Nhà giàu Mỹ đang cắt giảm chi tiêu, từ nhà cửa cho tới trang sức. Điều này mang tới nguy cơ không hề nhỏ đối với nước Mỹ giữa lúc thương chiến nước này với Trung Quốc đang leo thang.
Trong khi tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tiếp tục chi tiêu mạnh tay thì lớp nhà giàu lại “thắt lưng buộc bụng” một cách đột ngột. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới phần còn lại của nền kinh tế Mỹ, gây kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Kể từ sau khủng hoảng tài chính, thị trường bất động sản cao cấp của Mỹ đang trải qua năm tệ nhất. Những nơi đắt đỏ như Manhattan đã chứng kiến doanh số bán nhà giảm 6 quý liên tiếp. Theo dữ liệu của Redfin, doanh số bán nhà có giá từ 1.5 triệu USD trở lên trong quý 2 đã giảm 5% so với cùng kì năm ngoái. Biệt thự và các căn hộ penthouse đang “chất đống” trên khắp đất nước, đặc biệt ở những nơi nghỉ dưỡng sang trọng.
Tệ nhất vẫn là lĩnh vực bán lẻ. Nhà bán lẻ hàng cao cấp Barneys nổi tiếng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi đầu tháng 8. Tương tự, hãng Nordstrom đã chứng kiến doanh thu giảm 3 quý liên tiếp. Trái lại, Walmart và Target, hai nhà bán lẻ hàng tiêu dùng đều đạt lượng khách và tăng trưởng doanh thu mạnh hơn kỳ vọng.
Tại cuộc đấu giá xe hơi tại triển lãm xe Pebble Beach, sự kiện hàng năm được biết đến với những chiếc xe được bán với giá kỉ lục, loạt xe hơi đắt nhất đều “chùn bước”, không thể đấu giá thành công. Xe được chào bán với giá 1 triệu USD chỉ bán được tính trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, những chiếc xe có giá dưới 75.000 USD bán rất nhanh và bán được nhiều hơn so với dự đoán.
Tại cuộc đấu giá xe hơi tại triển lãm xe Pebble Beach, loạt xe hơi đắt nhất đều “chùn bước”, không thể đấu giá thành công. Ảnh Bloomberg
Nửa đầu năm 2019, số lượng các tác phẩm nghệ thuật tại Mỹ được bán ra lần đầu tiên giảm trong nhiều năm. Doanh số của nhà đấu giá Sotheby’s giảm 10%, doanh số của nhà đấu giá Christie’s giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả những con số gần đây được đưa ra đều minh chứng cho một điều, giới nhà giàu đang “đóng ví”. Nếu tầng lớp này tiếp tục hạn chế chi tiêu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Mỹ.
Theo Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics, nhóm 10% người có thu nhập cao nhất ở Mỹ chiếm gần một nửa tiêu dùng ở nước này. Tuy nhiên, chi tiêu của nhóm này đã giảm trong 2 năm qua, trái ngược với xu hướng chi tiêu nhiều hơn của tầng lớp trung lưu. "Người tiêu dùng thu nhập cao tiếp tục giảm chi tiêu sẽ là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ", ông Zandi nói.
Theo các chuyên gia, hai lý do chính khiến giới nhà giàu Mỹ hạn chế chi tiêu: thị trường biến động và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Nhóm 10% giàu nhất ở Mỹ nắm 80% thị trường chứng khoán nước này, nên họ khá nhạy cảm với những biến động gần đây trên thị trường tài chính.
Ngoài ra, giới nhà giàu Mỹ còn sở hữu các công ty kinh doanh ở nước ngoài hoặc có sự phụ thuốc vào thị trường ngoài nước.Vì thế, họ đã trở thành một hệ thống cảnh báo sớm cho các “cơn bão” kinh tế đang hình thành trên toàn thế giới.
Dĩ nhiên, giới nhà giàu Mỹ vẫn mạnh tay chi tiền nhưng với điều kiện họ phải tin tưởng và chắc chắn với số tiền bỏ ra. Nhưng hiện tại, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang và thị trường tài chính đầy rẫy những biến động thì họ không tìm thấy điều đó.
Việc ôm ấp, âu yếm bò hóa ra là để phục vụ một mục đích không ngờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.