Nguyện vọng 1 chỉ xét vào một trường

Thứ bảy, ngày 01/08/2015 07:09 AM (GMT+7)
Từ ngày 1 đến 20.8, các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển, thời hạn công bố điểm trúng tuyển chậm nhất vào ngày 25-8
Bình luận 0

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đợt 1 thí sinh (TS) được xét tuyển tối đa 4 ngành của một trường. Nếu TS có mức điểm trúng tuyển vào nhiều ngành, chỉ được xét vào ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất. TS không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 sẽ được chuyển sang NV2 và xét bình đẳng với các TS có NV1 vào ngành đó; đối với NV3, 4 cũng tương tự. Các NV1, 2, 3, 4 trong một trường được xét đồng thời và trong 4 NV. TS có thể đăng ký cả ngành ĐH, CĐ.

Khuyến khích xét tuyển trực tuyến

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết trong hướng dẫn quy trình xét tuyển, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công bố trên trang thông tin điện tử của trường tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành hoặc nhóm ngành cùng với chỉ tiêu cụ thể. Những trường dùng đồng thời tổ hợp truyền thống và tổ hợp mới để xét tuyển phải chỉ rõ chỉ tiêu xét tuyển dành cho mỗi tổ hợp. Khi đó, mỗi ngành phải có 2 mã để xét tuyển với chỉ tiêu riêng.

img

Từ ngày 1 đến 20.8, các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển, thời hạn công bố điểm trúng tuyển chậm nhất vào ngày 25.8

Những trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho 1 ngành phải quy định và công bố độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp. Ngoài ra, phải công bố các điều kiện bổ sung dùng để xét tuyển trong trường hợp có nhiều TS ở cuối danh sách trúng tuyển, có điểm xét tuyển như nhau dẫn đến vượt chỉ tiêu.

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường phải tuân thủ nghiêm quy định 3 ngày/lần công bố danh sách TS đăng ký xét tuyển vào trường. Bộ cũng khuyến khích các trường xét tuyển theo hình thức trực tuyến để tạo thuận lợi cho TS. Khi có danh sách trúng tuyển, các trường cập nhật danh sách vào phần mềm quản lý tuyển sinh để khóa danh sách TS đã trúng tuyển không tham gia xét tuyển đợt sau.

Chỉ được rút hồ sơ ở NV1

Cũng theo Bộ GD-ĐT, trường hợp TS đề nghị rút hồ sơ để chuyển sang trường khác thì các trường cần tạo điều kiện. TS phải đến trường hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ. Các trường phải thông báo thời gian TS có thể bắt đầu đăng ký lại vào trường khác sau khi rút hồ sơ.

Bộ GD-ĐT lưu ý TS chỉ được thay đổi các NV trong trường cũng như rút hồ sơ để nộp sang trường khác đối với xét tuyển đợt 1. Khi xét tuyển NV bổ sung, TS không được thay đổi NV cũng như rút hồ sơ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định với quy chế xét tuyển năm nay, đợt 1 TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường, như vậy sẽ không có hiện tượng thí sinh ảo. Tuy nhiên, do TS có quyền vừa đăng ký xét tuyển học bạ vừa xét tuyển bằng kết quả thi nên thực chất chỉ có những ngành có điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn 1-2 điểm mới không có TS ảo; còn các ngành có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn của bộ sẽ phải tính đến một tỉ lệ TS ảo nhất định. Với các đợt xét tuyển bổ sung do TS có quyền sử dụng đồng thời cả 3 giấy chứng nhận kết quả thi nên sẽ có tỉ lệ TS ảo (do trúng tuyển nhiều trường). Tuy nhiên, tỉ lệ ảo này sẽ ít hơn so với năm 2014 trở về trước.

Các trường tiếp tục công bố điểm xét tuyển

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: TS phải tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm các học kỳ đều đạt loại khá trở lên. Tổng điểm 3 môn theo tổ hợp đăng ký xét tuyển (không nhân hệ số) và điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 16,0 điểm trở lên. Có 2 tiêu chí xét tuyển. Một là, xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu dựa theo tổng kết quả thi 3 môn (bao gồm cả môn thi chính nhân hệ số 2 (nếu có) của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên, nếu có). Trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định mà vẫn còn chỉ tiêu nhưng xét đến mức điểm tiếp theo, số TS cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại thì thực hiện xét tuyển theo tiêu chí phụ là TS có điểm môn thi ưu tiên 1 cao hơn sẽ trúng tuyển. Nếu sử dụng tiêu chí 1 mà vẫn còn nhiều TS bằng điểm nhau và số lượng vượt chỉ tiêu cần tuyển thì sẽ sử dụng tiêu chí 2 là TS có điểm môn thi ưu tiên 2 cao hơn sẽ trúng tuyển.

Trường ĐH Vinh thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm trở lên. Các ngành sư phạm toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, giáo dục tiểu học có mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 16. Ngành sư phạm tiếng Anh là 21 điểm (môn tiếng Anh nhân hệ số 2).

Viện ĐH Mở Hà Nội thông báo ngưỡng xét tuyển từ 15 điểm trở lên. Đối với tổ hợp xét tuyển có 1 môn năng khiếu từ 19 điểm trở lên. Đối với tổ hợp xét tuyển có 2 môn năng khiếu từ 24 điểm trở lên. TS đã thi môn năng khiếu vẽ tại các trường ĐH khác đều có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Học viện Hành chính quốc gia nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng bảo đảm chất lượng của Bộ GD-ĐT.

Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhận hồ sơ xét tuyển với những TS có điểm từ 15 trở lên, riêng với ngành Việt Nam học, chuyên ngành hướng dẫn du lịch quốc tế thì điểm tiếng Anh phải trên 6.

Trường ĐH Công đoàn thông báo mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của trường từ 15 điểm đối với hệ ĐH và 12 điểm đối với hệ CĐ.

Trường ĐH Nông Lâm TP HCM có mức điểm xét tuyển là 17 cho 30 ngành cùng các chương trình liên kết quốc tế, tiên tiến tại cơ sở chính; tại các phân hiệu là 15 điểm.

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ: Nhóm ngành y dược (y đa khoa, y học dự phòng, y học cổ truyền, răng hàm mặt, dược học) có mức điểm tối thiểu là 20. Nhóm ngành: xét nghiệm y học, điều dưỡng, y tế công cộng có mức điểm xét tuyển là 17.

Trường ĐH Văn hóa TP HCM có điểm xét tuyển tổ hợp các môn xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì là 15 với bậc ĐH, là 12 với hệ CĐ.

Y.Anh - H.Lân

Yến Anh (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem