Người lao động khánh kiệt trong thời “bão giá”

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 16/03/2022 18:00 PM (GMT+7)
Thị trường lương thực, thực phẩm biến động theo giá xăng dầu khiến người lao động ở TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt. Hơn hết, cơm áo gạo tiền luôn là nỗi lo gánh nặng oằn vai đối với những người lao động nghèo.
Bình luận 0

Giá xăng dầu cùng lương thực, thực phẩm đồng loạt tăng giá trong khi đó nhiều người lao động ở TP.HCM cho rằng, mọi thứ đều tăng nhưng lương vẫn giữ nguyên khiến họ ngày càng khánh kiệt…

Dự tính kiếm thêm công việc buổi tối để trang trải chi phí

"Trước kia, khi vật giá chưa leo thang, mỗi tháng tôi dành dụm gửi về cho vợ con 3 triệu đồng để trang trải sinh hoạt. Song thời điểm hiện tại, tôi chắt bóp lắm cũng chỉ gửi được gần một nửa. Tất cả đều vì… "bão giá", anh Nguyễn Doãn Tường (quê Phan Thiết) nhân viên sale Công ty NutiFood trên địa bàn TP.HCM mở đầu câu chuyện với Dân Việt.

Người lao động kể lại cuộc sống đầy khó khăn trong thời "bão giá". Clip: Chinh Hoàng

Hơn một tuần nay, khi giá xăng lên, anh Tường phải đổ trung bình 350.000 đồng mỗi tuần (tăng 60.000 đồng so với trước kia). Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền xăng, anh phải chi gần 1.500.000 đồng.

Vì đặc thù công việc anh Tường phải ăn cơm ở ngoài thường xuyên. Bình thường suất cơm anh ăn chỉ có 25 nghìn đồng, hiện nay đã lên 35 nghìn và thậm chí một số nơi đã lên đến 45 nghìn đồng/suất.

Người lao động khánh kiệt trong “bão giá” - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Doàn Tường (quê Phan Thiết) chia sẻ: "Trong thời kì bão giá, anh gặp nhiều trở ngại trong chi phí sinh hoạt, đặc biệt là khoản tiền gửi về phụ vợ nuôi con". Ảnh: Chinh Hoàng

Vậy nên, không chỉ tiền xăng xe đi lại, chi phí sinh hoạt ăn uống bên ngoài trong thời vật giá leo thang khiến anh gặp nhiều trở ngại. Ngoài công việc hàng ngày của mình anh Tường dự định sẽ kiếm thêm công việc làm thêm buổi tối như phục vụ cà phê, bưng bê ở nhà hàng… để kiếm thêm thu nhập.

Với 6 năm làm nghề sale sữa cho Công ty NutiFood, anh Tường cho hay, mỗi tháng nếu đủ chỉ tiêu thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng. Mọi chi tiêu của anh khi chưa có "bão giá" nằm trong tầm 7 triệu, gói ghém lắm anh mới dư được 3 triệu đồng gửi về quê cho vợ nuôi con nhỏ đi học.

Người lao động khánh kiệt trong “bão giá” - Ảnh 3.

Một góc khu nhà trọ tại địa chỉ 201/113/1/31 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP.HCM nơi có nhiều lao động sống bấp bênh trong thời "bão giá". Ảnh: Chinh Hoàng

Cho rằng thu nhập của mình bình thường đã thiếu trước hụt sau, không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình, nay trong thời kì giá xăng dầu, thực phẩm tăng nhanh chóng mặt như vậy anh Tường càng khốn khó. "Mỗi ngày đi làm tôi đều suy nghĩ kiếm công việc gì để làm thêm, tôi lo tới đây không có tiền gửi về phụ vợ chăm con, tôi còn lo nhiều thứ…", anh Tường buồn bã.

Thu nhập bấp bênh cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Tường không thể đưa vợ con lên thành phố cùng sinh sống. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP.HCM vợ con anh về quê và đến hiện tại chưa quay trở lại.

Cùng xóm trọ với anh Tường, anh Nguyễn Đức Anh (quê Tiền Giang, thợ sửa chửa bảo trì máy lạnh) cho biết, vợ chồng anh thuê căn nhà trọ này một tháng hết 3,5 triệu đồng. Lương hàng tháng của hai vợ chồng cộng lại chỉ hơn 15 triệu đồng. Thời điểm này anh Đức Anh không còn ăn cơm ở ngoài như trước mà nấu sẵn ở nhà mang theo công trình làm việc để tiết kiệm chi phí.

Để tăng thu nhập, ngoài công việc chính của mình, anh Đức Anh thường tranh thủ mọi thời gian rảnh qua phụ người bạn của mình, cũng công việc sửa chữa máy móc, điện lạnh.

Cũng trong thời gian này, vợ anh Đức Anh đang mang thai đứa con đầu lòng nên anh dự tính sẽ đưa vợ về quê một thời gian. "Tình hình tới đây nếu không ổn, giá cả mọi thứ vẫn cao ngất ngưỡng như vậy, tôi cũng sẽ về quê luôn cùng vợ để mở tiệm sửa chữa máy lạnh, vừa làm nông tại nhà. Chứ thực sự về lâu dài tôi sợ không gánh nổi", anh Đức Anh tâm sự.

Người lao động khánh kiệt trong “bão giá” - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Đức Anh (quê Tiền Giang) nói, nếu tình hình xăng dầu giá cả mọi thứ thời gian tới không ổn định anh sẽ đưa vợ về quê trước và anh cũng sẽ theo về để mở tiệm làm tại nhà. Ảnh: Chinh Hoàng

Dùng xe đạp đi làm để tiết kiệm chi phí

Bà Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1965) hiện là công nhân dọn vệ sinh theo giờ trong các chung cư trên địa bàn quận Bình Thạnh với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng. Bà Liên chia sẻ, thu nhập của bà chỉ ổn định khi làm cho một nhà, còn nếu làm theo thời vụ như hiện nay khá bấp bênh. Hiện bà đang sống cùng hai cháu hơn 10 năm tại khu trọ này.

Trong thời kỳ "bão giá", bà Liên phải chi tiêu tằn tiện hơn. Trước kia bà đi bằng xe máy, bây giờ chuyển qua đi làm bằng xe đạp với mục đích tiết kiệm chi phí để dành tiền lo cho hai đứa cháu nhỏ. 

Khi phóng viên hỏi, việc dùng xe đạp đi xa làm việc như vậy bà có thấy mệt không, bà Liên cười hồn hậu: " Mệt mỏi không phải là vấn đề, tôi cố gắng tiện tặn lại chút đỉnh, chủ yếu giành lo cho hai cháu. Tôi già rồi, mấy đứa nhỏ có cơm ăn mới là điều quan trọng".

Người lao động khánh kiệt trong “bão giá” - Ảnh 6.

Trước kia bà Liên đi dọn dẹp, vệ sinh chung cư tại địa bàn quận Bình Thạnh bằng xe máy, nay bà chuyển qua đi xe đạp để tiết kiệm chi phí tiền xăng. Ảnh: Chinh Hoàng

Mỗi ngày số tiền cần chi tiêu trong sinh hoạt của bà Liên với hai đứa cháu nằm trong khoảng 200 nghìn đồng (tiền cơm, thức ăn, gas, xăng...). Giá xăng tăng, mọi thứ tăng theo khiến công việc tính toán chi tiêu hàng tháng của bà ngày một khó hơn, bà luôn phải nghĩ xem hôm nay mua gì cho các cháu ăn mà không bị hao hụt.

Với mức thu nhập của mình của bà Liên nói, không đủ để lo cho 3 người. Ba mẹ của 2 đứa nhỏ đi làm ăn xa ở ngoài Bắc hiện vẫn còn khó khăn, có phụ gửi tiền nhưng không đáng kể. Số tiền ít ỏi bà tiết kiệm được trong những năm đi làm vừa qua đến thời điểm này đã hết. Tuy nhiên, với tốc độ giá cả leo thang chóng mặt hiện nay bà cũng vô phương xoay sở. "Giờ đành phải chịu đựng chứ chẳng biết làm sao, hy vọng thời gian tới giá cả sẽ trở lại bình thường", bà thở dài.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem