Nhà giáo khó sống được bằng lương

Thứ năm, ngày 04/03/2010 09:27 AM (GMT+7)
NTNN - Liên Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo theo hướng từ năm 2010, nhà giáo sống được bằng lương. Tuy nhiên, GS-TS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng mục tiêu này khó thực hiện.
Bình luận 0

- Tại sao Giáo sư lại có nhận định như vậy về lương cho giáo viên?

- Đề án này chưa làm rõ được thế nào là sống được bằng lương của mình? Nhà giáo ở thành thị hay nông thôn? Nhà giáo chỉ chuyên lo công việc của mình hay dạy thêm? Nhà giáo đang dạy ở cấp nào?

img
Được nhà nước quan tâm hỗ trợ nhưng phần lớn giáo viên vẫn có mức thu nhập chưa đủ sống.

Cần khẳng định là Chính phủ và Quốc hội đã quan tâm nhiều tới vấn đề này nhưng số giáo viên trong cả nước rất lớn, hơn 1 triệu người nên cũng như mọi cán bộ ăn lương nhà nước của các ngành khác, theo tôi khó có ai sống được chỉ bằng đồng lương của mình.

Hiện, lương của một GV tốt nghiệp ĐH ở mức 2,3 triệu đồng/tháng, gấp đôi năm 2006. Ngoài ra Quốc hội đã đồng ý sẽ có phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Nghĩa là ngành giáo dục đang được quan tâm nhưng để đủ sống thì còn rất khó khăn.

- Thực tế, thu nhập của một Giáo sư ĐH không bằng lương của một chuyên viên tài chính trẻ tuổi và không bằng một phần nhỏ thu nhập thực tế của quan chức. GS đánh giá thế nào về thực tế này?

- Tôi nhắc lại, không chỉ với ngành giáo dục mà nhiều ngành khác đang có mức lương rất thấp. Những ngành có mức lương cao không phải là lương mà là “bổng”. Tại sao có bổng lộc cao như vậy thì là chuyện cần được Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ trả lời.

Có điều nếu cứ duy trì tình trạng này thì sẽ thất thoát chất xám rất nhanh sang ngành có thu nhập cao. Tại viện nghiên cứu của chúng tôi, mọi người phải gánh vác công việc để thu xếp cho cán bộ đi nước ngoài làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Sau khi về nước, họ bị thu hút bởi chỗ làm khác lương cao hơn thì chúng tôi sẽ làm sao?

- Gần đây báo chí đăng thông tin lương một Giám đốc trung tâm hợp tác quốc tế của một trường ĐH công có mức là 86 triệu đồng/tháng. Vậy phải chăng bất hợp lý không phải là không có tiền mà là ở chỗ khác?

- Chỉ có lương GV dạy môn  Mác - Lênin là có phụ cấp 45%, còn các trường công khác không biết căn cứ vào đâu để trả lương cao.

- Nhiều người cho rằng các trường ĐH phải liên kết với DN, làm các nghiên cứu để tạo nguồn thu nhập, nhưng ở nước ta mối liên kết đó không rõ. Theo GS, đâu là rào cản?

- Tôi nghĩ nên tạo điều kiện cho cán bộ các trường ĐH có đủ điều kiện nghiên cứu để có thể làm ra những sản phẩm có tính ứng dụng, đồng thời nâng cao thu nhập, lương cho mình. Nhưng chúng ta mở quá nhanh số lượng trường ĐH thì làm sao có thể đầu tư đủ trang thiết bị cho nghiên cứu.

Ở hầu hết các nước, các viện nghiên cứu thường nằm trong các trường ĐH, như vậy sẽ tận dụng được kết quả nghiên cứu của giáo viên, sinh viên. Ta đã nghèo mà lại còn tách các trung tâm, viện nghiên cứu (nhiều vô kể) ra khỏi các trường ĐH, thật không sao hiểu nổi.

Quốc hội dành cho nghiên cứu KH-CN hàng năm 600 triệu USD, nếu chia nhỏ ra thì sẽ chẳng có thành tựu gì đáng kể hết, và như vậy sẽ không có thêm thu nhập. Phải có cuộc cách mạng, phải đầu tư đủ tầm rồi hãy nghĩ đến chuyện để các Trường, các Viện đủ sức nuôi sống giáo viên, cán bộ của mình

- Xin cảm ơn GS!

thực hiện 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem