Nguyễn Phong Việt và những chia sẻ khác biệt từ tâm dịch Sài Gòn

Đào Đức Tuấn Chủ nhật, ngày 05/09/2021 20:00 PM (GMT+7)
Từ 2012 đến nay, cứ đúng dịp Giáng sinh, Nguyễn Phong Việt lại cho ra mắt một tập thơ tình ... bán rất chạy. Và 2021 sẽ là tập thơ tình thứ 10 của chàng thơ tuổi 40 trong bao dồn chứa của đại dịch Covid-19. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng thi sĩ…
Bình luận 0

Tâm trí lại nhớ về những con đường đông đúc

Chào Nguyễn Phong Việt! Chỉ đọc những tựa tập thơ (Đi qua thương nhớ, Sinh ra để cô đơn, Sao phải đau đến như vậy, Bao nhiêu thương nhớ cho vừa,…), nhiều người nghĩ Nguyễn Phong Việt thường xuyên… sống chậm?

- Thật ra tôi đã sống chậm nhiều năm rồi, vì từ khá lâu tôi đã chọn trở thành một freelancer (người làm việc tự do), chủ động với các công việc mình làm cũng như các mối quan hệ mình gắn kết. Thời gian được tôi phân chia hợp lý nên hiếm hoi lắm mới có cảm giác cuống cuồng làm một điều gì đấy. 

Cũng như viết lách, tôi là người chuộng cảm xúc, cần có cảm xúc mới viết nên không nhất nhất mỗi ngày phải viết hoặc mỗi tuần phải viết. Hãy cứ viết theo cách mà cảm xúc mình muốn dẫn dắt là lựa chọn của tôi. Nên thật sự là tôi cũng thấy mình cần phải sống vội để làm gì nữa không.

Nguyễn Phong Việt và những chia sẻ khác biệt từ tâm dịch Sài Gòn - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt trong một lần ra mắt sách, ngày 7/12/2019. Ảnh: NVCC

Sài Gòn đang là tâm dịch Covid-19. Công việc của anh trước và trong giãn cách khác nhau ra sao?

- Sự khác biệt lớn nhất là tôi không phải đi ra ngoài nhiều, bớt đi những buổi sáng ngồi cà phê vỉa hè cùng đối tác. Thay vào đó, chúng tôi chỉ có thể gặp, trao đổi công việc qua online. Còn lại thì mọi thứ không thay đổi nhiều.

 Tôi đã có gần 10 năm làm việc tự do nên cũng đã làm việc tại nhà rất thường xuyên, thành ra có rất ít bỡ ngỡ vì giãn cách. Tuy nhiên, giãn cách thì sẽ đánh mất đi những kết nối trực tiếp nên chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng một phần đến hiệu suất công việc của tôi. Nhưng cũng không còn cách nào khác nữa, mình vẫn phải cố gắng nhiều nhất có thể.

Anh vốn năng giao tiếp, thơ lại "mổ xẻ" nhiều nỗi buồn. Vậy anh nghĩ gì về nỗi buồn những ngày không được xê dịch, đối mặt với đại dịch?

- Nỗi buồn lớn nhất là mình nhìn thấy thành phố mình đang sống có những ngày im vắng đến đáng sợ. Bình yên một vài ngày thì thấy quý giá, nhưng nếu quá lâu, mình cảm giác như bị bỏ rơi khỏi đời sống thường nhật. Thật khó khăn, nhưng đúng là có những ngày tâm trí lại nhớ về những con đường đông đúc, tiếng ồn ào của một buổi chợ hoặc một buổi chiếu ra mắt phim.

Còn nỗi buồn tự thân có lẽ là mình không được nhìn thấy người thân yêu, bạn bè mình một cách trực tiếp và thường xuyên. Và, có đôi ngày, mình nhận được những tin tức mất mát mà không biết cách làm sao ngăn lại nỗi buồn từ bên trong trào dâng lên…

Năm qua, anh in cuốn tản văn "Chúng ta sống có vui không?". Vậy niềm vui trong những ngày này của anh là gì?

- Là vẫn thấy mình khỏe mạnh, còn công việc để làm, không quá lo lắng về việc thiếu hụt thực phẩm mỗi ngày và mỗi đêm vẫn ngủ ngon giấc bên cậu con trai. Tất cả những điều này có thể đơn giản và dễ làm trong những ngày bình thường, nhưng trong đại dịch thì nó quả thật là cực kỳ ý nghĩa và giá trị.

Anh cảm nhận gì về những thay đổi của bản thân và mọi người khi đã trải qua khoảng thời gian khác biệt của đại dịch Covid-19?

- Tôi tin là mình và mọi người đều sẽ có những thay đổi rất lớn về nội tâm. Những biến chuyển ấy sẽ giúp chúng ta biết trân trọng bản thân và những giá trị yêu thương, gần gũi hơn, bớt đi những hào nhoáng và mộng tưởng. Trên hết, tôi nghĩ mọi người đều sẽ học ra được bài học về sự sinh tồn và chuẩn bị cho một kế hoạch, ngay cả trong trường hợp cuộc sống vẫn đang hạnh phúc và đủ đầy.

Nguyễn Phong Việt và những chia sẻ khác biệt từ tâm dịch Sài Gòn - Ảnh 2.

Tập thơ “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa” và tập tản văn “Chúng ta sống có vui không?” của Nguyễn Phong Việt in năm 2020. Ảnh: Đ.Đ.T

Chuyển tải cảm xúc của mình qua một cách khác

Nguyễn Phong Việt đã hứa "sẽ ra mắt tập thơ thứ 10 trong năm 2021 và tạm dừng in thơ". Người ta hết mua thơ, đọc thơ?

- Tôi dừng lại vì một phần hành trình 10 năm cũng đã là con số đẹp. Phần nữa, tôi nghĩ món ăn nào dù ngon cách mấy thì đến lúc cũng sẽ ngán, cần một khoảng lặng cho độc giả của tôi. Ngoài ra, chính bản thân tôi cũng muốn mình có thêm trải nghiệm sống. Tôi dừng viết thơ lại vài năm cũng để cho đầu óc mình trống rỗng hơn, may ra sẽ nạp thêm được nhiều năng lượng tích cực khác để viết những điều có thể hay ho hơn.

Tuy nhiên, dù tập thơ thứ 10 năm nay phát hành vào mùa Giáng sinh khép lại chặng đường 10 năm thì năm sau tôi vẫn sẽ ra mắt một cuốn tản văn nữa. Tôi vẫn viết, chỉ là chuyển tải cảm xúc của mình qua một cách khác. Bên cạnh đó, đầu tháng 10 năm nay tôi cũng phát hành tập thơ thiếu nhi song ngữ thứ 2 của mình có tựa Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ.

Tập thơ ra đời trong năm "đặc biệt" này sẽ có cách bán (phát hành) gì khác hơn so với những cuốn sách trước đó của anh? Anh lại còn viết in thơ dành cho thiếu nhi, thơ này… bán buôn ra sao?

- Thật ra lúc này các website bán sách trực tuyến đang làm rất tốt nên tôi cũng không quá lo lắng về việc sách khó đến tay người đọc. Quan trọng vẫn là chất lượng cuốn sách có đủ hay để mọi người đặt mua hay không thôi.

Riêng với thơ thiếu nhi, nó là một món quà tôi muốn dành tặng cho cậu con trai của mình và những bạn bè cùng trang lứa. Đây là một địa hạt mà tôi còn khai phá nhiều, nhưng tôi tin cách kể và cách viết của mình phù hợp với các bạn nhỏ. Tập thơ song ngữ thứ 2 dành cho thiếu nhi Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ sắp tới đây cũng sẽ là một món quà ý nghĩa như thế. Tập thơ thiếu nhi của tôi trước đó vẫn bán ổn ở mức vài ngàn bản in.

Nguyễn Phong Việt và những chia sẻ khác biệt từ tâm dịch Sài Gòn - Ảnh 3.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt tại nhà riêng ở Sài Gòn, ngày 3/7/2021. Ảnh: NVCC

Hành trình 10 năm in 10 tập thơ tình và bước vào tuổi 40, Nguyễn Phong Việt cảm thấy mình có gì đổi khác và đổi khác như thế nào?

- Tôi thấy mình tích cực và sống lạc quan hơn rất nhiều, mọi góc nhìn về đời sống đều rộng mở. Tôi không thể nào viết được như tôi của cách đây 10 năm, vì tôi bây giờ đã khác. Nhưng tôi rất thích tôi của bây giờ vì thấy mình không còn nhiều hằn học, oán giận mà tràn đầy sự bao dung và mạnh mẽ. Tất cả những điều đó đều xuất hiện trong những tập sách mới của tôi. Và tôi luôn xem mỗi cuốn sách của mình là một cuốn nhật ký về một hành trình sống mình đã đi qua.

Anh có một miền quê (Phú Yên) và miền sống (Sài Gòn). Giữa mùa đại dịch, anh nghĩ gì về hai miền này?

- Phú Yên là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Sài Gòn là nơi tôi lập nghiệp và ở lại với tất cả những ước mơ của mình. Nếu muốn tìm nơi trú ẩn, tôi sẽ nghĩ về quê nhà trong một vài ngày ngắn ngủi. Còn để sống và bước tiếp thì tôi lại nghĩ về Sài Gòn. Đây đều là 2 mảnh đất tất yếu tạo nên con người tôi, không thể khuyết được bất cứ phần nào cả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem