Nguyên nhân khiến lượng hàng tồn kho bất động sản ngày càng tăng?

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 24/10/2023 14:13 PM (GMT+7)
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy số lượng hàng tồn kho bất động sản ngày càng gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp "lao đao" vì thiếu vốn để tiếp tục triển khai các dự án mới. Nguyên nhân là do nhóm bất động sản tồn kho chủ yếu có mức giá quá cao so với nhu cầu người mua.
Bình luận 0

Theo Bộ Xây dựng, số liệu báo cáo của 52/63 địa phương cho thấy lượng hàng tồn kho bất động sản trong quý III/2023 gần 17.000 sản phẩm bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền (tăng hơn 250 căn hơn so với quý II). Trong đó, chung cư tồn kho gần 3.200 căn; nhà ở riêng lẻ hơn 6.500 căn; đất nền hơn 7.200 nền.

Hàng tồn kho bất động sản lớn được thể hiện trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Báo cáo quý III của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho thấy, giá trị tồn kho 16.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ so với cuối năm 2022 (14.800 tỷ đồng). Lượng bất động sản tồn kho chiếm 60% giá trị tổng tài sản.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các giải pháp thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường bất động sản khó cả cung lẫn cầu. Hiện nhu cầu bất động sản đang trì trệ và khả năng còn tiếp tục trì trệ. Các phân tích gần đây liên quan đến tổng cầu chưa thấy điểm sáng. Bởi vậy, nên phân tích đầy đủ cầu cho thị trường bất động sản để tìm được cách tiếp cận tốt nhất. Nếu không, chúng ta xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ. 

"Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường. Đơn cử hiện nay, hàng tồn kho bất động sản tăng, nhiều dự án tốt nhưng vướng mắc, chưa đưa tới thị trường thì xử lý thế nào? Nhà nước có mua lại dự án đó để tạo lòng tin cho doanh nghiệp và người mua không? Tôi cho rằng, giải pháp này cơ bản nhằm gỡ cho dự án tốt, lớn nhưng lại đang tắc", ông Thiên nhận định.

Nguyên nhân khiến hàng tồn kho bất động sản ngày càng tăng? - Ảnh 1.

Số lượng hàng tồn kho bất động sản ngày càng tăng bởi mức giá bán quá cao (Ảnh: TN)

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, số lượng hàng tồn kho bất động sản đều có tính chất giống nhau là khó hấp thụ vào thị trường. Nguyên nhân là do mức giá quá cao, không phù hợp nhu cầu của đại đa số người dân. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu sở hữu nhà ở thực của người dân rất lớn nhưng khả năng tài chính chỉ có thể chi trả cho căn hộ khoảng 2 – 2,5 tỷ đồng, trong khi nguồn cung của thị trường chủ yếu là phân khúc nhà ở thương mại giá cao.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, với nhóm hàng tồn kho bất động sản thành phẩm là nhóm các sản phẩm đã hoàn thiện đưa ra thị trường nhưng không có giao dịch do thanh khoản yếu, cần phải cơ cấu lại giá phù hợp hơn, chủ đầu tư phải chấp nhận “hy sinh” một phần lợi nhuận để bán được hàng.

"Còn với nhóm hàng tồn kho bất động sản bán thành sản phẩm. Đây là nhóm đã triển khai nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện, việc giải quyết nằm ở trong tay các cơ quan có thẩm quyền. Các đơn vị quản lý Nhà nước cần xem xét, đẩy nhanh việc gỡ vướng cho các dự án, khơi thông nguồn lực", ông Đính cho biết.

Để gỡ khó thị trường bất động sản, trong đó có việc tránh để số lượng hàng tồn kho bất động sản gia tăng, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục, khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường. 

Ngoài ra, phải tập trung rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc; đánh giá cụ thể nguyên nhân và khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất rõ giải pháp lên cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, địa phương phải rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án bất động sản mới, trong đó có dự án nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương phải lập, tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Cùng đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong một bộ phận cán bộ, công chức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem