Ngưỡng mộ tình yêu của vợ chồng già suốt 60 năm qua

Hạ Nhiên Thứ tư, ngày 10/08/2016 00:10 AM (GMT+7)
60 năm gắn bó, không con cái, 3 lần viết đơn ly hôn... nhưng cuối cùng, họ vẫn nắm tay đi đến gần cuối cuộc đời.
Bình luận 0

Xuất hiện trong chương trình "Điều ước thứ 7" phát sóng cách đây gần một năm, câu chuyện tình yêu bền bỉ và sắt son của ông Thọ, bà Tú được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi. Suốt 60 năm, dù không con cái, họ vẫn sống bên nhau hạnh phúc và mặn nồng như thuở mới yêu. 

img

Cặp vợ chồng gắn bó bên nhau suốt 60 năm

“Nhìn bà đau tôi thấy mất dần hạnh phúc rồi”

Đã ở tuổi 79 nhưng bà Tú (Hà Nội) vẫn đẹp. Ông Thọ (85 tuổi, Hà Nội, chồng bà Tú) thừa nhận, chính vẻ đẹp nền nã và dịu dàng ấy của bà đã khiến ông mê đắm suốt từ thời trẻ cho đến khi về già.

Căn nhà nhỏ của ông bà lúc nào cũng tràn đầy âm nhạc. Họ nghe những ca khúc trẻ trung, cắm những loại hoa tươi tắn và toàn ngôi nhà được bài trí bởi gam màu sáng lãng mạn. Ông Thọ bảo, họ không cố sức chống tại tuổi già nhưng vẫn muốn giữ cho tâm hồn mình trẻ trung nhất có thể.  

Tận mắt chứng kiến nếp sống và cách cặp đôi ứng xử với nhau mới thấy, thời gian chưa bao giờ đủ sức trở thành vật cản tình yêu của họ. Cụ bà 79 tuổi, cụ ông 85 tuổi nhưng họ vẫn xưng hô là “anh – em”, mỗi khi muốn cắt ngang câu chuyện, một trong hai người đều lịch sự: “Xin lỗi, em/anh ngắt lời”.

Khách đến nhà, ông Thọ luôn là người trò chuyện nhiều hơn, những lúc ấy, bà Tú lặng lẽ ngồi bên, say sưa nhìn chồng chia sẻ, thi thoảng gật đầu, tỏ ý hài lòng với những điều ông nói.

img

Bí quyết giữ gìn hạnh phúc của ông bà là "khi giận nhau mỗi người bớt nóng đi một chút"

Gần 60 năm trước đây, ông bà từng trải qua nỗi đau lớn: bà Tú bị hẹp ống dẫn trứng nên không thể có con. Cuộc sống của hai trí thức có tiếng những năm 60 của thế kỷ trước vì thế mà không còn viên mãn.

Bà Tú kể, khi ấy vì thương mình, thương chồng, bà đã tìm đến các danh y hàng đầu Việt Nam để chữa trị. Kỳ này thất bại, bà kiên trì đợi đến kỳ khác dù mỗi lần bơm thuốc vào người đều vô cùng đau đớn.

Nhưng chồng bà lại có quyết định khác. “Khi biết chỉ còn 8% cơ hội, ông ấy không muốn tôi chữa nữa. Tôi nhớ mãi một câu nói của ông: “Không biết có con hạnh phúc đến mức nào nhưng nhìn mình đau đớn tôi đang mất dần hạnh phúc rồi”, bà Tú kể. Vậy là ở tuổi 35, bà chấp nhận số phận “làm vợ một nửa” của mình.

Ấy thế mà những năm sau này, bà “năm lần bảy lượt” viết đơn ly hôn. Bà luôn cho rằng, giữ ông lại là ích kỷ bởi, ông hoàn toàn có thể lấy người khác, sinh con và được con phụng dưỡng lúc tuổi già.

Hai lần đầu tiên, ông Thọ nhìn lá đơn ly dị rồi lặng lẽ lắc đầu. Nhưng đến lần thứ ba, ông xé vụn lá đơn trước mặt vợ, nói: “Em làm thế là xúc phạm tôi”. Với ông Thọ, tình yêu dành cho vợ lớn hơn bất cứ điều gì trên đời.

img

Căn nhà luôn được bà Tú sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp

“Ngày ấy, một giáo sư ngành Y hỏi tôi: “Không có con, ông thấy thế nào?”. Tôi bảo, vợ chồng lấy nhau, con cái là nguyện vọng, là thứ hạnh phúc được cụ thể hóa. Tôi không có được điều đó là số phận của tôi, cớ gì lại trút giận vào người phụ nữ, mà người phụ nữ đó lại là vợ mình”, ông Thọ nói.

60 năm qua, ông vẫn giữ quan điểm đó và chưa bao giờ trách móc bà về chuyện con cái. Với các cặp vợ chồng khác, con cái là cầu nối thì với họ, tình cảm chân thành và bền bỉ là sợi dây gắn kết hạnh phúc.

“Chuẩn bị chu đáo cho ngày một người ra đi”

Không con cái, chỉ hai người sống chung một mái nhà suốt 60 năm nhưng họ chưa bao giờ chán nhau. Thời trẻ, cả hai cố gắng làm lụng, tích lũy cho tuổi già. Ông Thọ từng là Tổng biên tập của tờ báo Đại biểu Nhân dân, giảng viên lâu lăm của trường ĐH Đông Đô (Hà Nội). Vì biết bốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung, Nga, ông kiêm thêm công việc dịch sách để có thêm thu nhập, tích cóp vốn lo tuổi già. Bà Tú thời trẻ là y sĩ, cũng chăm chỉ làm việc phụ giúp chồng lo toan cuộc sống tương lai. 

Khi về hưu, hai vợ chồng cùng đi học khiêu vũ và cứ hàng tuần lại đưa nhau ra câu lạc bộ gần nhà, dìu nhau nhảy trong điệu nhạc du dương.

Cả hai có chung sở thích đi du lịch. Mỗi năm họ đến ít nhất một điểm và cho đến giờ, đã cùng nhau khám phá 15 quốc gia. Ở tuổi ngoài 70, họ không ngại ngần đến những vùng đất xa xôi như Nam Phi, Ai Cập… tìm hiểu cặn kẽ từ lịch sử, kiến trúc của các công trình cổ đại cho đến văn hóa, lối sống của người bản xứ.

Chúng tôi đi để thấy mình trẻ ra và ngày càng gắn bó với nhau hơn. Đó cũng là cách hai vợ chồng vun vén hạnh phúc”, ông nói.

img

Hai người đã chuẩn bị chu đáo cho những năm tháng cuối đời 

Gần 10 năm trở lại đây, ông Thọ đã “rút lui” khỏi mọi công việc, ở nhà với bà Tú. Cả hai quấn quýt không rời, cùng nhau tản bộ, đi chợ, tập thể dục, gặp gỡ bạn bè, khiêu vũ và đi du lịch… Người dân xung quanh hiếm khi thấy ông bà đi một mình và nếu bất chợt thấy, chắc chắn sẽ thắc mắc: “Bà đâu mà nay có mỗi ông đi?".

Từ trẻ đến giờ, ông Thọ, bà Tú luôn đặt ra kế hoạch mười năm cho tương lai của mình. Khi được hỏi, mười năm tới, ở tuổi 90 -100 ông bà dự tính ra sao, ông cười: “Chúng tôi chuẩn bị chu đáo cả rồi, chuẩn bị cho cả ngày một trong hai người ra đi”.

Đến lúc sức khỏe yếu, không thể tự lo cho cuộc sống thường ngày, ông bà sẽ vào viện dưỡng lão. Ở đây, hai người vẫn sống chung trong một căn phòng nhỏ (khoảng 20m2), đầy đủ tiện nghi và được hưởng chế độ chăm sóc cẩn thận.

Ông Thọ, bà Tú chưa bao giờ để người kia ở ngoài kế hoạch cuộc đời mình vì họ muốn giữ gìn lời hứa năm xưa:  "Sẽ bên nhau trọn đời"!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem