Người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén: "Chỉ mong không còn án oan sai"

Thứ năm, ngày 03/12/2015 08:09 AM (GMT+7)
“Có oán có trách hờn cũng không thay đổi được chuyện tôi đi tù. Chuyện cũ đã qua rồi, chỉ mong không còn ai mang án oan nữa”, người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén ngậm ngùi.
Bình luận 0

Ngày 2.12, Báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Huỳnh Văn Nén - hành trình giải oan xuyên thế kỷ”.

Tham gia buổi giao lưu có ông Huỳnh Văn Nén, cụ Huỳnh Văn Truyện - cha của ông Nén, ông Nguyễn Thận, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) - luật sư đầu tiên có văn bản kiến nghị xét xử lại vụ án cho ông Nén để tránh oan sai và nhà báo Nguyễn Đình Quân (báo Tiền Phong) - người có nhiều bài viết minh oan cho ông Nén.

img

Từ phải qua: Luật sư Nguyễn Hồng Hà, nhà báo Nguyễn Đình Quân (Báo Tiền Phong), ông Huỳnh Văn Nén, cụ Huỳnh Văn Truyện và nhà báo Lý Thành Tâm (Báo Tiền Phong) tại buổi giao lưu với độc giả Tiền Phong Online chiều 2.12.

Ròng rã kêu oan cho người dưng

Suốt 17 năm “vác” đơn đến khắp các cơ quan ban ngành kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén và 9 người khác trong “vụ án vườn điều”, ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) đã trải qua đủ những cung bậc cảm xúc, từ đỉnh điểm của sự tuyệt vọng cho đến niềm vui vỡ òa khi nghe tin ông Nén được giải oan.

Nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng theo đuổi vụ án Huỳnh Văn Nén, ông Thận kể, ngày 19.11.1999, lần đầu tiên ông cầm đơn đi kêu oan cho ông Nén cũng là ngày ông bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cấp cứu. Dù đang nằm viện nhưng ông vẫn cố gượng dậy ngồi viết đơn kêu oan cho ông Nén.

Cho đến phiên tòa phúc thẩm lần một vào ngày 5.4.2002, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm. “Lúc đó tôi mừng lắm, vì coi như công sức của mình đã có kết quả bước đầu”, ông Thận nói. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì ông Thận và những người đồng hành lại gặp phải khó khăn lớn khi không còn luật sư nào nhận bào chữa cho lần xét xử sơ thẩm lần hai vào năm 2004.

“Giai đoạn này gần như tuyệt vọng, tôi lang thang trên Internet và tình cờ biết ba luật sư là Trần Vũ Hải, Phạm Hồng Hải, Bùi Đức Trường. Tôi ngồi viết thư tay cầu cứu và cả ba luật sư đều nhận lời bào chữa miễn phí và họ đã bám đuổi vụ việc đến khi ông Nén và những người khác được tuyên vô tội”, ông Thận nói.

Hôm nay (3.12) tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, Viện Kiểm sát, TAND tỉnh và công an tỉnh sẽ tổ chức xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén và gia đình vì để xảy ra oan sai suốt 17 năm qua.

Cuối năm 2005, Bộ Công an kết luận không đủ căn cứ buộc tội các bị cáo trong vụ án vườn điều giết bà Dương Thị Mỹ. Lúc này, ông Thận đã bật khóc. Ông khóc vì vui mừng nhưng cũng ẩn chứa sự tức tưởi. Sự tức tưởi đó còn liên quan đến một bị án khác, vẫn là Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết bà Lê Thị Bông ngày 23.4.1998. Bởi lẽ, ông Nén là người không phạm tội trong vụ án vườn điều nhưng đang thụ án tù chung thân trong vụ án giết bà Lê Thị Bông.

Ông Thận nói: “Tôi khóc vì niềm vui của các bị án được giải oan, khóc vì nỗi đau của các bị án suốt mười mấy năm tù đày và khóc vì Huỳnh Văn Nén vẫn còn đang thụ án chung thân”.

“Đến tháng 10.2014, đã có quyết định kháng nghị của VKS tối cao hủy bản án chung thân của ông Nén và bản án giám đốc thẩm của tòa án tối cao. Đây như niềm vui trọn vẹn của tôi vì tôi xác định đó là chuyến đi cuối cùng và may mắn cũng là kết quả cuối cùng, giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén”, ông Thận nói.

Ngày 22.10.2015, đi cùng ông Huỳnh Văn Nén đến tặng hoa cảm ơn Báo Tiền Phong, ông Thận cũng lại bật khóc. “Lần khóc này, sự tức tưởi giảm đi nhiều nhưng lòng tôi cũng không được vui trọn vẹn. Bởi phải mất hơn 18 năm thì sự thật mới được phơi bày - Huỳnh Văn Nén được tuyên vô tội”, ông Thận nói.

Đồng hành cùng hành trình giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén, hai phóng viên Báo Tiền Phong là nhà báo Nguyễn Đình Quân và Hồ Việt Khuê theo đuổi vụ án từ đầu năm 2000.

Ban đầu là từ trách nhiệm phản ánh thông tin của nhà báo. Nhưng càng theo sát diễn biến điều tra, truy tố, xét xử của vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén, hai nhà báo càng thấy rõ dấu hiệu oan sai. Đi kèm với đó là bi kịch gia đình của các bị can trong hai vụ án, nỗi niềm của người thân họ. Đặc biệt là những đứa trẻ, con, em, cháu của các bị cáo lâm cảnh bơ vơ, “bị đánh cắp tuổi thơ”. “Những điều đó thôi thúc chúng tôi theo đến cùng hai vụ án. Lương tâm không cho phép chúng tôi bỏ cuộc giữa chừng”, nhà báo Nguyễn Đình Quân nhớ lại.

Niềm tin xuyên thế kỷ

Một con người, mang hai bản án oan nhưng không một lời oán trách, người tù Huỳnh Văn Nén rơm rớm nước mắt, lâu lâu ông đưa đôi bàn tay khô cằn của mình lên lau nước mắt nhớ lại nếu không có niềm tin  thì có lẽ ông không có ngày hôm nay, ngày ông được minh oan sau hành trình 17 năm, xuyên qua hai thế kỷ.

Những ngày ở trại tạm giam Xuân Lộc (Đồng Nai), ông vẫn giữ niềm tin, rằng công lý sẽ đứng về mình, và cuối cùng ngày đó đã đến. “Lý trí, lập trường tôi rất vững nên chưa bao giờ tôi có ý định buông xuôi”, ông Nén nói. Nhiều người trong trại giam biết ông bị oan nhưng không giúp được gì, họ chỉ biết an ủi ông trong giờ lao động, trò chuyện với nhau ở những buổi cơm chiều. Ngoài lời động viên từ bạn tù, mỗi lần gia đình vào trại thăm đều động viên ông ăn uống đầy đủ để chờ ngày minh oan, đoàn tụ với gia đình.

Ở ngoài, người cha già ở cái tuổi bên kia sườn dốc ngày nào cũng cầm đơn kêu cứu đến gõ cửa từng cơ quan công quyền để minh oan cho con. Cụ Huỳnh Văn Truyện (91 tuổi) tay lau nước mắt nói: “Không có ai hiểu tính tình con mình bằng cha mẹ. Từ nhỏ thằng Nén nó hiền như cục đất thì làm gì có chuyện nó giết người như thế. Tôi vẫn tin một ngày nào đó, người ta nhận ra cái sai và giải oan cho con trai mình”.

Trong suốt 17 năm qua, cụ Truyện không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nản chí và bỏ cuộc trong hành trình gian nan đi kêu oan cho con trai. Trong khoảng thời gian đó, cụ chỉ lo sợ hai điều là sức khỏe còn đủ để theo tới cùng vụ việc minh oan cho con hay không, và có đủ tiền bạc để đi kêu oan hay không.

Cụ phải cầm cố, bán hết ruộng vườn để làm lộ phí đi kêu oan suốt 17 năm qua. Cụ nhớ lại: “Thực ra nhiều năm liền đi kêu oan cho con trai nhưng không có kết quả, có lúc tôi chẳng còn tin vào công lý nhưng mình tin con trai mình không giết người”.

Chỉ mong không còn án oan

Ông Huỳnh Văn Nén chia sẻ với bạn đọc: “Sự việc đã qua rồi, có oán có trách hờn cũng không thay đổi được chuyện tôi đi tù. Chuyện cũ đã qua rồi, chỉ mong không còn ai mang án oan nữa”.

Về các điều tra viên ép cung, cố tình làm sai lệch hồ sơ, đưa ông vào vòng lao lí ngần ấy năm trời, ông Nén nói: “Nếu gặp lại các điều tra viên, tôi sẽ vẫn vui vẻ với họ. Tôi sẽ gửi gắm đến họ thông điệp đừng để oan sai nữa. Cuộc sống ai cũng mắc sai lầm, chủ yếu họ có biết sửa chữa sai lầm hay không”.

Ở tù ngần ấy năm trời khiến sức khỏe ông tuột dốc. Ngồi giao lưu chưa đầy 15 phút, ông phải đứng dậy, đi lại cho đỡ mỏi, nhìn người cha già bước sang tuổi 91 lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc ông.

Trong buổi giao lưu trực tuyến, có bạn đọc hỏi: “Sau hơn 17 năm, quay về đời sống xã hội, bản thân ông khó khăn trong việc hòa nhập không?”. Trầm ngâm một hồi, ông Nén nói như muốn khóc: “Lúc tôi bị bắt con trai cả mới 8 tuổi, đứa kế 7 tuổi còn con út 3 tuổi. Tụi nhỏ mất đi người cha là lao động chính gia đình. Vợ tôi thân “cò” một mình gồng gánh nuôi con, bà làm thêm đủ nghề kiếm thêm thu nhập để cùng cha già mang đơn kêu oan cho tôi khắp nơi”.

Cũng theo ông Nén, điều ông day dứt nhất là không nuôi dạy ba đứa con nên người, cũng vì ông mà lũ trẻ phải nghỉ học để mưu sinh phụ mẹ, chúng phải nghỉ học vì không vượt qua nổi sự dị nghị của bạn bè, xã hội, tương lai của chúng phải rẽ sang hướng khác. Tuy trở về hòa nhập cuộc sống chưa được bao lâu, nhưng ông dồn hết khả năng của mình để lo cho gia đình, hằng ngày vợ chồng ông đẩy xe hủ tiếu ra chợ gần nhà mưu sinh, số tiền ít ỏi từ chiếc xe hủ tiếu này chỉ đủ cơm canh ba bữa.

Có mặt tại buổi giao lưu, luật sư Nguyễn Hồng Hà cho rằng dư luận cũng như báo chí đang bức xúc với những vụ án oan diễn ra nhưng những người gây oan sai không bị xử lý, thậm chí còn được thăng tiến. Án oan có yếu tố khách quan và chủ quan. Chủ quan là do nôn nóng chạy theo thành tích nên người ta đã bỏ qua các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền công dân, khách quan là do luật còn nhiều quy định bất cập.

Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén đều không do cơ quan pháp luật giải oan. Việc giải oan trong cả hai vụ án này đều do người dân, luật sư, và cơ quan báo chí tố cáo, khiếu nại nhiều năm. Việc giải quyết không kịp thời là trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến oan sai kéo dài.

Nghi can sát hại bà Bông đầu thú

Ngày 2.12, đại tá Phạm Thật - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã bắt được nghi can Nguyễn Thọ (SN 1976, ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), người được cho là hung thủ sát hại bà Lê Thị Bông xảy ra vào rạng sáng 24/4/1998. Trước đó, do không thể lẩn trốn, Thọ đã đến cơ quan công an trình diện. Theo thông tin mà Tiền Phong có được, Thọ khai báo đã cùng Hồ Văn Việt (SN 1979, ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, đã qua đời vì bệnh vào năm 2001) sát hại bà Lê Thị Bông để cướp tài sản. Để tránh sự  theo dõi, nghi vấn của cơ quan chức năng, Thọ đã thay đổi họ tên.

Nguyễn Đình Quân

Đình Đình - Ngô Bình - Văn Minh (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem