Người xưa tuyển chọn nhân tài (Kỳ 1): Vài nét về chế độ khoa cử thời phong kiến

Thứ hai, ngày 18/04/2022 14:33 PM (GMT+7)
Để bộ máy nhà nước vận hành tốt, làm tròn bổn phận của mình với xã hội đều tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố có tính quyết định luôn là con người.
Bình luận 0

Chế độ khoa cử thời phong kiến ở nước ta là một chặng đường dài mười thế kỷ, khoa mở đầu là năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông và khoa kết thúc vào năm Kỷ Mùi (1919) đời vua Nguyễn Khải Định.

Về thể lệ thi buổi đầu chưa ổn định, ở thời nhà Lý khoảng cách giữa các khoa thi thường là12 năm. Tới khoa thi Kỷ Hợi (1239) đời Trần Thái Tông, lệ thi mới được định hẳn 7 năm một kỳ. Sang nhà Lê đời Thái Tông (1435) sửa lại 6 năm một kỳ. Nhưng đến năm 1466, vua Lê Thánh Tông cho đổi lại 3 năm một kỳ. Lệ thi này được chấp nhận suốt cả thời kỳ Hậu Lê cho tới cuối Nguyễn. . .

Khoa cử thời phong kiến gồm có hai kỳ thi quan trọng bậc nhất được coi như hai cửa ải lớn đề bước tới các bậc thang quan chức đầy danh vọng của các nho sĩ. Đó là thi hương (hương thí) và thi hội (hội thí)...

Người xưa tuyển chọn nhân tài - Kỳ 1: Vài nét về chế độ khoa cử thời phong kiến - Ảnh 1.

Trường thi (ảnh tư liệu).

Thi hương

Ở nước ta khi xưa, học trò bắt đầu đi học gọi là Sơ học. Học sách Sơ học vấn tân (hỏi bến), Tam tự kinh (Kinh 3 tiếng), Tứ tự kinh (Kinh 4 tiếng), Ngũ ngôn (Văn vần 5 tiếng). Tập làm văn khi đầu làm câu đối 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng vv...biết phân biệt vần trắc, vần bằng. Về đức dục, học sinh phải lễ phép, kính trên, nhường dưới, thực hiện câu: "Tiên học lễ, hậu học văn".

Chừng 10 tuổi trở lên học Tứ thư, Ngũ kinh, học lịch sử Trung Quốc, học Chư tử cửu lưu (9 dòng tư tưởng thời cổ đại Trung Quốc); học lịch sử Việt Nam (suốt từ thời Hồng Bàng), tập làm văn, làm câu đối 7 tiếng gọi là câu đối thơ, 8 tiếng trở lên là câu đối phú và tập làm văn nghĩa,

Hình thức trường làng phần lớn là trường tư (tư thục). Thầy giáo trường làng được gọi là thầy đồ. Thầy đồ do dân tự chọn. Họ gồm những người hỏng thi, hoặc thi đỗ mà không muốn ra làm quan, người đã nghỉ việc vv... Nhà nước không đài thọ trường làng mà chỉ mở trường từ cấp huyện, phủ và tỉnh. Quan quản lý giáo dục ở huyện gọi là huấn đạo, ở phủ gọi là giáo thụ, còn danh hiệu đốc học là quan cấp tỉnh.

Buổi đầu nhà Lê năm 1428, Lê Lợi xuống chiếu cho thiên hạ mở trường đào tạo nhân tài. Ở Kinh đô có Quốc tử giám, ở địa phương thì có các phủ học, huyện học.

Người xưa tuyển chọn nhân tài - Kỳ 1: Vài nét về chế độ khoa cử thời phong kiến - Ảnh 2.

Quang cảnh thí sinh lều chõng làm bài thi. (ảnh tư liệu)

Nhà vua tự mình lựa chọn những người tuấn tú cho vào học tại các trường ở kinh đô. Nhà vua ra lệnh cho các quan giáo thụ, huấn đạo chọn rộng rãi con em người lương thiện cho vào học các trường phủ, huyện.

Đầu thời Lê Trung Hưng, học sinh trường huyện mỗi kỳ học phải nộp tiền 5 mạch gọi là tiền minh kinh. Loại trường này chỉ dành riêng cho học sinh đã có kiến thức khá.

Hằng năm nhà trường đều tổ chức cho học sinh thi chất lượng vào tháng 4 âm lịch gọi là khảo khóa. Khảo khóa gồm 3 kỳ, ai đậu cả 3 kỳ gọi là khóa sinh.

Để chuẩn bị cho các kỳ thi hương, các anh khóa này được miễn phu phen tạp dịch một năm và họ phải dự kỳ thi tiến ích vào tháng 11 âm lịch, nhằm kiểm tra sự tiến bộ của họ trước khi bước vào kỳ thi hương năm sau.

Trước kỳ thi hương độ 4 tháng, các anh khóa lại phải vượt qua một ki thi sát hạch nữa. Thể lệ thi sát hạch phải do quan đốc ở tỉnh duyệt. Ai không đủ điểm ở kỳ thi này, sẽ không được thi hương.

Tới kỳ thi hương nếu thực tế chất lượng học sinh khác với chất lượng khảo hạch, thí sinh không làm nổi bài, thậm chí bỏ giấy trắng thì các quan kiềm tra bị trừng phạt. Nếu có từ 5 thí sinh không đạt yêu cầu trở lên thì bị cách chức. Giáo thụ, huấn đạo có thể bị giáng mấy cấp. Hồ sơ của những người dự kỳ thi hương phải có giấy chứng thực lý lịch của địa phương và gửi về bộ Lễ trước kỳ thi một tháng. Bọn lưu manh, côn đồ tuyệt nhiên không được ghi vào danh sách này. Lệ này hồi xưa gọi là Bảo kết.

Vào thời cuối Lê những người còn ở trong quân tịch không được dự thi, con em phường chèo, phường bát cũng không được thi; triều đình nhà Nguyễn còn quy định những học sinh đang chịu tang bố và ông nội cũng không được dự thi.

Địa điểm và nội dung của kỳ thi

Thi hương là kỳ thì của một tỉnh hoặc liên tỉnh đề chọn người vào thi hội và thi đình. Thời Lê người ta thấy có 9 trường thi: Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc, An Bang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Hóa.

Sang thời Nguyễn có 7 trường : Nghệ An; Thanh Hóa (gồm cả Ninh Bình) ; Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) ; Thái Nguyên (gồm cả Cao Bằng, Lạng Sơn); Hải Dương (gồm cả Quảng Yên); Sơn Tây (gồm cả Hưng Hóa và phủ Hoài Đức); Sơn Nam. Trường Sơn Nam đặt tại làng Hiên Nam nên có tên gọi là trường Hiên Nam.

Năm 1813, Gia Long cho đặt thêm 2 trường : Quảng Đức (gồm Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Định...) và Thăng Long (Hà Nội) gộp thêm cả trường Kinh Bắc, Sơn Tây, Thải Nguyên và Tuyên Quang. Đến năm 1825, sau khi có tỉnh Nam Định, trường Vị Hoàng (tức Sơn Nam cũ,được gọi là trường Nam Định.

Đến năm 1831, Minh Mệnh lại cho định lại 2 trường thi ở Bắc Kỳ:

1. Trường Hà Nội gồm 10 tỉnh : Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Ninh Bình, Thanh Hóa.

2. Trường Nam Định gồm 4 tỉnh: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên.

Những người thi đỗ trong các kỳ thi hương chia làm 2 loại : Loại một có các danh hiệu Cống cử, Công sinh, Cống sĩ, Hương tiến, Hương cống. Những ông cử này sẽ được đự kỳ thi hội... Loại hai gọi là Sinh đồ không được thi hội. Người đỗ đầu kỳ thi hương được gọi là Giải nguyên hoặc đầu xứ.

Đến đời Minh Mệnh (1820-1840) đồi các danh hiệu Cống sĩ, Hương tiến thành Cử nhân và Sinh đồ thành Tú tài. Người nào đỗ tú tài hai khoa thì gọi là Tú kép, ba khoa thì gọi là Tú mền gọi tắt là ông Mền, bốn khoa thì gọi là Tú Đụp, gọi tắt là ông Đụp.

Nội dung của các kỳ thí hương được đầy. định từ đời Lê Thánh Tông như sau Kỳ một : Bài thi gồm năm đề về Tứ thư, Ngũ kinh. Kỳ hai: Bài thi hỏi về chiếu, chế, biểu. Mỗi loại một bài viết theo lối cổ thể, ngày xưa gọi là thể văn tứ lục, hay là văn biền ngẫu. Văn xuôi có hai vế, vế sáu tiếng, vế bốn tiếng đối nhau.

Kỳ ba: Làm một bài thơ và một bài phú. Thơ làm thể Đường luật, thất ngôn bát cú (bảy tiếng, tám câu); phú cũng làm theo lối cổ thề (còn gọi là Tao tuyển) quy định từ 300 tiếng trở lên. Kỳ bốn: Làm một bài văn gọi là văn sách, đề tài rút ra từ các kinh sử, tử, tập hỏi về thế vụ (ý thức về việc giúp nước cứu đời) đòi hỏi phải viết được từ 1000 tiếng trở lên.

Ngạch lấy đỗ với tỷ lệ Cống sĩ 1, Sinh đồ 10. Ví dụ: năm 1708 ngạch đỗ ở trường Sơn Nam 880 người trong đó Cống sĩ 60 và Sinh đồ 800 người. Đến năm 1774 gia ngạch cho trường Sơn Nam lấy 1100 người đỗ. Cống sĩ chỉ có 100 còn là Sinh đồ.

(Còn nữa)

PV (Theo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem