Thế nhưng, dù gặp ít hay nhiều, tôi thấy ông Lê Doãn Hợp vẫn là con người như vậy - dễ gần, sôi nổi và hay… đúc kết. Hình như cái gì ông Hợp cũng có thể đúc kết, từ cuộc sống, công việc đến quan hệ bạn bè, thậm chí dạy con, chọn vợ… Nhiều người quý mến gọi ông Hợp là “ông đúc kết” cũng không sai.
Mời đi nói chuyện không phải vì đã từng là bộ trưởng
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ việc ông Hợp nghỉ hưu. Ông Lê Doãn Hợp đúc kết rằng: “Người ta nghỉ hưu sướng nhất là được làm những việc mình thích. Thích đi thì đi, ngủ thì ngủ, muốn làm thơ, la cà cà phê, trà đạo tùy thích. Tôi lại không được như vậy.
Khi cởi tấm áo Bộ trưởng cũng nghĩ sẽ nghỉ ngơi cho sướng. Nhưng rồi Đại hội những người làm Truyền thông số Việt Nam đã bầu tôi làm Chủ tịch khi tôi còn đi công tác ở nước ngoài. Lúc đó dù không thích nhưng vì thế hệ trẻ cũng phải làm. Làm một thời gian thấy vui lắm”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông Tin & Truyền Thông Lê Doãn Hợp. (Ảnh: GD.NET.VN )
“Vì sao vậy? Một Bộ trưởng dù đã nghỉ hưu như ông thích làm gì chẳng được”- tôi hỏi.
Ông Hợp nói: Thích chứ. Năm nay mình đã 65 tuổi, trong khi xung quanh mình hầu hết là những người trẻ năng động, cao nhất sinh năm 1973, thấp nhất là 1991. Trẻ thế mà họ toàn là giám đốc cả đấy. Một người làm 1 năm có khi doanh thu 15- 20 tỷ đồng, bằng giá trị sản xuất tăng thêm của cả một huyện nông nghiệp chứ chẳng chơi. “Làm việc với người trẻ thấy đầu óc mình sảng khoái và trẻ trung. Họ chỉ 1 cần cái máy tính và một m2 để tác nghiệp là có thể kiếm được khối tiền bạc, của cải cho đất nước. Mình không cần giúp họ về công nghệ, nhưng rất cần giúp họ về kỹ năng quản lý, quan hệ đối ngoại, tạo cho họ sân chơi bổ ích để cùng hợp tác. Hai thế hệ bổ sung cho nhau thế là quá ổn”- ông Hợp chia sẻ.
Và cũng như lời ông nói, sau khi nghỉ hưu, ngoài làm việc ở Hội Truyền thông số Việt Nam, ông còn dành thời gian đi nói chuyện chuyên đề, viết sách, làm từ thiện…. Viết sách thì ông đang thực hiện 3 tập “Ký ức người lính”, còn tập sách đầu tay của ông là 100 điều tổng kết từ thực tiễn. Riêng đi nói chuyện chuyên đề dù không thường xuyên, nhưng cũng hiếm khi ông ở nhà. “Trước làm Bộ trưởng tôi cũng được mời đi nói chuyện chuyên đề, nhưng có thể vì quan hệ thôi. Nay về hưu chắc không phải họ mời ông Bộ trưởng mà là mời ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông số VN. Đợt này tôi đang nói chuyên đề ở Trường Đào tạo cán bộ của Bộ Thông tin Truyền thông về chủ đề quản lý nhà nước về báo chí. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước mời tôi nói chuyện về xử lý báo chí khi khủng hoảng thông tin. Tôi đi nhiều chính vì người ta quý mình, cần kiến thức, kinh nghiệm của mình thì đi để truyền đạt thôi. Cố nhiên là tránh cho người nghe phải chịu đựng 3 không - Không nghe được, không ghi được, không ngủ được mà tôi đã từng chịu đựng khi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng thời còn đương nhiệm” - ông Hợp chia sẻ.
Chiến tranh kết thúc, các bạn chiến đầu của tôi bàn nhau về quê lấy vợ. Có người bảo:“Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Tôi đã nói lại rằng: Ta về ta tắm ao ta, ao ta mà đục ta qua ao người. Đúc kết là vậy nhưng cuối cùng tôi cũng lấy vợ xứ Nghệ vì ao nhà vẫn trong” - Ông Lê Doãn Hợp
Thua nước giàu đã buồn, thua nước nghèo còn buồn hơn
Quan điểm
Ông Lê Doãn Hợp •
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông
Tôi không giống nhiều người trong thiên hạ. Chọn vợ cũng như chọn bạn. Cái quan trọng nhất là phần từ cổ trở lên với 2 bộ quan trọng nhất là bộ mặt (văn hóa) và bộ não (trí tuệ) còn từ cổ trở xuống cơ bản cả thế giới đều giống nhau. Ngay cả thiếu nữ chân dài là đáng quý nhưng nếu “đầu ngắn” sẽ rất chán...
Hỏi thời ông làm Bộ trưởng mỗi lần đi công tác nước ngoài ông rút ra được điều gì, ông bảo: “Đúng là tôi đi nhiều, tổng cộng khoảng 50 nước, với cỡ gần 250 chuyến bay. Mỗi lần đi bao giờ tôi cũng hỏi bạn rất nhiều để bổ sung thêm kiến thức cho mình nhằm so sánh theo nghĩa ta là ai, ta đang ở đâu và ta phải làm gì để không thua em kém bạn?”. Và qua những chuyến đi đó, ông Hợp... đúc kết rằng: Nếu học làm lễ tân nên học Trung Quốc, học văn hóa nên đến Nhật Bản, học kỷ luật lao động nên đến Đức, học đại học xin đến Anh, sau đại học là Hoa Kỳ, còn học công nghệ thông tin tất nhiên phải đến Israel; văn hóa đọc học Tây Ban Nha…
Nói về công nghệ thông tin, ông Lê Doãn Hợp như bị gãi đúng chỗ ngứa. Ông nói: Israel nằm giữa thế giới Ảrập nóng bỏng và đầy phức tạp mà không bao giờ có khủng bố. Có sự an toàn như vậy bởi họ đã quản lý đất nước bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Ở Việt Nam nếu bỏ được việc quản lý bằng văn bản, giấy tờ như Israel ít nhất mỗi năm chúng ta cũng tiết kiệm được cỡ gần 40.000 tỷ đồng. Việt Nam ta còn nghèo nhưng quản lý còn nhiều chuyện phải bàn”.
Nói rồi ông Hợp dẫn chứng: Nước ta 90 triệu dân mà mỗi năm chỉ đón được 7 triệu khách du lịch, trong khi dân số Italy 60 triệu đã đón được gần 80 triệu khách du lịch. So với nước lớn ta thua cũng dễ hiểu. Nhưng so với bạn Lào có 7 triệu dân vẫn đón hơn 3 triệu khách du lịch, rồi Campuchia 14 triệu dân vẫn đón hơn 4 triệu khách thì quả thật buồn? Nước ta chỉ có hơn 2 triệu xe ô tô đã xảy ra bao nhiêu điều bất cập trong quản lý cũng như phát triển hạ tầng, trong khi Campuchia 14 triệu dân cũng có gần 2 triệu xe ô tô mà mọi việc yên ổn hơn nhiều. “So với nước lớn Việt Nam thua đã đành, nhưng so với nước nhỏ còn nghèo mà thua thì buồn lắm”- ông Hợp chia sẻ.
“Thế chẳng lẽ Việt Nam ta không có gì để khen à?- Tôi thắc mắc.
Ông Lê Doãn Hợp cười lớn: Có chứ. Việt Nam ta có 3 điều khen, đó là chúng ta có đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh ái quốc; đảm bảo an ninh chính trị rất tốt; hội nhập quốc tế tự tin, tự chủ và sáng tạo… Dù khiêm tốn đến đâu, tôi cũng xin thay mặt cho những người lính chống Mỹ tự hào nói rằng chúng tôi là thế hệ “vàng” của quân đội nhân dân VN. Thế hệ 4 nhất: Chiến đấu gian khổ, hy sinh ác liệt nhất; Tình người đẹp nhất; Tình cảm quốc tế trong sáng nhất và hưởng thụ thấp nhất.
Và cũng vì nghĩ thế, nên từ khi về hưu đến nay, ông Lê Doãn Hợp cùng Ban liên lạc chiến đấu Sư đoàn 5 thường tổ chức gặp mặt các đồng đội đi B còn sống và kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ các gia đình đồng đội còn khó khăn. Hơn 2 năm qua, Ban đã khuyên góp, xây dựng được 30 ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình có đồng đội đã hy sinh...
“Thà chọn chân ngắn mà đầu dài”
Trò chuyện mãi, rồi chúng tôi cũng quay về chủ đề gia đình, vợ con, bạn bè. Ông Hợp bảo: Sau khi kết thúc chiến tranh, các bạn chiến đầu của tôi bàn nhau về quê lấy vợ. Có người bảo: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Lúc đó, tôi đã nói lại rằng: “Ta về ta tắm ao ta, ao ta mà đục ta qua ao người”. Kể về chuyện này, ông Hợp cười lớn: “Đúc kết là vậy nhưng cuối cùng tôi cũng lấy vợ xứ Nghệ vì ao nhà vẫn trong. Lấy vợ là lấy người có ưu điểm để bù đắp cho khiếm khuyết của mình. Chẳng hạn ai nóng tính sẽ chọn vợ nhuần tính; ai thấp nên lấy vợ cao hơn để cải thiện nòi giống. Ai cẩu thả nên lấy vợ gọn gàng, theo nghĩa cùng cực thì đẩy, khác cực mới hút”.
Nhân nói chuyện “một nửa thế giới”, tôi hỏi, thế ông thích mẫu người phụ nữ ra sao? Ông nói thẳng: “Tôi không giống nhiều người trong thiên hạ. Chọn vợ cũng như chọn bạn. Cái quan trọng nhất là phần từ cổ trở lên với 2 bộ quan trọng nhất là bộ mặt (văn hóa) và bộ não (trí tuệ) còn từ cổ trở xuống cơ bản cả thế giới đều giống nhau. Ngay cả thiếu nữ chân dài là đáng quý nhưng nếu “đầu ngắn” sẽ rất chán”.
Ông Lê Doãn Hợp là người như thế. Làm việc thì trách nhiệm và hết mình. Sống thì sôi nổi, mạnh bạo. Nói chuyện bao giờ cũng đúc kết triết lý. Cái cá tính đó, có lẽ sẽ đeo đuổi suốt cuộc đời ông...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.