Nguyên Tổng biên tập Mai Nhung: “Trái tim vẫn cứ không thôi say nồng”!

Thứ bảy, ngày 17/05/2014 06:15 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên tôi gặp chị là vào mùa hè năm 1996, khi tôi đang là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ TP.HCM tại Hà Nội. Khi ấy chị vừa nhận chức quyền Tổng Biên tập Báo NTNN.
Bình luận 0
Hôm ấy đến Văn phòng tại số 7 Nguyễn Hữu Huân chị đem theo một cậu phóng viên và bảo muốn cho cậu theo tôi “học nghề”.

Nguyên tổng biên tập Mai Nhung
Nguyên tổng biên tập Mai Nhung. Ảnh: Thanh Sơn

Hôm ấy chúng tôi đã nói nhiều chuyện, những chuyện tào lao cũng có mà chuyện nghiêm túc về nghề nghiệp cũng có. Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân, nhưng thú thật, thuở ấy tôi chả mấy mặn mà những bài báo viết về ruộng vườn, “trồng cây gì, nuôi con gì”.

Chị nói về thân phận của những người nông dân chân lấm tay bùn “làm ra cái ăn nuôi cả thiên hạ”, nhưng bao giờ cũng vậy, ở các diễn đàn, nghị trường ít khi người ta nhắc đến sự sáng tạo của họ; khi buộc phải nói về họ người ta cũng nhắc tới sau cùng. Chị nói về sự mai một của văn hóa làng, về sự biến dạng của các phong tục nông thôn Việt Nam.

Thú thật, ban đầu tôi chịu ngồi nghe chị nói bởi vì chị là một phụ nữ quyến rũ. Tuy nhiên, càng nghe tôi càng ngộ ra, trong tâm khảm của người phụ nữ đang ở cái độ tuổi mà như nữ sĩ Onga Becgôn từng mô tả “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” ấy vẫn toát lên một trí tuệ mẫn tiệp với những khát khao lớn “làm một cái gì đó, nhỏ thôi cũng được, cho người nông dân”- như lời chị nói.

“Món quà quý hơn vàng”


Thật ra trước khi gặp chị, tôi được nghe người ta kháo nhau nhiều về chị, nhất là cánh văn nghệ sĩ miền Trung. Trong những ngày gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, giữa một vùng đạn bắn, bom rơi, ở tuổi trăng tròn, chị- cô nhân viên đánh máy ở Hội Văn nghệ Liên khu 5, như một bông hoa rừng rực rỡ. Với “Tóc tết bím hai bên, đôi mắt mở to, tròn đen lay láy” (lời nhà văn Chu Lai) cô gái có dòng máu Chàm ấy đã khiến không ít chàng lính trẻ thầm yêu trộm nhớ.

  Nguyên Tổng Biên tập Mai Nhung với các nữ phóng viên, biên tập viên của báo.
Nguyên Tổng Biên tập Mai Nhung với các nữ phóng viên, biên tập viên của báo.

Nhà văn Chu Lai sau này kể lại: “Với một người lính vào sinh ra tử giữa bom đạn chiến trường không biết ngày mai chết sống ra sao, mang theo hình ảnh người con gái xinh xắn ấy thật là một món quà quý hơn vàng”.

Có một thời thế hệ học sinh chúng tôi đã từng rất mê hình ảnh những người lính thời chiến vô cùng khổ cực, có những “...mùa mưa đói quay đói quắt/mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng”, nhưng họ vẫn “... nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành”. Trong những ngày ác liệt nhất của chiến tranh những người lính chiến đã tìm ra ý nghĩa của từ “hạnh phúc”. Thuở ấy, tôi (mà chắc chắn không chỉ có tôi) đã rất mê bài thơ “Hạnh phúc” của Dương Hương Ly.

“Hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng/Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra/Cho đến ngày ta cất bước đi xa/Tiền tuyến gọi hai chúng mình có mặt”.

Bùi Minh Quốc (nhiều người nhớ tới anh với bút danh Dương Hương Ly) viết khúc bi tráng đẫm nước mắt này là dành cho người vợ Dương Thị Xuân Quý của anh, nhưng cũng là cho thế hệ anh. Hạnh phúc với những người lính thật giản dị, nhưng cũng thật thiêng liêng:

“Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/Con sông Giằng gầm réo miên man/ Nước lũ về trang giấy nhỏ mưa chan/Em vẫn viết lòng dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc”.

“Người lính quả cảm, nhà thơ tài hoa, người đàn ông đích thực” Bùi Minh Quốc ấy đã phải gánh chịu một mất mát quá lớn:

“Những viên đạn quân thù bắn em trong lòng anh sâu xoáy/Như những vết đạn xưa chúng giết bao người/Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi/Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc”.

(trích từ bài thơ “Hạnh phúc”)

Không thể không cảm phục, không thể không yêu một người đàn ông như thế. Vừa quý trọng tài năng, vừa muốn chia sẻ những đau thương mất mát ấy với Bùi Minh Quốc, chị- “món quà quý hơn vàng” ấy đã đến với anh. Họ nên vợ nên chồng.

Thủ lĩnh Nông Thôn Ngày Nay

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Cả dân tộc, trong đó có những người lính chiến quay trở lại với cuộc sống đời thường. Chuyện cơm áo gạo tiền; chuyện nghề, chuyện nghiệp, công ăn việc làm đã làm con người ta phải lo toan nhiều hơn. Cuộc sống có nhiều biến động, xáo trộn cả tốt lẫn xấu.

Chị cũng không nằm ngoài vòng xoay ấy. Chia tay với Bùi Minh Quốc, chị rời Đà Nẵng, mang theo đứa con trai ra Hà Nội học nghề làm báo.

Ra trường chị về báo Nông Dân. Sau báo đổi tên thành Nông Thôn Ngày Nay. Sau này có lần chị bảo, thuở ấy chị định đổi tên tờ báo thành “Dân nguyện” hoặc “Tiếng dân”, nhưng tiếc là việc không thành.

Với nhiều người thì cái tên tờ báo chả mấy quan trọng, nhưng tôi hiểu, với chị nó thực sự cần thiết. Nó biểu hiện thái độ và tính nghiêm túc của một nhà báo chuyên nghiệp, nó thể hiện khát vọng của những người làm báo muốn vươn tới.

Về báo Nông Thôn Ngày Nay chị làm biên tập viên, rồi thư ký tòa soạn, rồi phó tổng biên tập, rồi tổng biên tập. Một lần, cuối năm 1998, tôi tới Tòa soạn Nông Thôn Ngày Nay thăm chị. Chị ở luôn tại trụ sở Tòa soạn, dọn một góc nhà làm phòng ở. Tờ báo khi ấy xuất bản tuần một số vào sáng Thứ 6. Khó khăn trăm bề, đội ngũ làm báo khi ấy vừa thiếu lại vừa yếu. Nhưng chị và các đồng nghiệp của chị ở tờ báo đều rất khát khao làm một tờ báo “cho nông dân và nói về nông dân” (như lời chị nói).

Cũng như lần trước, bữa ấy chị cũng nói về những khát khao của mình, nhưng chị đã vạch ra một đường đi cho tờ báo rõ nét hơn. Chị bảo, tờ báo sẽ tiến tới xuất bản hàng ngày. “Đây là cơ hội lớn cho những người làm báo giỏi”- chị bảo, và rồi đột ngột chị nhìn vào mắt tôi: “Về đây đầu quân đi!”.

Ngày hôm sau, đến Văn phòng làm việc tôi đem chuyện kể với Nguyễn Kim Trung (nay đang là phó giám đốc Đài THKTS VTC) và Hoàng Trọng Hiếu (hiện là phó giám đốc VTC14). Kim Trung bảo: “Chơi đi bác!”. Còn Hiếu thì gật gù: “Hai bác đi đâu em theo đấy!”.

Thế là 3 anh em chúng tôi về đầu quân cho Nông Thôn Ngày Nay. Trụ sở 13 Thụy Khuê bắt đầu nhộn nhịp, đầy ắp những tiếng cười mỗi đầu giờ giao ban sáng.

Giữa chị và anh chị em phóng viên chúng tôi như không hề có khoảng cách- cũng kể chuyện tiếu lâm lúc trà dư tửu hậu, cũng đỏ mặt, tía tai, đập bàn, đập ghế tranh cãi từng câu chữ lúc họp giao ban triển khai đề tài.

Thuở ấy báo Nông Thôn Ngày Nay nổi lên như một “hiện tượng mới” của làng báo Việt Nam. Chị là ngọn cờ tụ tập những cây bút trẻ đầy nhiệt huyết đã có tiếng tăm hoặc mới chỉ là tiềm năng.

Huy Đức, đang là nhà báo chính trị - xã hội hàng đầu của Tuổi Trẻ, hôm trước đến Tòa soạn 13 Thụy Khuê chơi, hôm sau nộp đơn xin nghỉ Tuổi Trẻ để về Nông Thôn Ngày Nay. Rồi Lương Thị Bích Ngọc (nay là Tổng Biên tập Báo điện tử Khám phá) rời báo Đại đoàn kết về Nông Thôn Ngày Nay. Phạm Tường Vân, đang là Biên tập viên Tạp chí Thế giới phụ nữ, tờ báo trả thu nhập cho phóng viên thuộc loại cao nhất làng báo thời bấy giờ, cũng chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội nhập cuộc. Tiếp theo là nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức. Muộn hơn một chút là Quang Hải, Minh Đức - Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ TP.HCM.

Đồng thời hàng loạt các nhà báo hoặc còn rất trẻ mới chập chững vào nghề, hoặc là vừa tốt nghiệp đại học ra trường cũng kéo về đầu quân như Nguyễn Bá Kiên (hiện là Tổng Biên tập Báo Giao thông), Lê Thị Hạnh (hiện đang làm ở VietNamNet), Văn Hoài, Ngọc Anh, Lê Huyền (hiện vẫn ở Nông Thôn Ngày Nay)... Chừng ấy con người cộng thêm với những người đã có như Hoàng Hải Vân, Lê Anh Hoài, Nguyễn Thị Nhũ, Thanh Hiền, Minh Tâm, Minh Quang...

Ngoài việc có một tập thể nhà báo, có những người đã rất nổi tiếng, có những người đang nổi lên như một hiện tượng, có những người đầy tiềm năng, chị còn tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên mà không phải tờ báo nào muốn có là được như các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa như Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Hoàng Thoại Châu, Nguyễn Tấn Lập, Trần Du Lịch, Đặng Hữu Ngọc, Nguyễn Xuân Oánh, Chu Phạm Ngọc Sơn, Huỳnh Bửu Sơn, Lê Văn Tư, Trần Bá Tước, Lê Đăng Doanh... Có 3 chuyên gia kinh tế đang sống và làm việc ở nước ngoài là Vũ Quang Việt ở Mỹ, Trần Văn Thọ ở Nhật, Trần Quốc Hùng ở Đức.

Rồi thì cả họa sĩ Chóe, nhà báo Hàm Châu, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn; các nhà văn Quang Thân, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Quang Lập, Ngô Vĩnh Bình; các nhà thơ Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Trần Thị Trường...

Trong số những người đến với Nông Thôn Ngày Nay có không ít người cảm phục tài năng của chị; nhưng cũng có không ít người “mê” chị.

Từng ấy con người, từng ấy cá tính, lắm khi không ai chịu ai. Ấy thế mà chị dung hòa được tất cả. Có thể nói thời bấy giờ Nông Thôn Ngày Nay có được một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên đáng mơ ước của nhiều tờ báo.

Báo Nông Thôn Ngày Nay chuyển từ mỗi tuần một số sang 3 số tuần. Giao diện tờ báo, măng séc cũng được thay đổi cho phù hợp với giai đoạn mới. Nội dung tờ báo cũng bắt đầu chuyển hướng với chất lượng cao hơn. Cuộc hội thảo bàn tròn về Văn hóa làng do nhà báo Quang Hải dẫn chương trình với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và các chuyên gia đã tạo nên một tiếng vang, được nhiều cấp quản lý tư tưởng và báo chí đánh giá cao và hội thảo này là “gợi ý quý giá cho một trong những vấn đề quan trọng của Nghị quyết về chính sách nông thôn mới sau này” (lời Vũ Duy Thông - Vụ trường Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương thời bấy giờ).

Dưới sự chỉ đạo của chị đội ngũ phóng viên, biên tập viên từng bước trưởng thành. Chuyến tác nghiệp trong vụ án “bắt cóc con tin người Nhật” ở phố Thụy Khuê năm 2001 của Nguyễn Kim Trung và nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức có thể đưa vào sách giáo khoa giảng dạy báo chí hiện đại. Kim Trung lái xe máy chạy theo chiếc taxi chở con tin và kẻ bắt cóc, Trần Việt Đức ngồi sau cầm máy ảnh, chạy từ Hà Nội lên tới Lạng Sơn, cho tới khi lực lượng cảnh sát Hà Nội khống chế được tên bắt cóc, giải cứu con tin an toàn. Đó là bộ ảnh duy nhất mà phóng viên Nông Thôn Ngày Nay chụp được.

Có thể kể ra nhiều, rất nhiều những câu chuyện tác nghiệp như vậy ở Nông Thôn Ngày Nay thuở ấy.

“Trái tim sao cứ không thôi say nồng”


Một ngày hè của năm 2012, trong một chuyến công tác Đà Nẵng tôi điện thoại cho chị. Ngày hôm sau chị và anh Lâm Trà My (phóng viên thường trú của Báo Nông Thôn Ngày Nay tại Đà Nẵng) đến đưa tôi về thăm nhà chị. Ngôi nhà theo kiểu châu Âu chỉ cách biển chừng 5 phút đi bộ đang được hoàn thiện là nơi chị an cư với vợ chồng cậu con trai và cô cháu gái xinh xắn. Rồi chị đưa tôi đi ngắm danh thắng Đà Nẵng.

gồi trên bãi biển gió lùa của buổi chiều dịu mát chúng tôi nhắc lại những ngày cùng nhau làm việc ở Nông Thôn Ngày Nay. Chị nhắc tới từng người, “tiết lộ” nhiều chuyện đằng sau các đề tài tác nghiệp mà chị chỉ đạo, thậm chí tôi là người trong cuộc cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Chị say sưa, nồng nhiệt, đam mê như chưa hề rời khỏi tờ báo sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình là gây dựng nên một tờ báo ngày có chỗ đứng trong lòng công chúng và để lại một đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, đam mê và tài năng.

Chị là thế, luôn sống động, nhiệt huyết, như cái buổi đầu tiên tôi gặp chị. Và cho đến hôm nay, khi: Tuổi thanh xuân đã xa xôi/Trái tim sao cứ không thôi say nồng.

(“Anh đến” - Mai Nhung)

Nhìn chị, thú thực, tôi cứ cảm thấy có gì đó xót xa. Không hiểu sao tôi bỗng nhớ tới lời than của Phạm Quý Thích khi đọc xong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”. Đa phần những phụ nữ tài năng, xinh đẹp, từ cổ chí kim, đều rất long đong về cuộc sống riêng.

“Với một người lính vào sinh ra tử giữa bom đạn chiến trường không biết ngày mai chết sống ra sao, mang theo hình ảnh người con gái xinh xắn ấy thật là một món quà quý hơn vàng”.
Nhà văn Chu Lai

Chiều hôm ấy chúng tôi đã nói rất nhiều. Nhắc đến những đồng nghiệp cùng chia bùi sẻ ngọt một thời; những người đang rất thành công trong sự nghiệp của mình và cả những người long đong, lận đận; thậm chí có người đã về thế giới bên kia.

Rồi chúng tôi lại nói về thời cuộc. Cũng như bao người đã “rửa tay gác kiếm” chị cũng không khỏi chạnh lòng khi cuộc sống còn không ít những cái ác, cái bất công, nhất là bất công đối với những người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng khác với những người chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực, chị luôn nhìn về phía trước, luôn tin ở cái thiện: Người đời ơi dù bạc bẽo bao nhiêu/Tôi vẫn tin như cuộc đời chân thật/Tôi vẫn tin như tôi từng ao ước/Rằng cái thiện sẽ về, sau cái ác đi qua...

(“Tình yêu trở lại” - Mai Nhung).

Vâng, chị là thế và vẫn luôn là thế, chị Mai Nhung!
Lê Thọ Bình (Lê Thọ Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem