Sau trận hòa 1-1 trước Myanmar trong ngày ra quân, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ phía những người lao động, Việt kiều đang sinh sống, làm việc trên xứ chùa vàng.
|
Bạn Trần Huy Nghệ (giữa) đã chuẩn bị sẵn 1/3 tháng lương của mình để sát cánh cùng đội tuyển ở Thái Lan. Ảnh: Xuân Hạnh |
Trưa 24.11, khi các quầy vé xung quanh sân vận động Rajamangala bắt đầu mở, bạn Trần Huy Nghệ (24 tuổi, Hà Tĩnh) đang làm công nhân của một xưởng đá lạnh tại Thái Lan đã đứng xếp hàng chờ mua vé.
Có 4 loại vé mệnh giá 120 bath (khoảng 80 nghìn đồng), 220 bath, 320 bath, 520 bath được bán ra, và khá ngạc nhiên khi Nghệ chọn mua loại “VIP” nhất.
“Nếu mua vé rẻ hơn thì sẽ phải ngồi trên những khán đài trên cùng, không thể nhìn rõ các cầu thủ được. Vì vậy, em đã chọn mua vé loại 520 bath để có thể được gần những Công Vinh, Tấn Tài, Thành Lương… hơn”, Nghệ nói.
Chỉ xuống hàng ghế ướt đẫm sau cơn mưa to, thấy có điều gì đó hơi “đen đủi” cho Nghệ và nhóm bạn của mình đã bỏ ra gần 400 nghìn đồng/vé nhưng lại không có chỗ ngồi tốt, Nghệ mỉm cười bảo: “Có gì đâu anh, đi xem bóng đá có ướt một chút cũng đâu có gì đáng kể, miễn sao đội tuyển có thể thắng”.
Đứng kế bên cậu con trai của mình, cô Trần Thị Sửu tâm sự: “Tôi đã sang đây được khoảng 2 tháng để thăm cháu. Cũng không biết gì về bóng đá đâu nhưng nghe có đội tuyển Việt Nam thi đấu nên tới sân cổ vũ”. Ước tính tổng chi phí mua vé, di chuyển, mua cờ cổ vũ… cho nhóm 7 người của Nghệ (trong đó có những bạn làm nghề nấu ăn, thợ cắt tóc…) mất khoảng 4 nghìn bath (2,8 triệu đồng) - một số tiền không hề nhỏ.
“Tôi đã sang Thái được 4 năm, nói tiếng bản địa khá nhuyễn, mọi con đường cũng đã quen thuộc rồi. Tiền công ở Thái có thể không bằng ở Malaysia, Singapore, nhưng chi phí sinh hoạt lại khá rẻ nên hàng tháng tôi vẫn tiết kiệm được khoảng 4 triệu. Chẳng mấy khi được tận mắt chứng kiến đội tuyển thi đấu trên sân nên có tiêu tốn chút cũng không sao”, Nghệ vui vẻ nói.
Theo Nghệ, để thuê 1 căn nhà 4-5 người ở mất khoảng 1,5 triệu đồng, trung bình 300-400 nghìn đồng/tháng.
|
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (đội mũ, ngoài cùng bên phải) và các thành viên trong gia đình mới tới sân cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Xuân Hạnh |
Cùng gia đình của mình ngồi ở trên tầng rất cao của khán đài sân Rajamangal, ông Nguyễn Ngọc Ánh (66 tuổi, nhà cách sân khoảng 30km) bộc bạch: “Tôi quê gốc ở Long Xuyên (An Giang) và cả gia đình đã sang Thái từ khi tôi còn rất nhỏ. Kể từ năm 1995, khi đội tuyển Việt Nam với những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Mạnh Cường, Công Minh… sang Thái thi đấu SEA Games tôi đã không bỏ 1 trận nào”.
Ông Ánh cho biết, chỉ tính riêng gia đình, con, cháu mình tới sân Rajamangala tối 24.11 cũng được chục người. Đó là chưa kể thêm nhóm bạn của gia đình, con, cháu mình đang ngồi xung quanh ở phía dưới.
Suốt 90 phút thi đấu của tuyển Việt Nam với Myanmar, ông Ánh đứng ngồi không yên, hướng theo từng đường bóng của các học trò huấn luyện viên Phan Thanh Hùng dưới sân.
Ông cổ vũ không biết mệt, và ngay cả khi đội tuyển rời sân với tỷ số 1-1, cả gia đình ông vẫn nán lại tặng cho đội tuyển những tràng pháo tay.
“Đội tuyển của chúng ta đã chơi tốt, chỉ tiếc là đã thiếu may mắn. Bóng đá là thế, không phải bao giờ đội mạnh hơn cũng giành chiến thắng. Chúng ta vẫn còn 2 trận đấu nữa, và chắc chắn gia đình tôi sẽ tiếp tục tới sân cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam”, ông Ánh lạc quan nói.
Lê Đức (từ Bangkok)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.