Nhà báo Phan Quang với cuốn tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường”

Thứ năm, ngày 21/06/2018 12:25 PM (GMT+7)
Đúng dịp kỷ niệm “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, nhà báo lão thành Phan Quang cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường”.
Bình luận 0

Tập sách “Qua tên gọi bốn con đường” (Nhà xuất bản Văn học) tuyển chọn một số bài viết, tham luận gần đây của nhà báo Phan Quang. Theo tác giả, đây chỉ là những “cảm nhận” và “thu hoạch” về một số vấn đề đặt ra trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là thuộc lĩnh vực báo chí và truyền thông.

Tiêu biểu cho loạt bài viết này phải kể đến tiểu luận có nhan đề “Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam”. Có 6 mục nhỏ được tác giả đánh số, trong đó mục 1 nói vắn tắt nhưng không kém phần đầy đủ về con đường của “báo chí cách mạng Việt Nam đi từ không đến có”. Bắt đầu từ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh “tạo dựng” báo Thanh niên (1925) mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí Việt Nam.

Mục 2 là phần nói về những người làm báo chí - những nhà báo cách mạng Việt Nam từ Nguyễn An Ninh, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Trần Huy Liệu và bao tên tuổi nữa. Dẫn lời Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, tác giả nêu rõ:  “Lời Bác đúng theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Trên thế giới không có quốc gia nào có nhiều người làm báo bỏ mình tại chiến trường như ở Việt Nam. Đó là khí phách của báo chí Việt Nam, đó là bản lĩnh của người làm báo Việt Nam”…

img

Cuốn sách "Qua tên gọi bốn con đường".

Tiếp tục chủ đề về báo chí, bạn đọc có thể tìm thấy những trang tư liệu rất quý về cách thực thi luật pháp về báo chí ở các nước có nền báo chí phát triển như Pháp và Thuỵ Sĩ trong bài “Đạo đức và trách nhiệm người cầm bút “(trang 170).

Với tiêu đề nhỏ “Khi tác phẩm ra khỏi phòng văn”, Phan Quang nêu: Về lý thuyết, dưới chế độ dân chủ, bất kỳ ai đều có thể viết về bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, quyền tự do tuyệt đối chỉ khoanh lại trong phạm vi bốn bức tường phòng văn, tức là chừng nào những cái viết nên chưa công bố. Một khi tác phẩm được xuất bản, nhà văn sẽ cùng nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng, và dĩ nhiên “phải tuân thủ những hạn chế do luật định”, nếu vi phạm sẽ bị chế tài theo ba mặt: hành chính, tư pháp và đạo đức.

Tác giả đưa ra một loạt ví dụ về việc các cơ quan hành pháp, tư pháp ở Thuỵ Sĩ và Pháp hành xử như thế nào trước một tác phẩm báo chí mà họ quy là “phạm luật” và “những kết thúc buồn” của một số tác phẩm xuất bản và của tác giả xuất bản phẩm ấy (bao gồm cả nhà xuất bản).

Mười tám tuổi đã làm báo và cầm bút cho đến hôm nay nên tấm lòng Phan Quang đau đáu với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2007, ông kêu gọi cần khởi động ngay việc xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam (và là Bảo tàng  từ khi Việt Nam xuất hiện tờ báo in đầu tiên cho đến hôm nay). Ông nêu vắn tắt một số việc cần làm ngay. Với ông, thật là hạnh phúc khi 10 năm sau, ngày 16/8/2017 được dự lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia Việt Nam. 

Tại buổi lễ, ông đã có một phát biểu đầy xúc động, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà báo tham dự buổi lễ. Cả hai bài phát biểu này của ông đều được chọn in trong tập sách này (trang 113 và 119).

Chọn tên gọi “Quá khứ trước mặt ta” cho bài phát biểu nhân Bảo tàng báo chí Việt Nam được thành lập, ông tâm sự: “Quá khứ không ở sau lưng ta, quá khứ hiển hiện xung quanh ta, quá khứ đang vui buồn cùng với ta, quá khứ soi tỏ cái đích ta vươn tới… Mọi người, từ em bé học vỡ lòng, ai cũng biết sông khởi nguồn từ suối. Suối càng cao càng xa, chi lưu càng lắm, sông mẹ càng mênh mông.

Báo chí Việt Nam ngày nay là dòng sông mẹ tiếp nhận nguồn nước nhiều chi lưu. Trong đó dòng chủ lưu quyết định hướng chảy cho mọi suối nguồn là vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, hội nhập quốc tế với bản sắc và thực lực Việt Nam, hoà hiếu với mọi quốc gia trên cơ sở bảo toàn chủ quyền đất nước tổ tiên ta đổ bao mồ hôi  nước mắt và xương máu nữa gây dựng nên. Sông mẹ mang phù sa từ mọi nguồn sông suối bồi đắp cuộc sống, trong cái mênh mang sâu thẳm ấy mẹ không quên đóng góp của con nào, cho dù con sống nơi đâu hay đã từng lưu lạc”.

Thanh Vũ (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem