Người yếu thế nếu "tự chiến đấu" trong tranh tụng sẽ rất thiệt thòi
Người yếu thế nếu "tự chiến đấu" trong tranh tụng sẽ rất thiệt thòi
Quỳnh Nguyễn
Thứ tư, ngày 22/11/2023 16:42 PM (GMT+7)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng tại tòa một cách đầy đủ và do những khoảng cách giàu nghèo, dân trí, văn hóa.... nếu khoán cho các bên "tự chiến đấu" sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.
Tại thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi chiều 22/11, tranh luận với ý kiến đại biểu về việc tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, người dân không có hiểu biết sâu nên cần thiết quy định tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án, ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: Quốc hội
Phân tích vì sao đặt vấn đề tòa án nhân dân thực hiện thu thập chứng cứ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật. Trong hệ dân luật, tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ.
Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là Tòa án nhân dân. Điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn.
"Do đó rất nhiều người dân khi ra tòa không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu khoán cho các bên "tự chiến đấu" sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ. Song, mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi.
Theo đại biểu, các bên không giải quyết được mới tìm đến tòa án để ra phán quyết công bằng cho các bên.
Đại biểu nêu vấn đề, việc sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án.
Liên quan đến nội dung về việc điều chỉnh nhiệm vụ của Tòa án trong thu thập chứng cứ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tòa án cần có trách nhiệm tham gia thu thập chứng cứ với những trường hợp các bên không thu thập được.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội
Về nội dung quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp tại Khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề về rất lớn, phức tạp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án và các cơ quan tư pháp khác nhưng chưa có sự thống nhất chung. Do vậy, đề nghị không quy định nội dung này vào trong dự thảo Luật.
Tán thành quan điểm cần Luật hóa giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, chỉ duy nhất tòa án có quyền phán quyết một người là có tội hay không, thậm chí là tử hình hay không tử hình. Như vậy, phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của một con người.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Quốc hội
"Một người chỉ bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Kể cả khi đã có kết luận điều tra hay cáo trạng của Viện kiểm sát thì người này vẫn chưa được coi là có tội. Do đó Tòa án phải giải thích rõ trong bản án, vì sao tòa lại tuyên bị cáo có tội, vì sao là tội này mà không phải là tội khác? Vì sao là 5 năm mà không phải 10 năm tù? Vì sao lại chấp nhận ý kiến của Viện kiểm sát mà không chấp nhận ý kiến của luật sư", đại biểu nêu.
Bà Thủy nhấn mạnh, tòa án cần phải giải thích rõ trong bản án về việc áp dụng pháp luật gắn với những tình tiết, tình huống cụ thể của vụ án và có giải thích một cách rõ ràng, thấu đáo để thuyết phục được xã hội cũng như tội phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.