Nguyên nhân vì đâu ĐBSCL“khát lũ"?

Thanh Xuân (ghi) Thứ hai, ngày 09/11/2015 14:44 PM (GMT+7)
Dân Việt đã có loạt bài phản ánh tình trạng miền Tây lao đao bởi mùa lũ cạn. Vậy nguyên nhân vì đâu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại “khát lũ”? Phóng viên Dân Việt đã ghi nhận ý kiến của một số nhà khoa học.
Bình luận 0

GS-TS Vũ Trọng Hồng -  Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam: Rà soát lại nguồn nước

Để giải quyết vấn đề không có lũ ở miền Tây, tôi cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trước mắt là phải có sự đàm phán cấp quốc gia đối với các nước tham gia Uỷ hội sông Mekong quốc tế vì hầu hết nguồn nước ở khu vực ĐBSCL phụ thuộc vào thượng nguồn của sông Mekong. Chúng ta cần đàm phán tay đôi với các nước chứ không chỉ kêu cứu, tất nhiên, nếu do thiên tai dẫn tới họ cũng cần nước và xây đập để chuyển nguồn thì mình cũng phải tính đến phương án khác.

img

Ảnh hưởng bởi lũ cạn, cỏ lúa chét đầy đồng trên cánh đồng biên giới giáp Campuchia thuộc địa phận huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: TRỌNG BÌNH

Trong đó, quan trọng nhất là Chính phủ phải sớm tiến hành rà soát lại nguồn nước hiện có và nhu cầu cần sử dụng nước của người dân khu vực ĐBSCL; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, ngoài trồng cây ngăn mặn, giữ nước cũng cần chuyển đổi cây trồng từ lúa sang các cây trồng ít sử dụng nước.

Ngoài ra, tôi cho rằng phải có giải pháp giúp người dân trước đây “sống chung với lũ” thì bây giờ cũng phải quen với cuộc sống không có lũ.

GS-TS Trương Đình Dụ -  Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN: Không can thiệp sẽ là thảm họa

Năm nay biến đối khí hậu đã rất rõ ràng, khu vực ĐBSCL thường có lũ về từ tháng 5 đến tháng 11, nhưng năm nay mưa ít và không có lũ. Tôi được biết, ở khu vực miền Nam của Trung Quốc vừa rồi vẫn mưa rất to nên có khả năng việc lũ không về miền Tây là do 11 đập thuỷ lợi và thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong đã chặn nước lại.

Nếu nước ở thượng nguồn chặn lại thì dù khu vực ĐBSCL có mưa trong nội địa lớn cũng không thể tạo thành lũ được, muốn có lũ là phải có nước ở thượng nguồn về. Nếu lũ không về khu vực miền Tây, thì về lâu dài sẽ là thảm hoạ cho khu vực này. Do đó, chúng ta cần có giải pháp, cũng giống như các nước ngăn sông thì Việt Nam cũng phải tiến hành ngăn sông giữ nước, đắp hệ thống đê và xây dựng hệ thống cửa sông để đóng cửa về mùa khô và chỉ mở ra vào mùa lũ, giữ lại toàn bộ nước ngọt cho khu vực này.

Hiện nay, đối với khu vực ĐBSCL, vấn đề đáng lo ngại nhất là nếu Campuchia tiến hành xây dựng đập Biển Hồ  thì Việt Nam hầu như không còn nước về vào mùa khô.

GS-TS Trần Đình Hòa – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Phải tính toán kỹ khi ngăn sông

Thực tế cho thấy, ở khu vực miền Tây, nhiều năm nay người dân đã quen sống với lũ bởi lũ về không chỉ bồi đắp phù sa cho vựa lúa này thêm mầu mỡ mà còn đem đến một lượng tôm, cá lớn cho người dân. Tất nhiên, dù là hệ thống sông lớn liên quan tới nhiều nước nhưng nếu đi qua lãnh thổ của một nước, họ chặn lại trên địa phận nước họ thì cũng rất khó để can thiệp nhất là trong điều kiện các nước đều khan hiếm nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu.

Ở khu vực các con sông lớn của ĐBSCL, chúng tôi cũng đã có những đề tài nghiên cứu khắc phục bằng giải pháp ngăn sông và đóng cửa sông lại để giữ nước ngọt không cho chảy ra biển. Tất nhiên, nếu phải dùng tới biện pháp này là can thiệp thô bạo, vì trước đây có cả vùng nước ngọt, vùng nước lợ nhưng khi đóng cửa sông lại, ngăn không cho nước ngọt chảy ra ngoài sẽ làm thay đổi rất nhiều đến hệ sinh thái, môi trường xung quanh khu vực này. Do đó, nếu sử dụng phương pháp ngăn sông cũng phải có những nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể các tác động nhiều mặt khác nhau trước khi cân nhắc các phương pháp can thiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem