Nhà văn Trương Chí Hùng
Thứ hai, ngày 16/01/2023 14:00 PM (GMT+7)
Hồi đó, cả xóm tôi chỉ có một ngôi nhà đúc lợp ngói. Đó là nhà của ông hai Bỉnh Xanh, nghe đâu từ thời ông nội của ông để lại. Ngôi nhà đó dĩ nhiên rất khang trang và bề thế, nhưng nó tương đối “lạc lõng” với không gian xung quanh, bởi những căn nhà khác trong xóm, đều là nhà tre lợp lá.
Ở Miền Tây, cây dừa nước mọc nhiều vô số kể. Người ta tận dụng lá dừa nước để lợp nhà, vừa tiện lợi, vừa rẻ mà lại mát mẻ. Lá nhà làm bằng dừa nước có hai loại. Loại lá được cắt ra, rồi chằm lại theo từng miếng như hình chữ nhật, dài hơn 1 mét, rộng độ nửa mét, gọi là lá chằm, chuyên dùng để lợp trên mái nhà. Loại lá thứ hai được tách đôi từ một tàu lá dừa nước dài chừng 3 mét, gọi là lá xé, chuyên dùng để dựng xung quanh căn nhà, để mưa gió không tạt vào.
Cây cối để làm nhà thì bà con cũng tận dụng những cây có sẵn xung quanh, chủ yếu là tre. Những gốc tre cứng cáp, thẳng thớm được dùng làm cột, làm đòn tay; các thanh tre nhỏ hơn thì làm nẹp, làm rui. Riêng cây tre làm đòn dông thì phải được lựa chọn cẩn trọng, vừa thẳng vừa cân đối vì dân gian cho rằng đòn dông chính là cái lõi quyết định chất lượng của căn nhà.
Ba má tôi luôn dặn, con cái đứa nào ra riêng cất nhà cất cửa ra sao cũng được, nhưng nhà của ba má phải lợp lá như xưa. Ba má ở nhà lá quen rồi, thấy mát mẻ thoải mái lắm, ở kiểu nhà khác không quen.
Ở quê tôi thời đó, ai muốn cất một cái nhà thì chẳng cần thuê mướn nhân công gì cả. Chỉ cần báo với bà con trong xóm biết bữa nào "động thổ" là mọi người tự động đến cất tiếp. Cánh đàn ông thì làm những việc nặng nhọc như đào nống, cưa cột, xẻ ván, ráp khung, lợp lá…, cánh đàn bà thì nấu nướng, xẻ rui, chẻ lạt. Cứ như thế, vừa làm vừa trò chuyện với nhau, lúc nào cũng vui vẻ như nhà đang có đám tiệc. Tụi con nít như tôi cũng thích đến mấy chỗ cất nhà, để ai sai việc gì thì làm cái đó. Nhiều khi chỉ được nhờ múc ca nước hay lấy giùm bó lạt, tôi đã cảm thấy vui ơi là vui.
Mãi sau này tôi mới biết, hỗ trợ làm nhà qua lại giữa các thành viên trong xóm như thế, quê tôi gọi là làm "vần công". Nghĩa là trong xóm ai có việc thì mình đến giúp, tới khi nhà mình có việc, bà con sẽ đến giúp lại. Tập quán đó phần nào cho thấy lối sống cố kết cộng đồng của lưu dân phương Nam đã được hình thành từ thời "mang gươm đi mở cõi". Khi chân ướt chân ráo đến miệt bưng biền này, "chèo ghe sợ sấu cắn chưng/xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma", bà con phải tương trợ nhau mới có thể trụ lại, làm chủ vùng đất mới đến tận bây giờ.
Quê tôi ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mỗi năm mùa nước nổi kéo dài hơn 4 tháng, từ độ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Bởi vậy, ai cũng phải cất nhà sàn. Có năm nước lớn, dù sàn nhà cao hơn mặt ruộng tới 3 mét mà nước vẫn ngập. Những ngôi nhà như thể nổi bồng bềnh trên sóng nước. Có lần đi giăng câu, bơi xuồng giữa đồng nhìn về phía xóm mình, tôi thấy hàng trăm ngôi nhà như hàng trăm bông hoa trỗi lên trên mặt nước, đẹp một cách yên bình. Thời đó làm gì có điện thoại để chụp lại những cảnh như thế, nhưng tôi đã kịp chụp vào trong tâm trí, để giờ đây hồi ức lại vẫn thấy yêu, thấy nhớ da diết xóm làng.
Đến mùa khô, những căn nhà lá ở quê nhìn có vẻ thiếu vững chãi trên mấy cây nống cao như cây cà kheo, nhưng thật ra lại rất chắc chắn. Không chỉ vậy, ngày nắng bà con xứ này có thói quen xuống sàn để ngồi đan lưới, tóm câu, bện lờ, bện lọp; mệt thì giăng võng ngủ luôn ở đó, đón gió bốn phương mát rượi. Có gia đình suốt ngày ở dưới sàn nhiều hơn ở trên nhà, người lớn làm việc, trẻ nhỏ thì chơi đùa. Thế mới thấy, mấy căn nhà sàn lợp lá đơn sơ nhưng vừa thích ứng một cách linh hoạt với thiên nhiên, thời tiết miền Tây Nam Bộ, vừa hòa phối tuyệt vời cùng không gian sông nước hữu tình, đồng ruộng mênh mông.
Sau này, trên bước đường rong ruổi, thỉnh thoảng bắt gặp những căn nhà lá nằm nép dưới mấy rặng tre hay mấy tán cây bần bên con sông hiền hòa nào đó, lòng tôi chợt rộn vui, cứ như đó chính là xóm mình thuở trước. Có khi, thấy những căn nhà lá nằm thoi loi ở một quãng đường vắng, khói bếp vẫn dựng lên trong bảng lảng chiều, chợt nghe ấm lòng người lữ thứ khi nghĩ về bức tranh hạnh phúc.
Ở quê tôi, người ta không đo độ sang hèn bằng nhà tranh vách lá hay nhà cao cửa rộng. Cái cốt yếu là sống với nhau nghĩa tình, còn nhà, "Có thì nhà ngói lợp mè/Nghèo thì kèo nứa, cột tre cũng đành". Chuyện tơ duyên cũng không phải lệ thuộc vào cửa nhà theo quan niệm "môn đăng hộ đối". Cứ nghe câu chuyện của chàng trai, cô gái xứ này qua câu hò giao duyên, là thấy thương đứt ruột đứt gan: "Nhà anh nhà ngói. Nhà em nhà lá. Em đâu dám gá vợ chồng. Nồi đất mà đậy vung đồng ai coi?" - "Nàng nói sao không nghĩ rạch ròi. Bình sành người ta còn dùng nắp thiếc. Sao nàng không xét không soi cho tôi nhờ!".
Ba má tôi kể, khi xưa phải duyên nhau lúc nghèo khó, may nhờ có người hàng xóm tốt bụng, thương tình cho miếng đất cất căn nhà lá ở tạm. Sanh con đẻ cái ngày một đông, ba má phải đắp nền đất cao hơn, lớn hơn nền cũ, nới rộng căn nhà mỗi lần cất lại, nhưng vẫn giữ nguyên dáng dấp buổi ban đầu. Anh chị tôi lần lượt lấy chồng lấy vợ, ra riêng cũng ở gần nhà ba má. Những căn nhà lá mới lại được mọc lên, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của bức tranh quê bình dị.
Khi điều kiện kinh tế khá hơn, một số hộ dân quê tôi có chuyển từ nhà lợp lá sang lợp ngói, lợp tôn… Những căn nhà lá thưa vắng dần ở miền Tây một mặt phản ánh diện mạo đời sống của bà con ngày càng khởi sắc, nhưng phần nào cũng để lại sự luyến tiếc cho những ai trân quý giá trị cũ xưa. Còn ba má tôi thì luôn dặn, con cái đứa nào ra riêng cất nhà cất cửa ra sao cũng được, nhưng nhà của ba má phải lợp lá như xưa. Ba má ở nhà lá quen rồi, thấy mát mẻ thoải mái lắm, ở kiểu nhà khác không quen. Dĩ nhiên, anh chị em tôi cũng chiều lòng ba má, cất căn nhà theo đúng kiểu hồi xưa. Đặc biệt, anh Hai tôi còn nhờ thợ làm cái hàng ba cho rộng rãi một chút, để má có thể giăng võng nằm nhìn ra cánh đồng trước cửa, còn ba thì đặt cái bàn ngồi uống nước trà với mấy bác hàng xóm. Nhà cất xong, ba má vui mấy tháng trời.
Tôi lớn lên, đi học rồi đi làm, ở luôn trên thành phố. Những khi quá mệt mỏi với cuộc đua chen nơi đất khách quê người, tôi liền tranh thủ nghỉ phép mấy ngày, chạy về quê ăn một bữa cơm do má nấu, rồi nằm ở hàng ba ngủ một giấc ngon lành, thấy chẳng nơi nào yên bình như ở nhà mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.