Nguyễn Hải Dương xin sớm thi hành án tử hình: “Đó là nguyện vọng... bình thường”

Lê Chiên (thực hiện) Thứ tư, ngày 06/04/2016 06:00 AM (GMT+7)
Việc Nguyễn Hải Dương (sát thủ vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước) xin sớm thi hành án tử hình đang được dư luận rất quan tâm. Dưới góc nhìn pháp lý và tâm lý tội phạm, các chuyên gia pháp lý đánh giá thế nào về sự việc này? NTNN đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Đinh Văn Đoàn (ảnh) - giảng viên khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP. HCM.
Bình luận 0

Thưa ông, việc Nguyễn Hải Dương xin được thi hành án tử hình sớm có được chấp thuận không? Nếu được thì cơ quan nào có thẩm quyền cho phép? Và quy trình thực hiện việc này thế nào?

img

Bị cáo Hải Dương tại phiên xét xử sơ thẩm lưu động tại Bình Phước. K.Phong

- Việc thi hành án tử hình phải tuân thủ trình tự, thủ tục được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự. Theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành phải trải qua thủ tục xem xét bản án.

Với quy định về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành như trên, việc Nguyễn Hải Dương xin được thi hành án tử hình sớm sẽ không được chấp nhận. Bản án tử hình đối với Dương trước khi được đưa ra thi hành phải trải qua thủ tục xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự mà không có ngoại lệ.

Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Hải Dương và đồng phạm sẽ diễn ra vào tháng 5.2016. Trước đó, phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra vào ngày 21.3, nhưng các bị cáo Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại không đồng ý luật sư chỉ định mà yêu cầu luật sư khác bào chữa nên phiên tòa phúc thẩm phải hoãn lại.

Nguyễn Hải Dương không kháng cáo, nhưng các bị can, bị cáo, bị hại liên quan đã có đơn kháng cáo, vậy điều này có ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án dành cho Dương?

- Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Tuy Nguyễn Hải Dương không có kháng cáo nhưng phải xem phần bản án của Dương có bị kháng cáo, kháng nghị hay không? Nếu phần bản án của Dương không bị kháng cáo, kháng nghị thì sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Còn nếu phần bản án của Dương bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa có hiệu lực pháp luật. Để trả lời chính xác câu hỏi này cần phải xem nội dung kháng cáo của các bị cáo khác, bị hại và kháng nghị của Viện Kiểm sát (nếu có).

img

Thạc sĩ Đinh Văn Đoàn.

Trên thực tiễn, theo ông biết đã có trường hợp nào tử tù xin thi hành án sớm như vậy chưa?

- Ở Việt Nam, việc tử tù xin thi hành án sớm chưa có số liệu thống kê của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chỉ là những thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng đối với một số trường hợp xảy ra trên thực tế. Theo tôi, việc tử tù xin thi hành án tử hình sớm là nguyện vọng của họ và việc Nguyễn Hải Dương xin thi hành án tử hình sớm không phải là trường hợp đầu tiên và cũng sẽ không phải trường hợp cuối cùng.

Thông thường trước cái chết con người muốn kéo dài sự sống, nhưng Nguyễn Hải Dương thì ngược lại. Dưới góc độ tâm lý tội phạm, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Với hành vi phạm tội của mình và những chứng cứ đã được thu thập thì Dương hoàn toàn nhận thức được bản án tử hình dành cho mình là hợp lý, rất khó được giảm án nên theo tôi việc Nguyễn Hải Dương xin được thi hành án tử hình sớm là bình thường. Mặt khác, việc Dương xin thi hành án tử hình sớm có thể để giảm áp lực tâm lý cho mình và gia đình.

Ông có cho rằng việc bị cáo Dương xin thi hành án tử hình sớm nhằm che đậy việc gì đó không?

- Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền phải thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để xác định sự thật của vụ án. Tất cả những vấn đề cần chứng minh trong vụ án phải được cơ quan có thẩm quyền làm sáng tỏ để giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án. Nếu có điều gì chưa rõ, cơ quan có thẩm quyền phải thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ. Chính vì vậy, không có chuyện Nguyễn Hải Dương xin thi hành án tử hình sớm nhằm che đậy việc gì đó.

Xin cảm ơn ông!

Phải thuận theo đạo đời

Tội giết người, cướp của là một trong những trọng tội phải chịu hình phạt không những trong luật pháp, mà trong cả khía cạnh tâm linh! Nó phù hợp với nghĩa đời, nghĩa đạo là khi đã đủ yếu tố, điều kiện pháp luật thi hành thì thi hành. Âu giờ phút đó là lẽ tất yếu không thiếu, không thừa trong sự trả nợ công bằng của một con người. Tự tử, hoặc muốn thi hành án sớm đều không phải cõi tự nhiên, cũng như quy luật xã hội mà Nguyễn Hải Dương có được quyền đó!

Phật tử Trịnh Quốc Dũng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Giam giữ cũng là một hình thức răn đe

Tôi nghĩ việc giam giữ phạm nhân cũng mang hàm nghĩa giáo dục răn đe trong xã hội. Đồng thời việc giam giữ phạm nhân trong tù cũng là lời cảnh báo cho các tội phạm khác để chúng phải lùi bước mỗi lần định gây án. Việc thực hiện án đối với Nguyễn Hải Dương là do tòa án quy định cụ thể vào thời gian nào, dài bao lâu chứ không thể do Nguyễn Hải Dương có thể xin được. Hãy để cho những kẻ gây tội ác lớn như vậy phải suy nghĩ nhiều đêm trước khi lên pháp trường. Đó cũng là một sự trừng phạt cho hắn.

Bạn đọc Phạm Lý Thu (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam)

Để thấm thía sự trừng phạt của công lý

Trong những vụ án gần đây, vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước là vụ thảm sát lớn, hành vi của hung thủ thật ghê tởm và khủng khiếp hơn cả loài ác thú. Cho nên nếu Hải Dương xin chết sớm cũng là ân huệ để cho hắn giải thoát sớm. Không thể ban cho hắn “ân huệ” đó được. Hải Dương cần phải trả “món nợ” trước khi sang thế giới bên kia. Hãy để Nguyễn Hải Dương có thêm thời gian sau song sắt để hắn thấm thía sự trừng phạt của công lý.

Bạn đọc Đào Văn Sự (Thường Tín, Hà Nội)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem