Nhà báo điều tra thời @ và những thiết bị “ngoài sức tưởng tượng”

Đỗ Doãn Hoàng Thứ sáu, ngày 21/06/2024 10:05 AM (GMT+7)
Cùng với sự phát triển như vũ bão và vượt trội đến mức sốc, không thể hình dung của công nghệ thời tên lửa vũ trụ, thiết bị 4.0 dành cho báo chí điều tra bây giờ cũng có những "kỳ tích".
Bình luận 0

 Tất nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó: nhà báo/nhà điều tra nói chung ứng dụng được thiết bị số, thiết bị không dây, các "con mắt nhìn xa và cánh tay nối dài" trong tìm hiểu về các đối tượng vi phạm được; thì bản thân các đối tượng cũng lại được chính các thiết bị đó "đào tạo" để có cách đối phó mưu lược hơn...

Anh "bay lên trời" hay "lặn xuống địa ngục" tôi cũng tìm được

Bởi một điều cơ bản là thiết bị nào sản xuất ra thì cũng là để… bán, nhất là trong thời buổi thế giới phẳng, giao dịch nào cũng mang tính toàn cầu một cách vô cùng dễ dàng này. Vậy, nếu nhà báo chẳng giàu có gì kia mua được, thì cớ sao các đại gia buôn lậu, các giang hồ cộm cán kiếm tiền tỷ theo các thủ đoạn mafia lại không mua được? 

Tôi - một nhà báo điều tra - từng gặp những đối tượng, tuyên bố thẳng thừng: "Mấy cái anh đang dùng, tôi gõ trên mạng một cái là nó ship (vận chuyển) tới tận nhà, xem hàng, dùng thử, tốt thì mới trả tiền. Mà tôi đã chụp ảnh mặt mũi, biển số xe của các anh chị từ trước khi bước vào nhà tôi, nếu làm ăn không tử tế (lúc đó phóng viên Báo NTNN vào vai đối tác mua bán hàng cấm của anh ta) thì anh bay lên trời hay lặn xuống âm ty địa ngục tôi cũng tìm được".

Nhà báo điều tra thời @ và những thiết bị “ngoài sức tưởng  tượng”  - Ảnh 1.

Phóng viên Báo NTNN sử dụng thiết bị ghi hình hiện đại khi điều tra về bảo vệ rừng và động vật hoang dã. Ảnh: Đ.L

Tuy nhiên, nếu đảm bảo được yếu tố bí mật và có tính mưu lược; rồi thật sự tâm huyết với các tuyến bài điều tra sâu, đi tới tận cùng vấn đề, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo hướng thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành vi vì một xã hội tốt đẹp hơn… - thì các thiết bị công nghệ số tối tân phục vụ điều tra báo chí bây giờ thật sự rất lý tưởng.

So với cái thời 30 năm trước khi tôi bước chân vào nghề báo (còn trước đó thì không so làm gì!), phóng viên - nhà báo chỉ có cây bút, cuốn sổ, "tân thời" lắm thì có "cỗ" máy ghi âm to như cái bánh chưng. 

Sau này, "hiện đại hóa", người ta sản xuất máy ghi âm có băng bé bằng 2 ngón tay, thân máy bằng cái điện thoại Iphone bây giờ. Mỗi lúc băng bị rối là phải thò thay vào cuốn lại như kiểu xe chỉ luồn kim. 

Ghi xong, cầm máy và băng về, viết "mục lục" cuộc đối thoại ra bề mặt của cuốn bằng bé bằng một con tem bưu chính tiêu chuẩn ấy, rồi đem cất giữ tỉ mỉ (để lúc cần còn tìm ra). Tủ nhà tôi, giờ vẫn có đủ các băng phỏng vấn: Nhà thơ Huy Cận, GS - TSKH Tô Ngọc Thanh, tài tử Ngọc Bảo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh, nhạc sĩ Phú Quang… (nay các vị khả kính kia đều đã về với cõi tiên tổ).

Về máy ảnh, thì chụp bằng máy phim, mỗi lần bỏ tiền mua một cuộn phim Konica (giờ viết tên thương hiệu này tôi không dám chắc mình có viết đúng không, vì nó hầu như biến mất khỏi thế giới này rồi, nhưng lúc đó nó thống trị cả giới nhiếp ảnh toàn cầu!), và bấm được 36 kiểu ảnh. 

Vừa bấm vừa xót xa tiếc tiền mua phim, chụp xong lại hồi hộp chờ xem có bị hỏng không, lúc kéo cò có bị kẹt (mất mấy đoạn phim để rồi không được kiểu ảnh nào) không… Đặc biệt, mỗi lần bấm là một lần mất một kiểu phim, mất thêm tiền để rửa một bức ảnh. Chưa kể có khi nhân vật mình thương mến muốn có ảnh làm kỉ niệm thì lại phải mất tiền rửa ảnh, mất cước phí gửi bưu điện tới cho họ.

Thiết bị của một thời làm báo chỉ còn trong "cổ tích"

Nhà báo điều tra thời @ và những thiết bị “ngoài sức tưởng  tượng”  - Ảnh 3.

Sợ nhất là cái món gọi điện thoại và phô tô bài báo. Các toà soạn chỉ nhận bản thảo viết tay, mà nhận rồi không in, hay bỏ quên, hay có khi in rồi thì… chỉ có đi tìm báo đọc ngày nọ qua ngày kia may ra theo dõi được. Giả dụ bản thảo viết tay hoặc đánh máy mổ cò bằng máy chữ (chưa dùng máy vi tính hay internet, chưa có báo điện tử), mà không được dùng thì chỉ còn cách viết lại từ đầu bằng bút mực hay bút bi trên giấy A4. Khó mà nhớ lại nguyên văn được một bài báo như thế. 

Cho nên, chúng tôi luôn tìm cách photocopy lại các bài viết để lưu giữ, lúc bài bị báo A vứt bỏ bản thảo thì mình sẽ chép lại bài đó gửi cho báo B (đôi lúc hai báo cùng đăng, do báo A quá lâu không đăng, tôi cứ nghĩ họ từ chối rồi, mới bèn đi gửi báo B; may là hai báo cùng đăng thời đó cũng ít người phát hiện ra vì chưa có… Google). Ảnh kèm bài thì in ra, kẹp ghim kèm bài, sau mỗi ảnh là chú thích ghi rõ. Chỗ nào viết sai chính tả thì dùng bút xóa bôi một cái chất màu trắng như giấy vào rồi viết chữ đè lên.

Bài không đính kèm video thì hẳn rồi, vì chưa có báo điện tử!

Nhà báo điều tra thời @ và những thiết bị “ngoài sức tưởng  tượng”  - Ảnh 4.

Các thiết bị quansát, ghi âm, ghi hình... công nghệ cao, tối tân đang được nhiều nhà báo điều tra sử dụng. Ảnh: D.H

Các câu chuyện trên, chắc kể ra thì thế hệ trẻ sau này đi làm báo nghĩ tôi đang "tiếu lâm", nhưng các vị đã trải qua thì thấy quá ư "bình thường như cân đường hộp sữa", sao lại phải ôn nghèo kể khổ làm gì…

Các câu chuyện trên, chắc kể ra thì thế hệ trẻ sau này đi làm báo nghĩ tôi đang "tiếu lâm", nhưng các vị đã trải qua thì thấy quá ư "bình thường như cân đường hộp sữa", sao lại phải ôn nghèo kể khổ làm gì…

Bây giờ thì mọi người bị "nghiện" điện thoại hoặc "stress" vì loạn điện thoại, tin nhắn. Chứ công nghệ hồi tôi kể ở trên thì: muốn lắp điện thoại bàn thì phải có nhà Hà Nội, muốn có nhà Hà Nội phải có hộ khẩu Hà Nội, muốn có hộ khẩu Hà Nội phải có nhà Hà Nội. Tóm lại chúng tôi là phóng viên nghèo mới ra trường, không dám mơ có điện thoại bàn. Điện thoại di động thì hầu như chưa có. 

Tôi dùng điện thoại thẻ, nhét nó vào các cây như cây ATM rút tiền tự động bây giờ. Lỡ nhét thẻ vào nó nuốt mất thì chỉ có khóc. Nếu nó nhè ra mà gọi được thì nhìn số tiền nhảy thụt lùi trên màn hình mà xót lắm. "Bác Minh ơi, cháu là Hoàng đây ạ, cháu hỏi bài cáu có đăng được không ạ?". "Bài nào cháu nhỉ. Cháu là ai nhỉ?". "Bài của cháu cần phải sửa và thêm ảnh cháu ơi". "Dạ vâng cháu cảm ơn bác". Lại đi đến toà soạn thêm bớt sửa bài. 

Trước đó thì, hẳn rồi, số tiền trong "thẻ điện thoại" nó nhảy thụt lùi về không. Nhuận bút lĩnh xong có khi vừa khít tiền điện thoại thẻ ở bốt ngã tư đường.

Với công nghệ kia, thiết bị làm báo như mô tả ở trên. Ngẫm bây giờ mới thấy không thể nào hình dung nổi.

Ta hình dung: Nhà báo lái ô tô, camera trước và sau của cỗ xe đều tự động ghi hình. Có khi đỗ ở nhà đối tượng, bật khóa điện (không nổ máy) là camera trên xe ghi hình cả mấy tiếng, nét đanh. Vừa lái xe vừa mở loa điện thoại (tích hợp loa trong xe), ghi âm tự động ngay trong cuộc gọi đó (ghi âm được vài trăm cuộc liên tiếp). Liên lạc công tác có khi gọi miễn phí qua Zalo, Facebook, Instagram, Telegram – có đủ âm thanh hình ảnh đàng hoàng. 

Thậm chí ghi hình qua màn hình trò chuyện trực tuyến xuyên không gian, xuyên lục địa vẫn được công nhận để phát sóng trên đài truyền hình tầm cỡ quốc gia. Ngôn ngữ thì toàn cầu chung một ngôn ngữ "thế giới phẳng". Ngồi nhà đặt vé đi bất cứ đâu trên thế giới, có khi visa cũng online (cấp trực tuyến), thủ tục hàng không cũng làm qua mạng internet, quét mã QR là bay.

Tiện ích "trăm bề" có khi tích hợp cả vào chiếc điện thoại thông minh bé xíu. "Hệ sinh thái" tương tác siêu nhanh siêu tiện lợi. Có khi "lôi" cả núi dữ liệu từ điện thoại, sang máy tính, sang tai nghe, sang máy tính bảng, liên thông sang các tài khoản khác của cả những người mình không hề biết tên thật và không hề biết họ đang ngồi đâu (ví dụ công nghệ airdrop).

Có thể biến từ âm thanh thành con chữ (thay cho rã băng ghi âm trước đây); có thể dùng âm thanh ra lệnh (cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều được) cho các thiết bị thông minh phục vụ mình - ông chủ thời @. Các hoạt động này thuận lợi cho 8 tỷ người trên hành tinh, và đặc biệt đắc dụng cho người làm báo.

Đấy là chưa kể các sáng tạo "kinh hoàng" của trí tuệ nhân tạo AI (cái này không nói ra thì chúng ta đều đã biết, đến nỗi, giới làm báo chí truyền hình còn sợ nhiều vị trí việc làm truyền thống của họ sẽ bị "mất" do sự thống trị của AI).

Nhà báo điều tra thời @ và những thiết bị “ngoài sức tưởng  tượng”  - Ảnh 5.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (trái) tham gia phiên thảo luận về Phóng sự điều tra, tại Hội Báo toàn quốc 2024. Ảnh: T.L

Sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại, báo chí điều tra có sức thuyết phục hơn

Đối với vấn đề tiêu cực như buôn bán ma túy, buôn lậu, phá rừng, ô nhiễm môi trường… luôn nảy sinh các vấn đề phức tạp, khó lường, các đối tượng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật luôn lấy lợi nhuận lên hàng đầu.

Ngoài ra, khu vực đó thường diễn ra ở nơi hẻo lánh, miền rừng núi hiểm trở, chính quyền có phần không bao quát hết hoặc buông lỏng quản lý. Người làm báo điều tra bắt buộc phải ghi lại được hình ảnh các vấn đề tiêu cực, chứng minh một cách rõ ràng những tồn tại, sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên khi cá nhân tổ chức phát hiện việc hành vi của mình đang bị cơ quan báo chí phanh phui, sắp bị đưa lên mặt báo thì các phản ứng mạnh sẽ xảy ra. Không chỉ đe dọa họ sẵn sàng đập thiết bị ghi hình, điện thoại, thiết bị quay video để tránh việc lưu lại các bằng chứng.Rất nhiều tình huống nảy sinh, vì thế đối với mỗi nhà báo phóng viên khi tác nghiệp cần hình dung ra được các tình huống có thể dẫn đến những sự cố, tình huống không hay.

Các phương tiện kỹ thuật máy móc rất có ích trong việc thu thập tài liệu bằng chứng cho bài điều tra. Việc sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại sẽ khiến cho báo chí điều tra có sức thuyết phục hơn.

Nhà báo Vũ Phong (Báo Công Luận)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem