Người Việt ở châu Âu đối phó ra sao với cuộc khủng hoảng năng lượng?
Người Việt ở châu Âu đối phó ra sao với cuộc khủng hoảng năng lượng?
Lê Phương
Thứ ba, ngày 27/12/2022 13:24 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh mùa đông bắt đầu và chiến sự Ukraine diễn biến căng thẳng, nhiều người Việt sống ở châu Âu đang phải đối mặt với tình cảnh tiền thuê nhà cao, lương thấp, vật giá leo thang...
Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Động thái này được cho là sẽ ngăn cản nỗ lực của Nga trong việc tiếp tục thực hiện chiến dịch Ukraine, tuy nhiên hậu quả đối với những người dân đang sinh sống châu Âu là không hề nhỏ.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Nghiêm Vân Anh (từ Paris, Pháp) cho biết trong năm vừa qua, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến cuộc sống của chị cùng gia đình gặp khó khăn lớn. Vật giá leo thang, tiền điện và tiền gas trở nên đắt hơn rất nhiều. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mùa đông năm nay đến sớm và lạnh hơn năm ngoái.
Còn với anh Cung Tuấn Nghĩa (từ Bruchsal, Đức), chi phí năng lượng là thước đo rõ nhất cho thấy sự thay đổi. Từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022, giá điện ở Đức đã tăng từ 390 đến 420 Euro, cao gấp 4 lần giá điện tại Việt Nam.
Kể từ tháng 6, Nga đã bắt đầu cắt giảm dần nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream tới Đức. Đến đầu tháng 9, Nga đóng cửa hoàn toàn đường ống này và tuyên bố không thể sửa chữa tuabin khí cho các trạm bơm do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Anh Hoàng Viễn (từ London, Anh) cho biết bên cạnh những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thứ ảnh hưởng lớn nhất đối với anh có lẽ là công việc. Doanh nghiệp về thương mại điện tử của anh bị tác động không nhỏ do giá xăng dầu tăng cao cũng như thay đổi trong tỷ giá hối đoái.
Tuy vậy, anh vẫn tỏ ra lạc quan: "Để sẵn sàng cho những biến động này, tôi sẽ nhắm đến những lựa chọn an toàn, giữ một khoản dự phòng trong trường hợp xấu nhất, hoặc chuẩn bị hợp đồng tương lai (forward contract) cho các giao dịch kinh doanh hoặc hoán đổi ngoại tệ".
Còn theo chị Vân Anh, bí quyết quan trọng nhất để giúp chị vượt qua mùa đông năm nay là phải có một khoản tích trữ, tránh để tiền trong tài khoản, đầu tư vào vào các quỹ, công ty ổn định, tỷ lệ rủi ro thấp với mục tiêu lợi nhuận lớn hơn tỉ lệ lạm phát. Bên cạnh đó, chị cũng đầu tư thêm vào vàng và trái phiếu chính phủ.
Chị Vân Anh nhấn mạnh nhờ sự hỗ trợ của chính phủ nên cuộc sống không bị đảo lộn quá nhiều. Chị cho biết chính phủ Pháp đã khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã tạm ngưng hoạt động, bình ổn giá cả cho các loại nhiên liệu như điện, gas và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Không chỉ vậy, chính phủ cũng phát hành séc quà tặng như một hình thức trợ cấp, đồng thời miễn thuế cho một số hình thức lương, thưởng.
Tính đến ngày 24/12, giá điện tại Pháp đã trở lại mức như trước cuộc khủng hoảng Ukraine, nghĩa là giá bán sỉ trong quý đầu tiên của năm 2023 dự kiến giảm xuống dưới 300 Euro/MWh. Nguyên nhân một phần là do thời tiết năm nay không quá lạnh, lượng dự trữ nguyên liệu khí đốt của Pháp còn nhiều và đặc biệt là người Pháp đã có ý thức tiết kiệm hơn (lượng tiêu thụ điện đã giảm 10% tính từ đầu mùa đông năm nay).
Anh Nghĩa cho biết mặc dù Đức là một trong những nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn cung khí đốt từ Nga nhưng chính phủ nước này cũng đã rất cố gắng để giảm thiểu tình trạng trên. Chính phủ bắt đầu xem xét việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như khởi động xây dựng các cảng hóa khí.
Anh nói thêm: "Trong mùa hè vừa qua, chính phủ Đức đã áp dụng hình thức bán vé phương tiện công cộng chỉ với giá 9 euro. Động thái này dường như là cách để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm bớt tác động lạm phát khi giá năng lượng và khí đốt tăng chóng mặt. Tuy nhiên, điều này vô hình chung lại làm tăng áp lực lên hệ thống giao thông, nên nói chung đây vẫn là bài toán khó".
Ngày 19/12, chính quyền Đức đã phải nâng mức tiêu thụ khí đốt quốc gia từ căng thẳng lên nguy cấp trong Kế hoạch Khẩn cấp về khí đốt. Điều này được cho là do nhiệt độ năm nay lạnh hơn cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nguồn cung khí đốt của Đức bị cắt giảm liên quan đến xung đột Ukraine,
Còn theo anh Viễn, chính phủ Anh cũng có các gói hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp để trang trải hoá đơn điện và ga, mặc dù vậy phương án này cũng không thể giải quyết được toàn bộ tình hình. Anh bày tỏ quan ngại: "Bị ảnh hưởng mạnh từ lạm phát và giá cả tiêu dùng tăng cao, có khá nhiều các nghiệp đoàn đã đứng lên biểu tình như Royal Mail, Nursing (NHS), Nation Railway,..."
Trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt, các chuyên gia dự đoán nhu cầu khí đốt sẽ tăng ở châu Âu vào đầu năm 2023, kéo theo nguy cơ giá tăng mạnh. Giá khí đốt hiện đã tăng hơn 40% so với tháng trước, dù châu Âu mới đón những đợt tuyết đầu mùa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.