Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Lưu Văn Bính chia sẻ về cuộc sống cũng như việc làm thiện nguyện. Clip: Nguyệt Minh
Chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Lưu Văn Bính vào ngày cận tết. Cuộc hẹn gấp mới được sắp xếp cách đó chỉ vài tiếng vì ngay ngày hôm sau, ông Bính đã bắt đầu chuyến từ thiện tiếp theo của mình ở Nghệ An.
Đã bước đến cái tuổi 65, nhưng ông chưa bao giờ để bản thân mình nghỉ ngơi. Hàng tháng, ông vẫn cố gắng viết thêm bài báo, bài thơ, số tiền nhuận bút cộng với tiền tiết kiệm của hai vợ chồng sẽ trích ra đều đặn 3 triệu đồng để làm từ thiện.
Ông Bính tâm sự: “Chuyện làm từ thiện chẳng ai bắt buộc, cũng chẳng ai ép được mình. Thế nhưng với riêng bản thân tôi, nếu thấy khó khăn mà không giúp đỡ, tôi sẽ rất nặng lòng”.
Ông Bính nhớ mãi đợt dịch Covid-19 năm 2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, ông Bính cũng bỏ tiền riêng ra để mua gạo đến ủng hộ chương trình thiện nguyện của Báo.
“Đang đi đường thì chẳng may tôi va vào xe người ta, gạo đổ mất một nửa. Vừa mất gạo, vừa phải đền tiền. Thế nhưng tôi vẫn thấy vui vì ngày hôm đó tôi đã làm được một việc có ích” - Ông Bính nhớ lại.
Chuyện làm từ thiện với ông Bính, đã nhiều đến mức không thể đếm hết. Ông nói, có những người từng được giúp đỡ hẳn đã quên ông, cũng không còn nhớ ông Bính là ai, giờ đang ở đâu. Thế nhưng, điều ông Bính cần không phải là sự nhớ đến của họ, mà chỉ là ngay khoảnh khắc họ đang khó khăn nhất, ông có thể giúp đỡ họ.
Ông Bính bày tỏ: “Trong lòng tôi chắc hẳn sẽ luôn muốn làm từ thiện dù là khi còn nhỏ, nhưng để nói từ khi thật sự giúp được ai đó, có lẽ cách đây khoảng 20 năm, bắt đầu từ khi tôi làm Chủ tịch UBND một huyện nhỏ”.
Gần đây nhất, ngay khi nhận được thông tin, ông Bính đã không ngần ngại suy nghĩ, mà chi một nửa lương hưu của mình để làm từ thiện. “Đó là cháu Phương, người cùng quê, sinh năm 1989.
Cháu Phương không nghề nghiệp, ai thuê gì thì làm nấy, chăm chỉ làm ăn lắm nhưng cũng không có của ăn của để. Chiều tối một mình đi bắt cá về bán kiếm tiền, không may bị đuối nước, nay để lại mẹ già, vợ yếu và 3 đứa con quá nhỏ (2, 4 và 6 tuổi) xót xa quá cháu ạ” - Ông Bính kể lại.
Cái tâm làm từ thiện của ông Bính cũng bắt đầu từ chính tuổi thơ cơ hàn của mình. Bố ông mất khi ông chỉ mới học lớp 3, mẹ cũng mất khi ông học lớp 10. Ông là con thứ 3 trong nhà có 5 anh em. Bố mẹ mất sớm, ông Bính cùng anh em phải tự nuôi lấy nhau.
Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Bính không kìm nổi xúc động: “Mấy anh em đói quá, phải đào cả sắn non để ăn. Thương nhất cô út, lúc ấy còn bé, có hôm đói lả cả người. Mấy anh em đến bây giờ gặp lại nhau, còn chẳng hiểu nổi vì sao bản thân khi đó lại có sức sống bền bỉ như thế”.
Anh em ông Bính dù côi cút, nhưng lại được sống trong sự bao bọc của xóm làng. Người cho nắm rau, người cho củ sắn, củ khoai. Mỗi người góp sức một ít mà nhờ đó, anh em ông đã vượt qua thời kỳ cơ cực nhất. Khi bắt đầu học đại học, ông Bính còn mượn xe của bạn để chạy xe ôm kiếm thêm tiền. Thậm chí ông còn đi gom ve chai để trang trải chi phí ăn học.
Thời điểm bắt đầu giữ những chức vụ quan trọng như Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện uỷ, hay Phó Bí thư Thường trực Đảng Ủy Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Bính vẫn luôn giữ cho mình lối sống giản dị, không quan cách.
Đến bây giờ, khi nghỉ hưu ông cùng vợ chỉ sống trong căn chung cư tái định cư nhỏ. Chúng tôi còn giật mình khi được tận mắt thấy tủ đồ của ông: không có nhiều bộ vest hay comple, ông chỉ có duy nhất một bộ comple đã sờn màu dùng hơn chục năm nay.
Ông Bính cho biết: “Không phải tôi không có đủ tiền để mua cho mình bộ quần áo mới, tôi chỉ nghĩ rằng mình có như thế đã đủ tốt, tốt hơn chính mình ngày xưa rất nhiều rồi. Tiền còn lại tôi tiết kiệm để làm từ thiện”.
Nếu không có cái tâm thiện, ông Bính đã không sống một cuộc sống giản dị đến thế. Có những lần về quê, Ông Bính không dám đặt xe khách vé Vip giá 380 nghìn đồng. Ông chỉ đặt vé bình thường giá 250 nghìn đồng, ông luôn gắng tính toán để dành tiền giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
“Xuất phát điểm cơ cực nhưng được xóm làng yêu thương, điều đó khiến tôi khi trưởng thành luôn muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Vì chính từ những sự giúp đỡ như thế mà tôi mới có ngày hôm nay”.
Đối với ông Bính, chuyện làm từ thiện vừa là cái duyên, cũng là cái nghiệp. Bên cạnh niềm vui khi giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn, ông gặp không ít sự hiểu nhầm không đáng có.
“Ông này giàu mới làm từ thiện!”, “Tại sao ông này cho có bằng này tiền mà cũng lên trao, để lấy tiếng tăm sao?”, “Tại sao ông từ thiện chỗ này mà không làm chỗ khác!”... đó là số ít trong rất nhiều những lời khó nghe mà ông Bính đã từng gặp phải.
“Làm từ thiện đâu phải đợi khi giàu, tôi thậm chí gặp những người giàu nhưng xin 1 đồng làm từ thiện họ cũng không cho. Hay tôi cũng gặp những người nhặt ve chai nhưng vẫn giúp đỡ được người khác.
Bản thân tôi cũng không giàu sang, tôi chỉ tiết kiệm để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Và tôi luôn mong muốn giúp đỡ được nhiều người hơn chứ không riêng chỉ ở quê hương của mình” - Ông Bính dãi bày.
Mặc dù gặp không ít lời bàn tán không hay, nhưng ông Bính không bận lòng, bởi ông biết đó chỉ là số nhỏ những người không hiểu mình, còn những người hiểu mình, hiểu cái tâm của mình vẫn chiếm số đông.
Nhà báo Tống Hương - Phó Trưởng ban Bạn Đọc, phụ trách mảng Nhịp Cầu Nhân Ái Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt chia sẻ: “Chú Bính là người mà tôi luôn ngưỡng mộ. Dù ở cương vị nào, chú cũng luôn có lối sống giản dị. Chú làm từ thiện từ cái tâm, không bao giờ kể công, hay có nhu cầu nhận lại điều gì dù là một lời cảm ơn”.
Mong muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội, ông Bính khẳng định: “Tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ những người khó khăn hơn tôi đến khi nào tôi vẫn còn sức khoẻ, vẫn còn đi được”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.