Nhà nông đối mặt với “hậu học nghề”

Thứ năm, ngày 01/05/2014 14:25 PM (GMT+7)
Khoảng 60-70% số học viên được đào tạo nghề ngắn hạn theo Đề án 1956 là học nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, sau đào tạo, nông dân đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải tới mức đã có nhiều lớp học chỉ có 1-2 người làm nghề một cách bấp bênh.
Bình luận 0
Nông dân cần học nghề nông

Khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, ngay trong năm 2013 (năm đầu tiên triển khai), Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Bình Định đã tích cực phối hợp với Phòng NNPTNT, Phòng Kinh tế và các huyện, thị khảo sát, tiếp cận nhu cầu học nghề nông của bà con nông dân.

Với kết quả khảo sát sơ bộ ở các huyện, thị cho thấy có hơn 1.600 học viên có nhu cầu đăng ký học nghề nông theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm năng suất, chất lượng cao; trong đó nhóm trồng trọt có trồng lúa, nấm, lạc, đậu nành, ớt, hành, tỏi, rau an toàn, dưa leo, bầu, bí, chè, hồ tiêu; nhóm chăn nuôi có nuôi bò, heo, gà, vịt, tôm, khai thác thủy hải sản…

Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Bình định bế giảng lớp dạy nghề nuôi trâu, bò ở xã Tây Vinh (Tây Sơn).
Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Bình định bế giảng lớp dạy nghề nuôi trâu, bò ở xã Tây Vinh (Tây Sơn).

“Chúng tôi đã hoàn tất cả thảy 10 lớp nghề lưu động, mở ở các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và thị xã An Nhơn. Điều quan trọng của học viên trong đào tạo nghề nông tại trường là nhìn thấy năng suất của các loại cây trồng, vật nuôi thực tế qua khâu thực hành trên đồng ruộng và trong chuồng nuôi ”– ông Bùi Quang Vinh – Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết.

Kết quả trông thấy được ở lớp “quản lý và kỹ thuật trồng lúa năng suất cao” tổ chức ở xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) - mở tháng 9.2013. Ông Bùi Văn Hùng, nông dân xóm Hòa Đông- học viên lớp học cho biết: Sau lớp học, năng suất cây lúa vụ đông xuân 2013 – 2014 với giống DV 108 mà ông trồng tăng lên 62 tạ/ ha, cao hơn năng suất các loại giống lúa khác cùng vụ từ 6 – 7 tạ/ha.

“Tôi thấy cách xử lý giống lúa ban đầu, rồi cách ngâm ủ, cách bón phân theo từng giai đoạn “cực trọng” của cây lúa trên đồng đất quê tôi mà các thầy giáo đã tận tình chỉ bảo, không những trong lý thuyết mà cả bằng thao tác thực tế trong vụ lúa mới đây, đã thuyết phục được tôi và tất cả các học viên trong lớp.

Tại khóa học, các học viên đã được tìm hiểu, đào tạo rất nhiều kỹ năng về cách chọn giống lúa, cách phòng chống dịch bệnh, cách gieo trồng lúa trên các đồng đất thích hợp, cách thu hoạch lúa để làm sao giảm thiểu được ít nhất những tổn thất…”– ông Hùng chia sẻ. Còn ông Trương Quang Lộc ở xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn)- học viên lớp “Trồng và nhân giống nấm”- khẳng định: “Áp dụng kiến thức nghề đã học, với diện tích trồng nấm rơm 150m2 của gia đình, tôi có thu nhập thêm từ 5 – 7 triệu đồng/ tháng”.

Cần có định hướng “đầu ra” trước khi mở lớp

Nhu cầu học nghề nông là có thực và cấp thiết. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng đạt hiệu quả sản xuất như ông Hùng, ông Lộc, theo nhiều giáo viên dạy nghề nông, còn khá nhiều nông dân là học viên của lớp, sau đào tạo khó nâng cao năng suất cây trồng do không có vốn mua giống, phân bón theo quy chuẩn và chăm sóc đúng quy trình, không bán được hàng nên không trồng những cây, con mà họ đã được học. Và rất tiếc, con số này thường không được các cơ sở dạy nghề thống kê.

Theo Tổng cục Dạy nghề, để tổ chức dạy nghề nông cho lao động nông thôn, toàn quốc đã huy động 12.214 giáo viên cơ hữu.

Có 11.379 người không phải là giáo viên mà là thợ giỏi, nghệ nhân được bồi dưỡng sư phạm để đứng lớp, hơn 8.000 giảng viên thỉnh giảng. Như vậy việc đào tạo nghề nông thôn đã được xã hội hóa. Đó là tài nguyên rất quan trọng.

Anh Nguyễn Thọ Hạnh (xã Nam Thanh, Yên Thành, Nghệ An), người đã học nghề trồng nấm, sau đó đầu tư xây dựng lán trại, mua máy hấp sấy nấm, ký kết bán sản phẩm cho công ty Phương Đông ở Sóc Trăng cho biết, người làm được như anh không nhiều bởi quan trọng là phải có vốn. Anh cũng nêu thực tế, khi học nghề, UBND huyện Yên Thành đã hỗ trợ 100% giống nấm, vật tư phân bón để làm thử nghiệm, nhưng các mùa vụ sau nông dân phải tự lo 100%, nhiều người không có vốn nên không làm nữa, hoặc đi làm thuê có tiền ngay nên bỏ nghề.

Đặc biệt, ông Hoàng Xuân Mới (xã Chiềng Đông, Yên Châu, Sơn La) cho biết, năm 2013, xã ông mở 2 lớp học trồng nấm với 60 học viên. Tuy nhiên, 2 lớp học kết thúc mà chỉ có 2 người còn làm nấm, vì : “Không có đầu ra để bán nấm, bán rất vất vả. Công ty không mua thì phải mang xuống tận Yên Châu, lúc bán được, lúc không”- ông Mới nói.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1956, ông Nguyễn Ngọc Phi- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng bày tỏ lo ngại về thực trạng này. Ông nêu thực tế: “Tôi thấy mở nhiều lớp dạy trồng kỹ thuật cà phê ở Tây Nguyên. Ở khu vực này, nông dân trồng cà phê kỹ thuật còn siêu hơn thầy, cái họ cần là kiến thức để sơ chế, chế biến sau thu hoạch, tìm thị trường… Kiến thức này chỉ cần đào tạo 2 tuần thì vẫn kéo dài 3 tháng. Lãng phí này khó tính toán”.

Bộ LĐTBXH cũng đã có định hướng “Không có quy hoạch kinh tế xã hội thì không mở lớp”. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, các lớp dạy nghề nông nghiệp vẫn được mở vì phải dạy cho “đủ chỉ tiêu”. Và như vậy, chắc chắn có nhiều lớp học đã để lãng phí tiền đầu tư mở lớp, thời gian đi học của nông dân mà không đạt hiệu quả mong muốn.

Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam

Khi dạy nghề nông cho nông dân, điều quan trọng nhất là giúp nông dân tổ chức được sản xuất sau đào tạo. Hội Nông dân tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, NNPTNT để thực hiện tín chấp cho nông dân tạo việc làm sau đào tạo. Cùng với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay có trên 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân sau học nghề vay vốn với lãi suất thấp để tạo việc làm. Quỹ hội các cấp cũng hỗ trợ cho vay trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa thấm vào đâu.

Lê An - Minh Trung (Lê An - Minh Trung)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem