Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Còn nhiều những Suối Giàng!

Thứ ba, ngày 04/10/2011 10:33 AM (GMT+7)
Câu chuyện Suối Giàng sẽ được kéo dài hơn vì Việt Nam còn nhiều những Suối Giàng. Ông hẹn những người bạn người chưa thấy mặt nhau, nhưng đã trở thành thân thiết trong chỉ một tuần qua đến Suối Giàng, không chỉ để thăm các em mà còn để hình dung những gì có thể làm ở những nơi khác.
Bình luận 0

Dưới đây là những tâm sự mới nhất trên blog của nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Cho phép tôi tiếp tục chuyện về "Bát cơm có thịt” nhưng lại bắt đầu từ câu chuyện liên quan đến Chương trình “Trái tim cho em” do Viettel, VTV và một NGO nước ngoài phối hợp thực hiện có mục đích quyên góp kinh phí cho các ca mổ chữa bệnh tim bẩm sinh của trẻ em. Mỗi ca mổ như vậy bình quân chi phí khoảng 40-50 triệu đồng, tức khoảng2- 2,5 ngàn USD. Quá rẻ so với các ca mổ như vậy ở nước ngoài, nhưng quá cao so với thu nhập của các gia đình nghèo ở VN. Ngay từ năm đầu, Quỹ đã quyên góp được trên 20 tỷ đồng. Nhưng ngay lúc đó xuất hiện vấn đề: Công suất các phòng mổ.

 img
Những bữa cơm của trẻ vùng cao

Mỗi năm bình quân có khoảng 16 ngàn trẻ sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh. Các bệnh viện chỉ có thể mổ cho vài ngàn ca trong số đó. Số còn lại cộng vào với 16 ngàn đứa trẻ sinh ra năm sau cũng có dị tật về tim.. Và cứ thế, vấn đề thêm nan giải, dù mọi bệnh viện đều nỗ lực.

Có bốn trường hợp tôi còn nhớ:

Một cậu bé người Mông bị tim bẩm sinh. Nhóm quay phim ghi hình cậu bé ngả người trong tay mẹ bên bậc cửa ngôi nhà miền núi, nhìn bạn bè chạy nhảy. Lời bình của phóng sự cho biết không lâu nữa cậu bé sẽ được chạy nhảy cùng bạn, vì đã được đưa vào danh sách mổ tim, với kinh phí do Chương trình trả. Ít lâu sau khi nhóm phóng viên về Hà Nội, cậu bé qua đời, không kịp xuống núi về Hà Nội nhập viện. Tôi được tâm sự rằng, có phóng viên tránh không dám xem lại hình ảnh cậu bé đã được ghi lại.

Trường hợp thứ hai nhiều khán giả đã chứng kiến: Trong chương trình truyền hình trực tiếp “Trái tim cho em” từ trường quay S9, MC đã bất ngờ xuống dưới hàng ghế, hỏi chuyện người mẹ trẻ bế đứa con 8 tháng tuổi, nhìn hồng hào, bụ bẫm. Chị là một nông dân nghèo từ Hà Nam, đưa con lên để khám bệnh, và được bác sỹ cho biết cần mổ tim. Ngay trong trường quay, nhiều người đã đứng lên đề nghị được ủng hộ kinh phí cho cuộc chữa trị.

Cháu bé được đưa vào lịch mổ sớm. Nhưng trái tim bé bỏng đau đớn đã ngừng đập trước ngày phẫu thuật trong lịch. Khi tôi gọi điện báo cho ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Y tế lúc đó (người có dự chương trình truyền hình trực tiếp trong trường quay và nhớ rõ cháu bé này), ông Triệu lặng đi một lúc, rồi nói: Tôi sẽ xin chuyển nhượng (hoặc cho thuê, tôi không nhớ rõ nữa) một cơ sở nhà đất của đơn vị thuộc Bộ, ở ngay phố chính Hà Nội, để có kinh phí gấp rút đưa trung tâm mổ tim định mở ở khu viện E vào hoạt động. Quả thật, thời gian sau, Trung tâm đó ra đời, có thêm một nơi thực hiện các ca mổ tim.Có nghĩa là nhiều em bé sẽ có quyền được sống.

Trường hợp thứ ba: hai giờ trước khi lên bàn mổ, một em bé có bệnh tim bẩm sinh ra đi, khi chiếc băng ca chở em lên phòng mổ đã được đưa đến ngoài hành lang trước cửa phòng em nằm.

Trường hợp thứ tư: Anh D, giám đốc một Công ty Truyền thông, nhận ủng hộ chi phí mổ tim cho hai cháu bé nhà nghèo. Anh săn sóc các cháu, đợi chờ ca mổ. Hai đứa trẻ được phẫu thuật thành công, chúng trở thành như hai đứa con nữa của anh (Anh cũng đã có hai cháu).

Anh thường xuyên đón chúng lên Hà Nội hoặc về quê thăm chúng, đỡ đần cho gia đình. Một hôm, anh gọi điện, nghẹn ngào báo: Một cháu đã ra đi. Bệnh tim, khi không kịp phẫu thuật thời gian dài, sẽ “phá” sang các cơ quan khác. Và cả khi dị tật tim đã được khắc phục qua phẫu thuật, thì cơ thể cũng không chịu nổi những căn bệnh là hậu quả của bệnh tim.

Nếu một đứa trẻ bị bệnh tim mà không thể chạy chữa, đến lúc có điều kiện chữa, có thể không cứu được nữa rồi. Nếu đứa trẻ thiếu thức ăn, vấn đề không cấp bách đến vậy. Nhưng đó là xét từ góc độ khoa học. Còn với người sinh ra chúng, có gì cho con ăn là lo lắng hàng đầu. Nếu hôm nay đứa trẻ không có thức ăn tốt, điều đó không thể bù đắp được vào lúc nào đó sau này.

Hồi bao cấp, ở cơ quan, tôi đã nghe câu chuyện của những người mẹ trẻ nói với nhau. Một chị nói rằng: Tem phiếu hết, chưa đến kỳ lương, đêm nằm lo không ngủ được, chưa nghĩ ra được cách sáng ra có cái gì là đạm cho Cu Tý ăn. May quá, trời thương, sáng ra thấy trong chuồng gà có một quả trứng. Vậy là yên tâm ít ra đến hết đợt con gà nó đẻ. Chị kia nói: Con em hai hôm rồi ăn không có chất gì. Em đi làm ruột nóng như lửa đốt. Chị trực giúp, em đạp xe về quê xin ông bà ngoại thứ gì đó cho nó ăn. Chứ ngồi ở đây, em cũng chẳng làm được gì đâu!

 Những người mẹ, trong tiềm thức của mình, luôn hiểu rằng hôm nay, chính hôm nay cái gì cần cho con. Nếu hôm nay không có, thì chuyện mai sau có cũng chẳng nhiều ý nghĩa.

Bữa cơm có thịt cho trẻ em dân tộc nội trú dân nuôi cần hôm nay, chính hôm nay. Sau một số năm (mong là thế), có thể đó không còn là vấn đề quá khó với các trường nội trú. Nhưng điều đó không giúp bù lại những gì trẻ không có bây giờ.

Khi bạn lên vùng cao, bế các cháu bé lên, sẽ thấy chúng nhẹ bỗng. Có lần, ở Tây Nguyên, tôi gặp cậu bé, tưởng nó học lớp hai, lớp ba gì đó, nhưng trò chuyện ra thì nó học lớp 5. Nó chắc bằng nửa con tôi, khi đó cũng lớp 5.

 img
Còn nhiều những Suối Giàng

Vì vậy, tôi xin hỏi ý kiến các bác, các Anh Chị, các Em về điều này, và xin mọi người phản hồi:

Với số tiền khoảng 220 triệu mọi người đã chuyển đến thời điểm này, đủ để các em học sinh Nội trú ở Suối Giàng (80 em tiểu học, 88 em PTCS) ăn cơm có thịt trong hai năm (nếu một bữa có thịt) hoặc một năm (nếu hai bữa có thịt). Tuy nhiên, đã có những sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đến với Suối Giàng ngày thứ bảy vừa qua (hoạt động này độc lập với hoạt động của chúng ta).

 Tôi sẽ hỏi thông tin về sự ủng hộ đó. Tôi đề xuất trích một phần số tiền đã có cho đến nay chuyển tới các em ở Suối Giàng, thông qua một cơ chế quản lý và giám sát chủ yếu dựa vào các thày cô giáo và phụ huynh. Số tiền này, cộng với số tiền các em đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ, sẽ đảm bảo mỗi ngày một bữa ăn có thịt cho các em, và 1-2 ngày cả hai bữa có thịt trong tuần.

Số tiền còn lại cộng số tiền mà tôi hy vọng và tin rằng sẽ được tiếp tục gửi đến, chúng ta sẽ mau chóng chuyển sang các em ở nơi khác. Vì còn nhiều lắm những Suối Giàng. Rất mong danh sách ủng hộ thường xuyên của chúng ta dài thêm nữa, và nhiều thêm nữa những người gắp thịt cho các cháu.

Để mọi người cảm nhận rõ ràng kết quả hỗ trợ, chúng ta vẫn tiếp tục giúp các em ở một trường, đến khi đủ cho các em một năm cơm có thịt như ở Suối Giàng, chúng ta mới chuyển sang trường khác.

Tôi và bạn bè có những địa chỉ cần giúp mà chúng tôi biết vì đã đi đến trước đây. Nhưng có thể còn có những nơi khó khăn hơn, các bạn hãy phát hiện, và gửi cho chúng tôi những thông tin cụ thể nhất, nếu kèm theo hình ảnh càng tốt, theo các địa chỉ: trandangtuanvfc@yahoo.com; pntien56@yahoo.com; bavivfc@yahoo.com

Chúng ta sẽ chọn điểm đến tiếp theo Suối Giàng càng nhanh càng tốt, vì những lẽ tôi đã kể ở trên. Trong một ngày gần, chúng ta sẽ thăm các em ở Suối Giàng. Đó sẽ là chuyến đi thăm giản dị của những ai trong chúng ta có thể đi, và không chỉ là thăm các em, mà để hình dung những gì chúng ta có thể làm ở nơi khác. Đó cũng là cuộc gặp gỡ đầu của chúng ta, những người chưa thấy mặt nhau, nhưng đã trở thành thân thiết trong chỉ một tuần qua…

Theo Bee 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem