Nhà báo kiến nghị chú trọng đào nghiệp vụ dành cho phóng viên trẻ, lĩnh vực điều tra

Nguyễn Đức - Duy Huy Thứ sáu, ngày 17/03/2023 19:48 PM (GMT+7)
Các đại biểu đánh giá cao chương trình đào tạo nghiệp vụ dành cho phóng viên, cán bộ quản lý báo chí trong thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị Hội nhà báo Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hội nhà báo các tỉnh, địa phương tiếp tục duy trì các lớp nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng trong việc đào tạo cán bộ trẻ...
Bình luận 0

Clip các đại biểu tham gia góp ý kiến tại buổi tọa đàm. Thực hiện: Duy Huy.

Chiều 17/3, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tọa đàm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay tại Bảo tàng Hà Nội. Buổi tọa đàm thu hút đông đảo nhà báo, phóng viên, cán bộ đến từ các cơ quan báo chí trên khắp cả nước.

Các buổi đào tạo nghiệp vụ hữu ích, đạt kết quả tốt

Mở đầu cuộc tọa đàm, ông Hoàng Ngọc Sỹ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Quảng Trị kể rằng, năm 2020-2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đơn vị vẫn phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) mở được 3 lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí bằng hình thức online dành cho phóng viên. Các khóa học đào tạo theo từng chủ đề, nhu cầu của học viên, cán bộ.

Nhà báo kiến nghị chú trọng đào nghiệp vụ dành cho phóng viên trẻ, lĩnh vực điều tra - Ảnh 1.

Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tọa đàm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng.

"Chúng tôi thấy rằng Trung tâm nghiệp vụ báo chí đã mời được những nhà báo, giảng viên gạo cuội tới tập huấn, chia sẻ là rất cần thiết, hữu ích. Các học viên sau khi học ở lớp này xong thấy rằng rất thiết thực, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong nghề báo, kinh nghiệm trong sản xuất tác phẩm báo chí, qua đó nâng cao được trình độ của đội ngũ phóng viên", ông Sỹ chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, thời gian qua Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã làm tốt công tác phối hợp, đào tạo nghiệp vụ cho các nhà báo, phóng viên trẻ.

"Tỉnh Thanh Hóa có số hội viên, phóng viên nhà báo lên tới gần 400 người, vì vậy nhu cầu về đào tạo nghiệp vụ là rất lớn. Trong thời gian qua, tôi thấy rằng, công tác đào tạo tại Thanh Hóa hiệu quả, thu hút đông đảo học viên. Các khóa học kéo dài nhiều ngày nhưng mọi người đi đầy đủ. Các lớp đào tạo thu được kết quả tốt, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao", bà Thương nói.

Để thu được kết quả cao, bà Thương cho rằng, sự tương tác giữa học viên và giảng viên cũng rất quan trọng, đây là yếu tố tạo nên thành công trong lớp học nghiệp vụ.

Bà Phó Cẩm Hoa, Phó Trưởng Ban đối Ngoại Đài tiếng nói Việt Nam ấn tượng trước con số hơn 300 lớp đào tạo được Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo phối hợp với các tỉnh thành tổ chức trong thời gian hơn 2 năm xảy ra dịch Covid-19.

Nhà báo kiến nghị chú trọng đào nghiệp vụ dành cho phóng viên trẻ, lĩnh vực điều tra - Ảnh 2.

Bà Phó Cẩm Hoa, Phó Trưởng Ban đối Ngoại Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Duy Huy.

"Tính ra bình quân mỗi năm có hơn 100 lớp tập huấn nghiệp vụ được tổ chức, đây là con số ấn tượng. Hội Nhà báo Việt Nam cũng bắt trend rất nhanh trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là các chương trình đạo tạo về Postcard. Chất lượng của các lớp đào tạo bền vững, ổn định trong nhiều năm qua", bà Cẩm Hoa nói.

Cần bồi dưỡng, tập huấn cho phóng viên trẻ

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Lao Động đồng tình với ý kiến của các nhà báo, phóng viên khi nói chất lượng các buổi đào tạo. Ông Lâm cho rằng bên cạnh kết quả đạt được từ các buổi đào tạo, trong thời gian tới, Hội nhà báo Việt Nam cần tổ chức nhiều hơn các buổi đào tạo nghiệp vụ dành cho các phóng viên trẻ.

Nhà báo kiến nghị chú trọng đào nghiệp vụ dành cho phóng viên trẻ, lĩnh vực điều tra - Ảnh 3.

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Lao Động. Ảnh: Duy Duy.

Ông dẫn chứng ngay đối với tòa soạn Báo Lao Động, nơi ông đang làm công tác quản lý: "Phóng viên Báo Lao Động sau khi đi học lớp nghiệp vụ, đào tạo ở trung tâm về đều có những chia sẻ lại đối với phóng viên ở tòa soạn, thậm chí chia sẻ cho cả cán bộ quản lý.

Đối với lớp học về điều tra, ở các báo đều có những phóng viên có kinh nghiệm điều tra. Tuy nhiên, đối với những phóng viên mới làm điều tra thì việc được tập huấn, đào tạo lcực kỳ cần thiết, làm tốt nội dung này sẽ nhân lên kết quả của trung tâm. Mặt khác, phóng viên, biên tập viên ở các tòa soạn cũng làm tốt hơn công việc của mình".

Ông Lâm cho hay, hiện nay sau khi học xong các lớp đào tạo, việc đi tìm các nguồn tài liệu để đọc lại đang gặp khó khăn. Vì vậy, ông kiến nghị cần phải có một kho tài liệu để cho các phóng viên, nhà báo, đặc biệt là các phóng viên mới vào nghề tìm đọc, học hỏi.

Ông Nguyễn Công Đán, Chủ tịch Hội nhà báo Hưng Yên kiến nghị cần phải đào tạo, bồi dưỡng thêm về mặt nghiệp vụ cho các phóng viên báo đài, tỉnh khi đi làm tin hội nghị. Bởi vì, ông Đán cho rằng, hiện nay phóng viên đi làm tin hội nghị không sinh động, không mới mẻ, khô khan, không hấp dẫn và thường đưa quá nhiều tin tức về lãnh đạo.

Đối với thể loại phóng sự, các báo, đài địa phương chưa có những phóng sự hay, chưa hấp dẫn. Hiện nay, mới chỉ có một số ít các tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết, Báo Nông thôn Ngày nay có những phóng sự hay, làm hài lòng độc giả.

Nhà báo kiến nghị chú trọng đào nghiệp vụ dành cho phóng viên trẻ, lĩnh vực điều tra - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Công Đán, Chủ tịch Hội nhà báo Hưng Yên. Ảnh: Duy Huy.

Ông Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc đào tạo về ngoại ngữ cho các phóng viên, biên tập viên cũng hết sức cần thiết.

"Tôi mong rằng Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí quan tâm hơn đến việc đào tạo báo chí ở các tỉnh phía Bắc. Song song với đó, đào tạo nền tảng báo chí cấp cao hơn sao cho đáp ứng với xu hướng thời đại, làm sao để lan tỏa nội dung báo chí cho độc giả quan tâm một cách nhanh chóng, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0", ông Lâm bày tỏ.

Bà Phó Cẩm Hoa, Phó Trưởng Ban đối Ngoại Đài tiếng nói Việt Nam cũng cho rằng, đối với việc đào tạo, cần có nhiều lớp dành cho các nhà báo, các trưởng phòng và phó phòng, thậm chí cả lãnh đạo, các phó giám đốc đài, giám đốc đài. Đối với những lớp đào tạo trưởng phòng nên tập trung vào nội dung chuyên môn sâu hơn. Còn lãnh đạo tầm cao, đào tạo theo xu hướng phát triển tương lai và về mặt công tác quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem