Người Việt chật vật mưu sinh ở đảo quốc sư tử

Đức Hiếu – Lê Đức (từ Singapore) Thứ tư, ngày 03/06/2015 08:36 AM (GMT+7)
Đặt chân tới Singapore, cảm giác về những hàng cây xanh mướt, san sát nhau dễ làm du khách liên tưởng tới một cuộc sống dễ chịu của người lao động nơi đây. Nhưng khi tiếp xúc thực tế tại khu trung cư Block 3, Lorong 6 Geylang Crystal Mansion, chúng tôi mới thực sự ngỡ ngàng…
Bình luận 0

Ăn khổ, uống sở

Con đường dẫn vào khu chung cư khá yên tĩnh. Thang máy lên tòa nhà cũng rất sạch sẽ, tạo cảm giác về những phòng ở thật dễ chịu. Nhưng không…

img
Anh Nguyễn Văn Hùng đang làm công việc quen thuộc hằng ngày của mình. (Ảnh: L.Đ)

Thông qua anh chủ nhà trọ tên Minh, chúng tôi có dịp gặp gỡ với những người lao động Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở Singapore. Loay hoay trong gian bếp chung gói gọn chỉ khoảng 5m2 nấu gói mì tôm ăn sáng, bạn Nguyễn Quỳnh Tú (nhà ở phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội) – cô gái đã tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương được vài năm, nói: “Hôm nay là thứ 7, ngày nghỉ nên các bạn ngủ muộn lắm. Anh nói nhỏ cho các bạn ngủ, bởi đi làm ở đây rất cực nhọc lại lo bị bắt nạt nữa”.

Theo dòng tâm sự, Tú kể: “Em là một nông dân đích thực đấy. Hồi xưa nhà em ở Nam Định. Những dịp hè, em cũng thường xuyên ra đồng đi cấy, đi gặt phụ giúp gia đình. Nhà em cũng vừa chuyển lên Hà Nội thôi và em ra trường cũng muốn tìm việc ở Việt Nam nhưng khó quá anh ạ. Cùng lứa em ra trường, nhiều bạn vẫn đang thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề để kiếm sống. Vậy nên em cùng bạn trai rủ nhau sang Singapore tìm kiếm cơ hội. Sau một thời gian mải miết làm hết việc này đến việc khác, có lúc cũng đi chạy bàn quán ăn để kiếm sống. Mới đây em đã tìm được việc đúng chuyên ngành marketing, lương tháng 2.300 đô la Singapore (khoảng 36,5 triệu đồng tiền VN)”.

Thu nhập của Tú nếu sống ở Việt Nam thì có thể coi là khá, là niềm mơ ước với sinh viên mới ra trường. Nhưng ở Singapore, ngay cả tiền thuê một gian phòng khép kín trong khu nhà chung, cô cũng phải chi mất 600 đô la Singapore mỗi tháng rồi: “Tính ra, em mất 20 đô/ngày. Anh nhìn xem bên kia, các bạn là lao động sang làm việc thuê mất 10 đô/ngày thôi”, Tú nói, tay chỉ sang 3 cái “phòng” - mà thực sự chỉ là những khoảng trống đủ để kê 1 chiếc giường, 1 chiếc bàn nhỏ và mỗi “phòng” được ngăn cách nhau bằng 1 tấm vải chắn.

Trong căn nhà chung này, tất cả đều... chung, từ gian bếp, cái tủ lạnh, khu vệ sinh. Còn nước uống, Tú cho hay: “Nghe chủ nhà nói, nước máy bên này sạch, đảm bảo nên cứ thế uống thôi anh ạ, không phải đun nấu như ở nhà mình”.

Xả stress nhờ SEA Games

Trong lúc tâm sự với Tú, chúng tôi đã giới thiệu rõ mình là phóng viên sang Singapore tác nghiệp nhân dịp SEA Games 2015 và ngỏ ý xin Tú cho chụp ảnh khu ở. Nhưng khác với thái độ cởi mở khi trò chuyện, Tú tỏ ra khá gay gắt và không đồng ý. Ngay cả đến việc xin Tú địa chỉ e-mail cô cũng “lờ” đi.

Quan điểm

Nguyễn Quỳnh Tú
 Chắc em cũng chỉ làm việc ở Singapore vài năm, kiếm một số vốn liếng rồi cùng bạn trai về nước thôi anh ạ. Dù gì thì về nhà mình vẫn ấm áp hơn nhiều”. 
Ngồi bên Tú, Thùy (30 tuổi, quê Thái Bình, đã sang Singapore làm nghề chạy bàn được 5 năm) chia sẻ: “Có khá nhiều lao động định cư trái phép Singapore. Cuộc sống của gia đình ở quê nhà quá khổ nên phải sang đây kiếm tiền gửi về cho người thân. Dựa vào đó mà chủ nhiều nhà hàng có cớ để mắng mỏ, mạt sát người lao động. Làm sai một chút là bị phạt tiền, trừ lương, thậm chí cho nghỉ việc ngay. Do phải mưu sinh nên đa phần đều phải nhẫn nhục để tiếp tục công việc”.

Sang Singapore, việc phổ biến của lao động Việt Nam là làm lái xe hay phụ hồ, làm gỗ. Những lao động có ngoại ngữ tốt có thể chạy bàn, làm phục vụ trong các nhà hàng với mức lương khoảng 1.000-1.500 đô la Singapore. Dẫn chúng tôi đi bộ xuống đường quanh khu chung cư, Tú chỉ cho tôi những công nhân phụ hồ người Việt đang làm việc cật lực giữa trời nắng.

Phải nhờ Tú thuyết phục, chúng tôi mới bắt chuyện được với anh Nguyễn Văn Hùng (25 tuổi, quê Thanh Hóa). Anh Hùng bộc bạch: “Cuộc sống và lao động bên này không dễ dàng như nhiều người tưởng đâu. Mệt mỏi thế nhưng khi nghe SEA Games 2015 tổ chức ở Singapore, dù tiền nong khó khăn, thời gian hạn hẹp nhưng anh em chúng tôi cũng cố gắng rủ nhau tập hợp nhóm 20-30 người là bạn bè, sinh sống bên này mua vé vào xem bóng đá, cổ vũ cho U23 Việt Nam và các đội tuyển Thể thao Việt Nam”.

Theo anh Hùng, việc ra sân và được chìm đắm trong bầu không khí thể thao giúp mình thoải mái hơn rất nhiều sau nhiều giờ lao động mệt mỏi: “Mong sao đoàn Thể thao Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều HCV SEA Games. Thành công của đoàn thể thao nước nhà giúp chúng tôi cảm thấy rất tự hào, có cảm giác như mạnh mẽ hơn. Bạn bè quốc tế, trong đó có cả người dân Singapore cũng sẽ phải nhìn người Việt mình với ánh mắt nể phục” - Hùng hào hứng nói, mắt nhìn sang và nhận được sự đồng cảm từ nụ cười hiền hậu của Tú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem