triệu (chưa kể khấu hao công, xăng dầu, ăn uống).

"Hàng hóa tăng giá cao theo xăng, tôi bán ở đây cho công nhân. Họ đã quen với mức giá cũ bao nhiêu năm qua, giờ mình lên giá sẽ mất khách và cũng tội cho công nhân, họ làm được mấy tiền đâu…", chị Lan bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem