Nhà báo Nguyễn Đức Hiển chia sẻ về áp lực khi lần đầu ứng cử làm đại biểu HĐND TP.HCM

Nhóm PV TP.HCM Thứ hai, ngày 10/05/2021 13:39 PM (GMT+7)
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó TBT Báo Pháp Luật TP.HCM được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu ra ứng cử làm Đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026. Phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hiển về những trăn trở của một ứng viên đại biểu HĐND TP.HCM.
Bình luận 0


Nhà Báo Nguyễn Đức Hiển: Tôi cố gắng đóng góp cho một nền báo chí hiện đại, nhân văn, thượng tôn pháp luật... - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó TBT Báo Pháp Luật TP.HCM. (Ảnh nhân vật cung cấp).

"Tôi coi đây là một vinh dự" 

Thưa ông, để ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM, ông đã chuẩn bị thời gian và tinh thần ra sao cho cuộc ứng cử lần này? 

Tôi được Ủy ban MTTQ TP.HCM giới thiệu ra ứng cử HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026. Tôi coi đây là một vinh dự khi được giới thiệu để có thể trở thành đại biểu của người dân. Vì thế tôi tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của một ứng cử viên. 

Trong quá trình ứng cử ông có bị áp lực gì không, trong khi công việc ở báo Pháp Luật TP.HCM khá bận rộn? 

- Áp lực là có, bởi là lần đầu ứng cử nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cạnh đó phải tìm hiểu nghiên cứu kỹ văn bản, tình hình kinh tế-xã hội và những vấn đề cụ thể của địa phương, của đời sống dân cư nơi mình ứng cử.

Công việc của một Phó TBT phụ trách nội dung tại Báo Pháp Luật TP.HCM rất bận rộn nên về thời gian, chắc chắn sẽ có những vất vả khi vừa chuẩn bị cho việc ứng cử, vừa hoàn thành công việc ở cơ quan. 

May mắn là tôi được lãnh đạo Báo và đồng nghiệp hỗ trợ, chia sẻ nhiều. Bản thân tôi cũng rất cố gắng sắp xếp để có thể thực hiện tốt nhất những nghĩa vụ của ứng cử viên với bà con cử tri. 

Nhà Báo Nguyễn Đức Hiển: Tôi cố gắng đóng góp cho một nền báo chí hiện đại, nhân văn, thượng tôn pháp luật... - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển trong một buổi tham gia giảng dạy tại Khoa Báo chí- Truyền thông tại ĐH KHXH&NV TP. HCM. (Ảnh: NVCC)

Ông có thể chia sẻ về chương trình hành động và tiếp xúc cử tri sắp tới? 

 - Chương trình hành động của các ứng viên đã được công khai. Tuy nhiên, tôi quan tâm nhất là lắng nghe người dân, tìm hiểu và nghiên cứu về những bất cập của chủ trương chính sách khi áp dụng vào thực tiễn xã hội. Đó là cơ sở để một đại biểu HĐND có thể đưa ra những kiến nghị có chất lượng nhằm đóng góp, xây dựng, hoàn thiện các chính sách phục vụ tốt cho quyền lợi của nhân dân. 

Với tư cách là Phó TBT Báo Pháp Luật TP.HCM, cơ quan thuộc UBND TP.HCM và nếu trúng cử đại biểu HĐND TP ông sẽ làm gì để thúc đẩy báo chí TP và cả nước phát triển theo hướng hiện đại, nhân văn và tinh thần thượng tôn pháp luật ? 

- Dù có trở thành đại biểu HĐND hay không, thì với tư cách một nhà báo đang làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý tại một cơ quan báo chí, tôi cũng luôn cố gắng hết sức đóng góp cho một nền báo chí hiện đại, nhân văn và thượng tôn pháp luật. 

Nếu là đại biểu HĐND, tôi sẽ có nhiều điều kiện hơn để tham gia kiến nghị, phản ánh, chuyển tải đến cơ quan có thẩm quyền các đòi hỏi đó của đồng nghiệp và nhân dân, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, thiếu nhân văn và vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng nghiệp trong hoạt động báo chí. 

Các cơ quan báo chí phải đa dạng hóa sản phẩm 

Thực trạng một số cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về tài chính, một số người làm báo phát sinh tiêu cực... Với tư cách một Phó TBT của 1 tờ báo ngành luật pháp, ứng cử vào HĐND của TP - trung tâm báo chí lớn nhất nhì cả nước, ông làm gì để góp phần làm trong sạch làng báo, giúp báo chí phát triển hơn nữa ? 

- Theo tôi, ở đây có ba vấn đề: Thứ nhất, đại đa số các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. Vì vậy, các điều kiện như chính sách về thuế, điều kiện về vốn... cần được nghiên cứu để báo chí có thể vừa phát triển tốt nguồn thu, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. 

Thứ hai, bản thân các cơ quan báo chí phải tự hiện đại hoá hoạt động của mình, đa dạng hoá sản phẩm để hấp dẫn khách hàng, bạn đọc từ đó có điều kiện để chăm sóc tốt đời sống của đội ngũ. 

Thứ ba, mỗi cơ quan báo chí cần có những quy chuẩn nội bộ và giám sát thật tốt hoạt động tác nghiệp của các nhà báo. 

Nhà Báo Nguyễn Đức Hiển: Tôi cố gắng đóng góp cho một nền báo chí hiện đại, nhân văn, thượng tôn pháp luật... - Ảnh 4.

Nhà báo Đức Hiển với sinh viên Hải Nữ Hoàng Linh (Đại học Y Khoa Tây Nguyên). Linh đỗ đại học nhưng nhà nghèo không có tiền theo học, nhà báo Đức Hiển đã vận động các mạnh thường quân để em đủ tiền theo học suốt chương trình đại học. (Ảnh: NVCC)

Những nhà báo là đàn anh đi trước trong đó có ông, trong giai đoạn hiện nay cần phải làm gì để thế hệ phóng viên trẻ xem đó là tấm gương để sửa mình và học tập? 

 - Ở giai đoạn nào thì người đi trước và cán bộ quản lý cũng phải cố gắng làm việc thật tốt thì tiếng nói mới có sức thuyết phục, đồng thời bản thân phải nghiêm túc trước khi muốn nói người khác. Và một điều rất quan trọng là phải làm sao để anh em sống được với nghề từ thu nhập chính đáng. 

Không đau đáu với công việc, không tự học hỏi tìm tòi và không lao vào công việc với cường độ cao nhất thì không thể làm gương cho anh em được. 

Thời gian qua, ông làm nhiều chương trình từ thiện rất thiết thực cho người nghèo, việc này đã được cộng đồng mạng xã hội ghi nhận và trân trọng… Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng, việc ông đề nghị mọi người chuyển tiền vào tài khoản riêng của mình để giúp em sinh viên Thanh Nhã đã dũng cảm hy sinh cứu người mà không chuyển vào TK của Báo Pháp Luật TP.HCM, ông có thể nói gì về việc này?

- Sẽ là rất sai nếu tôi dùng vị trí và ảnh hưởng của tờ báo để thực hiện một chương trình của cá nhân mình, dùng người trong bộ máy của báo để thực hiện một chương trình mà tôi kêu gọi bạn bè đóng góp. Ở đây, tôi kêu gọi bạn bè đóng góp hỗ trợ gia đình em Nhã, là lời kêu gọi cá nhân và bản thân tôi phải chịu trách nhiệm về điều đó. 

Hành động đó với tư cách cá nhân thì phải sử dụng tài khoản cá nhân, chứ sao lại sử dụng pháp nhân (tờ báo nơi tôi công tác) và tài khoản pháp nhân đó?

Tôi không có quyền làm vậy và không thể làm vậy!

"Không đau đáu với công việc, không tự học hỏi tìm tòi và không lao vào công việc với cường độ cao nhất thì không thể làm gương cho anh em được".

Được biết, ông sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng tuổi thơ ông lớn lên và đi học ở vùng quê nghèo Ninh Thuận nhưng rồi lập nghiệp, thành danh ở Sài Gòn. “Quê hương là chùm khế ngọt”, vậy 3 nơi trên nơi nào quan trọng nhất với ông và vì sao?

- Tôi yêu quý và tự hào về quê hương Hà Tĩnh của mình; tôi biết ơn miền đất Ninh Thuận đã bao dung bao bọc gia đình, nuôi dưỡng tôi bằng ân tình và cho tôi một tuổi thơ đẹp, nhiều kỷ niệm đẹp.

Còn Sài Gòn là nơi tôi học đại học, tiếp cận tri thức, là nơi cho tôi cơ hội làm việc, trao cho cuộc sống của tôi những thử thách và nơi tôi được chia sẻ, hỗ trợ rất nhiều. Với tôi "Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương!" như câu thơ của Chế Lan Viên đã viết.

Xin cảm ơn ông đã trả lời Báo Dân Việt, kính chúc ông thành công trên con đường ông đã chọn!

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM. Ông có 25 năm công tác tại Báo Pháp Luật TP.HCM từ phóng viên và trải qua nhiều vị trí công tác trước khi trở thành Phó Tổng Biên Tập.

Nguyễn Đức Hiển được biết đến với nhiều tác phẩm phóng sự điều tra chống tiêu cực; giải oan cho người yếu thế và phân tích, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Gần 20 năm nay, ông tham gia giảng dạy tại Khoa Báo chí- Truyền thông tại ĐH KHXH&NV TP.HCM và làm giảng viên cho các khóa đào tạo trong nước. Ông cũng có nhiều năm tham gia giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo tại Lào và Campuchia với tư cách chuyên gia.

Ngoài làm báo, Nhà báo Đức Hiển còn tham gia công tác từ thiện xã hội với hàng chục chương trình mỗi năm hỗ trợ học sinh nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn và các trường học vùng sâu, vùng xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem