Nguy cơ “vỡ trận” cây có múi (bài cuối): Chưa đến mức phải... "giải cứu"

Minh Huệ Thứ hai, ngày 11/01/2021 06:31 AM (GMT+7)
“Sản lượng cây có múi hiện nay chưa đến mức phải giải cứu, tuy nhiên cũng đã đến lúc phải tính toán rà soát lại để sản xuất có kiểm soát, không thể trồng ồ ạt theo phong trào...” - ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN.
Bình luận 0

Vừa qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức một số toạ đàm, diễn đàn khuyến nông về cây có múi và đã đưa ra một số cảnh báo về nguy cơ cung vượt cầu, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Ông có thể cho biết điều này đáng lo ngại như thế nào?

- Đối với cây có múi, bưởi vẫn còn dư địa vì chúng ta có thể xuất khẩu được, nhưng riêng quả cam, quýt chúng ta không có lợi thế. Nếu cứ phát triển mà không kiểm soát về khâu kỹ thuật thì sẽ dẫn đến sâu bệnh, chất lượng sản phẩm không tốt. 

Điển hình là đã có nhiều vùng cam bị thoái hóa như khu vực Nghệ An, Hà Giang. Trước đây, đó là những vùng cam rất trù phú nhưng qua nhiều năm trồng và chăm sóc không đảm bảo, mất kiểm soát cả về quản lý và kỹ thuật nên dẫn đến chất lượng đi xuống, năng suất giảm và cuối cùng là hiệu quả kinh tế không cao.

Từ những lý do đó, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được thị trường. Hiện đang vào mùa thu hoạch cam, ở nhiều nơi bà con phải mang cam bán rong ven đường với giá chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Nguy cơ “vỡ trận” cây có múi (bài cuối): Sản xuất có kiểm  soát, bỏ việc trồng ồ ạt - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (bên phải) thăm mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Lê Phương (xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Nắm rõ nhu cầu thị trường mới trồng

Về cây có múi, hiện nay đang có câu chuyện vừa thừa vừa thiếu. Phát triển diện tích cây có múi vừa qua là rất nhanh, trong đó có việc do hiệu quả cây có múi cao nên có tình trạng nông dân một số nơi đua nhau đổ vào trồng.

Trước khi sản xuất cái gì thì cần biết rõ nhu cầu thị trường đến đâu, bán ở đâu, làm theo công thức gì, tiêu chuẩn quy chuẩn gì. Có như thế, chúng ta mới giải quyết được câu chuyện không còn sợ thừa, ế.

Người dân, chính quyền các địa phương cần thay đổi nhận thức về vấn đề này. Để trồng cây gì, phải biết được nhu cầu của xã hội đến đâu, bán ở đâu, làm thế nào, chứ không thể trồng tràn lan rồi bán không được.

Cũng vì những dấu hiệu đáng lo ngại như thế nên chúng tôi đã có nhiều cảnh báo tới bà con, thông qua các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp về cây có múi, cây bưởi. Nếu chúng ta phát triển sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng thì vẫn có thị trường.

Thực tế là những vùng cam đường sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ ở Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn bán được giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lợi nhuận; hay một số vùng cam sản xuất đảm bảo chất lượng giá vẫn đạt 30.000 đồng/kg, đảm bảo có lãi.

Về giá thành, mỗi vùng cam, vườn cam lại có mức độ đầu tư khác nhau. Có những vườn cam trồng theo quy trình hữu cơ, 1 năm thu hoạch quả còn 1 năm chỉ để nuôi cành. Những vườn như vậy thường có giá thành cao nhưng giá bán cũng sẽ cao hơn các mô hình thông thường khác.

Theo ông, liệu có xảy ra nguy cơ vỡ trận cây có múi hay không? Vì sao đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào mặn mà đầu tư chế biến sản phẩm cây có múi?

- Với cây có múi, hiện nay Việt Nam không có lợi thế về chế biến, do các giống có nhiều hạt, vỏ dày, chỉ phù hợp để ăn tươi. Trừ cây bưởi, hiện cam chưa phải là cây trồng có lợi thế về chế biến nên cũng không thu hút được các nhà máy.

Tôi cho rằng sản lượng cây có múi hiện nay chưa đến mức phải giải cứu, tuy nhiên cũng đã đến lúc phải tính toán rà soát lại để sản xuất có kiểm soát. 

Ví dụ cây cam là cây trồng đòi hỏi yêu cầu thâm canh, giống và kỹ thuật cao, vốn đầu tư nhiều nên không thể phát triển theo phong trào được.

Đối với những vườn cam bị bệnh và kém hiệu quả, lời khuyên của ông đối với nông dân là gì?

- Theo tôi, bây giờ chúng ta có thể rà soát lại định hướng phát triển cây có múi gắn với cả thị trường trong nước và xuất khẩu, phải nghiên cứu nhu cầu thị trường cần bao nhiêu, những sản phẩm như thế nào được ưa chuộng?...

Thứ hai, cần có đánh giá lại chất lượng các vườn cam để đưa ra quyết định duy trì chăm sóc, hay chuyển đổi. Nếu cảm thấy không phù hợp cả về giống, điều kiện sinh thái, kỹ thuật, năng suất chất lượng thì phải chuyển đổi. Còn nếu có nhiều yếu tố phù hợp để phát triển vùng cam chuyên canh thì phải nghiên cứu thị trường, đặc biệt khâu giống phải sạch bệnh và có chất lượng…

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Tập trung vào chất lượng

Mục tiêu phát triển cây ăn quả có múi đến 2030 là theo hướng tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, áp dụng quy trình VietGAP, 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, phát triển sản xuất cây có múi (nhất là cam) phải gắn với phát triển công nghiệp chế biến.

Các địa phương cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng theo phong trào đối với cây cam, bưởi, nhất là tại các vùng không phù hợp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem