Có thể nói cuộc đời PTT Nguyễn Công Tạn luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với Nghệ An - quê Bác, PTT giành sự quan tâm sâu nặng nghĩa tình với vùng đất thuần nông, nhiều khó khăn thách thức.
Qua những lần về thăm, làm việc, kiểm tra chỉ đạo tỉnh nhà, tôi nhận ra 3 tâm huyết lớn của PTT Nguyễn Công Tạn với Nghệ An là:
1. Tìm tòi thực nghiệm các giống mới:
Với giống cây, PTT đã chỉ đạo Nghệ An áp dụng thành công 8 giống mới là: Lúa lai F1; Ngô lai; Lạc lai (L8 đến L12); Mía rok, Mi; Dứa caiel; Cây macka (lấy từ Úc); Măng Bút độ (giống từ Trung Quốc); Cam không hạt ở Nghĩa Đàn.
Nghệ An đã áp dụng thành công lúa lai F1 trên 70% diện tích, nấng năng suất toàn tỉnh từ 80 vạn tấn (năm 1990 khi còn Nghệ Tĩnh) lên gần 1,2 triệu tấn (chỉ tính riêng địa bàn Nghệ An). Dứa Caiel đạt năng suất 45 tấn/1Ha. So với giống cũ 22 tấn/ha. Nhiều sản phẩm do giống mới mà PTT đem về chỉ đạo Nghệ an làm thử như MacKa, Măng Bút độ, cam không hạt giờ đã thành đặc sản của miền Tây xứ Nghệ
Với giống con: PTT chỉ đạo Nghệ An nhân rộng 4 con giống mới là Bò lai sin, Ngan (Pháp), bồ câu (Pháp), Đà điểu đều cho năng suất cao, trở thành sản phẩm hàng hóa của địa phương. Đàn bò lai Sin Nghệ An đã chiếm 43% đàn trâu bò của cả tỉnh, trở thành 1 trong những tỉnh có tỷ lệ bò lai Sin cao nhất của cả nước, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Cần nói thêm 2 việc để thấy rõ hơn sự say mê về giống mới của nguyên PTT Nguyễn Công Tạn:
Đầu năm 2001 (khi tôi còn làm Chủ tịch Nghệ An), trong 1 chuyến về thăm và làm việc với tỉnh, bất chợt PTT hỏi tôi: “Hợp có biết tại sao anh chọn ngành trồng trọt để học không?”.
Tôi trả lời vì "anh yêu nông dân, tìm cách giúp nông dân no ấm". PTT nói lại: "Hợp nói đúng hướng nhưng chưa rõ mục tiêu. Anh sinh ra ở đất Thái Bình, người đông, đất chật, quanh năm thiếu ăn. Hồi nhỏ anh chỉ mong đến giỗ hoặc tết mới được ăn no. Vì thế anh chọn ngành trồng trọt để học, tìm cách làm ra các giống mới có năng suất cao, để đất chật, người đông thậm chí đông hơn mà vẫn đủ ăn, còn có dư dật để bán. Điều đó ngày xưa là giấc mơ của nông dân mà nay đã thành sự thật".
Tháng 7 năm 2010, tôi đến thăm và làm việc ở Israel, các bạn Israel khoe rằng, đất nước Israel đã vinh dự được đón 2 Bộ trưởng Việt Nam là ông Nguyên Công Tạn vào thập kỷ 90 và tôi. Qua đó mới biết Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đã tìm đến Israel để nghiên cứu cách làm ra các giống mới có năng suất cao, để có thể vận dụng vào nông nghiệp Việt Nam, như Bò lai cho 12.000 lít/con/năm; Khoai tây 300 tấn/ha, cà chua, dưa chuột 500 tấn/ha... trên đất sa mạc, bạc màu thiếu nước của Israel.
Thế đó, PTT Nguyên Công Tạn gần như cả cuộc đời lăn lộn tìm giống mới. Đó được xem là tính cách nổi bật của người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam thời bấy giờ.
2. Say sưa với các công trình Thủy Lợi
PTT Nguyên Công Tạn luôn luôn nhắc nhở chúng tôi, muốn nông dân có thu nhập cao thì phải lo đồng bộ 3 thứ: Giống mới, Thủy lợi và Cán bộ khuyến nông.
Cùng với Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, PTT Nguyễn Công Tạn đã chỉ đạo sâu sát từ quy hoạch, tìm nguồn lực tài chính đến tổ chức khởi công, thi công nhiều công trình thủy lợi lớn nhỏ ở Nghệ An phục vụ cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh, tiêu biểu nhất là công trình thủy Lợi Sông Sào (Nghĩa Đàn) với dung lượng nước 51 triệu m3; Công trình Thủy lợi lớn thứ 2 ở Nghệ An, sau Vực Mẫu (Quỳnh Lưu), đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ vùng kinh tế phủ Quỳ, mà người Pháp gọi là vùng đất “vú sữa” miền Tây xứ Nghệ. Tiếp đó là công trình Thủy lợi Bản Mồng (Quỳ Châu) trữ nước để phục vụ một vùng hưởng lợi rất lớn cho cả 4 huyện Tây Bắc Nghệ An là Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn; đảm bảo nước tưới tiêu nuôi trồng cá nước ngọt và sinh hoạt cho gần như toàn bộ vùng kinh tế Tây Nam và Tây Bắc Nghệ An trong tương lai rất gần.
3. Gắn bó với sự nghiệp trồng rừng, trồng cây ăn quả và cây công nghiệp
Cùng với nguyên PTT Đồng Sỹ Nguyên, PTT Nguyễn Công Tạn đến đâu cũng kêu gọi đẩy nhanh phủ xanh đất trống đồi trọc. Hai PTT đều nói đến hình tượng để đất trống đồi trọc là như đàn ông ở truồng; còn đồi trọc là đồng nghĩa với dân nghèo, là cán bộ lười suy nghĩ. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của nguyên PTT Nguyễn Công Tạn là khoán đất trống đồi trọc cho nông dân, là quyết tâm đưa kinh tế vườn đồi của nông dân lên trên 50% tổng thu nhập kinh tế hộ. Hiểu được khát vọng của nguyên PTT Nguyễn Công Tạn, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Nghệ An đã kiên trì sự nghiệp giao đất trồng rừng để người siêng, rừng tốt, đói nghèo lùi xa.
Chính nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ mà PTT Nguyễn Công Tạn là người trực tiếp đốc thúc kiểm tra, động viên, hướng dẫn nên tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi trọc của Nghệ An đã đạt 54% (bình quân cả nước là 47%) đứng ở tốp đầu của quốc gia về trồng cây, gây rừng.
Một điều đáng nói nữa là nguyên PTT Nguyên Công Tạn là người với 3 tâm huyết: Giống mới, Thủy lợi và Trồng rừng; nhưng để thực hiện thành công ông luôn chỉ đạo phải đặt nó trên 3 mô hình kinh tế chủ yếu: Hộ nông dân, tổng đội TNXP và doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ sở. Đây cũng là 3 cách làm đã khá thành công ở Nghệ An.
Khi trở về với đời thường, nguyên PTT Nguyễn Công Tạn là một người dễ gần, bình dị, nhiều thông tin, lạc quan và dí dỏm. Chính vì thế mà chúng tôi luôn đến với nguyên PTT nhiều hơn.
Nhận được tin nguyên PTT Nguyễn Công Tạn về với cõi vĩnh hằng, tôi thực sự hẫng hụt, đau buồn, như mất một người anh gần gũi, thân thương. Những người làm nông nghiệp Nghệ An mất đi một người đồng nghiệp tận tụy, sâu sát, giàu kinh nghiệm và trí thức nông lâm. Nông dân Nghệ An mất một nhà lãnh đạo gần dân, trọng dân, thương dân và vì dân.
Chúng tôi, những người dân cùng khối phố mất một công dân, một địa chỉ tin cậy để sẻ chia những thông tin liên quan đến sức khỏe, bạn bè, thời cuộc bổ ích, lý thú những khi nhàn rỗi. Với tấm lòng thành, tôi viết vội mấy dòng này thay cho 1 nén hương tưởng nhớ và cầu mong cho Cố PTT Nguyễn Công Tạn yên giấc ngàn thu, phù hộ cho nông dân và đất nước ta no ấm, thịnh cường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.