Người Việt tại Áo: Ở hai đầu nỗi nhớ...

Thứ hai, ngày 14/04/2014 15:10 PM (GMT+7)
Năm nào cũng thế, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, những người con quê Phú Thọ đang sống và làm việc tại Áo lại tổ chức Giỗ Tổ, mời anh em bạn bè về hội tụ. Mỗi lần như vậy, Hương lại say sưa kể “chuyện đẻ trăm trứng”.
Bình luận 0
Dù đã được nghe hàng chục lần, nhưng ai cũng chăm chú, còn bọn trẻ thì ngạc nhiên: “Vậy chúng mình là anh em...”.

Ký ức ngọt ngào

Nhà Tuấn ở Traikirchen thuộc tỉnh Nideroesterreich, cách Vienna - nơi tôi ở khoảng 30km. Theo lời hẹn, vợ chồng Tuấn đưa xe đón tôi đến nhà mình dự liên hoan Giỗ Tổ Hùng Vương. Trên xe, Hương - vợ Tuấn kể, nhà Hương ở xã Minh Phương (nay là phường Minh Phương), TP.Việt Trì, Phú Thọ, chỉ cách Đền Hùng vài ba cây, Khi còn ở Việt Nam, năm nào Hương cũng đi lễ hội Đền Hùng.

Hồi ở nhà, Hương là cô giáo dạy môn văn của một trường THCS, và đã có lần đưa học sinh đến thăm quan Đền Hùng. Đôi mắt như mơ màng về miền ký ức, Hương nhẹ giọng: “Vậy mà đã gần 20 năm rồi anh ạ. Xem tivi thấy Đền Hùng đổi thay nhiều quá… Hồi ấy em đưa học sinh lên thăm quan, đường sá còn khó đi lắm, leo núi đến nửa chừng, đứa nào đứa ấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại kêu đói, em phải dỗ dành mãi.

Đến đền Hạ có đứa nằm vật ra sân, giở cơm nắm muối vừng ra ăn ngấu nghiến. No rồi, chúng lại nghịch như quỷ sứ… Cô thì mắt năm miệng mười quát nẹt, nhưng cứ hở ra là chúng nó chạy... Mệt nhưng vui. Em kể cho chúng nghe “chuyện đẻ trăm trứng”, về sự tích Đền Hùng, chỉ cho chúng nơi Bác Hồ đã ngồi nói chuyện và căn dặn bộ đội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…

Hôm đó đứa nào đứa ấy háo hức nghe cô kể chuyện. Dường như có cái gì đó rất thiêng liêng trong ánh mắt chúng nó. Nghe xong câu chuyện, có đứa tinh nghịch bắt cô chỉ đúng nơi Bác Hồ ngồi, rồi ngồi vào chỗ đó… Bây giờ chuyện đó đã thành “thời xa vắng”...

Thảo chụp những hình ảnh mới về Đền Hùng để gửi cho anh chị ở nước Áo.
Thảo chụp những hình ảnh mới về Đền Hùng để gửi cho anh chị ở nước Áo.

Thấy vẻ bùi ngùi, luyến tiếc của vợ, Tuấn cắt ngang, quay lại đùa với tôi: “Vợ em lúc nào cũng khoe nhà gần Đền Hùng, cứ làm như quê mình là nhất”. Hương bật cười...

Hương kể tiếp, gia đình Hương có 7 anh chị em thì 4 người (Hà, Vân, Hương, Hùng) định cư tại Áo. Vì là người của đất Tổ, nên mấy anh chị em luân phiên nhau đăng cai tổ chức giỗ Vua Hùng. Nở nụ cười tươi rói Hương nói: “Ở cách nhau mấy chục cây số, nhưng mỗi lần giỗ, không ai vắng mặt. Bọn em là “chủ nhà” nên không nhường quyền đăng cai cho người khác. Năm nay nhà em đăng cai, “tranh nhau” mãi mới được đấy”.

Cuộc hội ngộ của con cháu Vua Hùng

Nhà Tuấn hôm nay đúng là vui như hội, cả người lớn, trẻ con dễ có đến dăm chục người. Ngoài sân, người nướng thịt, người mổ gà… vừa làm, vừa chuyện như pháo rang... Trông thấy Hương, Chiến (quê ở Bắc Giang) đùa: Cô Hương tranh thủ kể “chuyện đẻ trăm trứng” đi để tí nữa ngồi mâm chúng tôi khỏi phải đợi.

Không phải tay vừa Hương đùa lại: “Có người muốn kể nhưng không có chuyện mà kể mới thiệt chứ”. “Vâng, quê bà là nhất, nhưng Vua Hùng là của Việt Nam chứ đâu của riêng quê bà. Chúng tớ cũng từ trong bọc của bà Âu Cơ mà ra, chứ đâu chỉ mỗi người Phú Thọ”- Chiến đùa.

Ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách, trên chiếc bàn được kê ngay ngắn đặt mâm cơm thịnh soạn, có cả vàng, hương, giấy tiền. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, Tuấn thắp hương khấn vái: “Hôm nay... chúng con dâng lên Đức thủy tổ Vua Hùng tấm lòng thành kính…”.

Trong khói hương nghi ngút, căn phòng lặng đi, ngay cả bọn trẻ con đang chạy nhảy lăng xăng ngoài sân cũng im bặt, cho dù có nhiều đứa không thạo tiếng Việt. Dường như chúng cảm nhận được có một cái gì đó rất hệ trọng đang diễn ra… Không khí trang nghiêm ấy khiến tôi phải ngỡ ngàng, cảm động.

Sau một tuần chạm cốc, Vân (chị gái của Hương) nói, lần này phá lệ, dì Hương không kể “Chuyện đẻ trăm trứng nữa”. Cậu Hùng vừa về quê năm ngoái kể xem Đền Hùng bây giờ thế nào. Mọi người đồng thanh “cô Vân nói chí phải”.

Nặng nghĩa tình quê

Hùng là em út trong gia đình, đã định cư ở Áo hơn 10 năm, gái tây, gái ta ở Áo đã được bao nhiêu người giới thiệu nhưng vẫn lắc đầu. Năm ngoái Hùng về quê lấy vợ. Hùng kể, hồi lớp 5 mấy đứa bạn cùng xóm rủ nhau đi xem Lễ hội Đền Hùng. Hồi ấy Đền Hùng còn hoang sơ lắm, cây cối trên núi um tùm, đường rất khó đi. Gia đình nghèo, tối hôm trước mẹ chuẩn bị cho gói cơm nắm với muối lạc.

Không có tiền đi xe khách, 4 giờ sáng cả bọn cuốc bộ đến Đền Hùng. Đến nơi mệt thở ra lỗ tai, người đông nghịt, vậy mà cố chen leo lên Đền Thượng để thắp hương. Tối về nhà, chân tay mỏi nhừ, lăn ra ngủ quên cả trời đất, phải nghỉ học mấy buổi. “Vậy mà lễ hội nào bọn cháu cũng háo hức, cũng muốn đi” - Hùng kể.

Năm ngoái Hùng về thăm Đền Hùng, thấy thay đổi nhiều quá, đường sá rộng rãi, vườn hoa, cây cảnh, sạch, đẹp không khác gì những khu văn hóa - du lịch của nước ngoài. Hùng bảo: Người Việt mình bây giờ sướng thật, mà cũng phải như thế chú ạ, hồi trẻ con cháu thấy lễ hội vui mà đến thôi.

Bây giờ xa Tổ quốc, mỗi lần đến lễ hội Đền Hùng, cháu lại thấy lòng mình nao nao, những kỷ niệm cứ ào ạt tràn về, đầu óc toàn nghĩ đến chuyện ở quê, nhiều khi bị sếp nhắc “mày như người mất hồn”. Tôn vinh lễ hội Đền Hùng là tôn vinh truyền thống dân tộc, là khơi dậy niềm tự hào… và cũng là để giáo dục lớp trẻ. Cháu nói vậy không phải vì quê cháu ở Phú Thọ. Chỉ những người trong hoàn cảnh xa quê mới thấy thấm thía điều đó…”.

Bên nhớ, bên thương

"Đền Hùng là điểm tựa tâm linh của người Việt, riêng với người Phú Thọ, Đền Hùng đã đi vào ký ức của tuổi thơ, thì điều đó lại còn thiêng liêng hơn. Chúng nó xa quê, sướng đấy nhưng cũng lắm thiệt thòi, mỗi lần lễ hội nghe các em điện về hỏi thăm, em biết chúng nó nhớ nhà lắm…”.

Anh Dũng tâm sự.

Đã trở thành thông lệ, nhiều năm nay, vào dịp lễ hội Đền Hùng, anh chị em trong gia đình Hương ở Việt Nam lại tập trung tại nhà Dũng (anh cả) ở phường Minh Phương, TP.Việt Trì, làm mâm cơm vừa để giỗ Tổ, cúng gia tiên, vừa kể chuyện về lễ hội cho anh em tại Áo qua điện thoại.

Dũng kể chuyện những năm trước: “Chúng nó hỏi đủ chuyện, nào là năm nay lễ hội có đông vui không? Hôm nay mọi người có vắng ai không? Anh làm giấy sớ để lễ cho chúng em đầy đủ chứ?…

Chưa nói xong với đứa này, đứa khác đã hỏi, em nghe có cả tiếng sụt sùi… Đền Hùng là điểm tựa tâm linh của người Việt, riêng với người Phú Thọ, Đền Hùng đã đi vào ký ức của tuổi thơ, thì điều đó lại còn thiêng liêng hơn. Chúng nó xa quê, sướng đấy nhưng cũng lắm thiệt thòi, mỗi lần lễ hội nghe các em điện về hỏi thăm, em biết chúng nó nhớ nhà lắm…”.

Vừa rồi tôi gặp Thảo (vợ Hùng) đang ở Việt Nam, Thảo đon đả “lễ hội năm nay mời chú lên nhà cháu nhé”. Thảo khoe, dịp Tết Nguyên đán Hùng về phép, chúng cháu sắm chiếc Ipad. Hùng giao nhiệm vụ cho cháu đến lễ hội quay phim, để mọi người bên Áo “giao lưu trực tuyến”.

“Mấy anh chị cháu bên đó người ít nhất là hơn 10 năm, có người hơn 20 năm nay chưa được về lễ hội nên “thèm” lắm. Ai cũng muốn được xem trực tiếp. Cháu quay camera, chú làm nhà báo, giúp cháu thuyết minh là tuyệt rồi” - Thảo hào hứng.
Lê Chiên (Lê Chiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem