Sống dựa vào trời đất
LMN được gọi là siêu sạch vì nông dân gần như giao phó hoàn toàn cho trời đất. Bà con thường chỉ gieo sạ rồi chờ đến ngày thu hoạch mà không cần chăm sóc hay dùng bất kỳ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào.
Cán bộ ngành nông nghiệp tham quan, khảo sát thu hoạch lúa mùa nổi tại Vĩnh Phước (An Giang). TRỌNG BÌNH
LMN có sức sống rất kỳ diệu, theo đó nước (trong mùa nước nổi) lên tới đâu thì lúa vượt theo tới đó, đủ cao hơn mặt nước một chút để có thể “thở” và sống được, cho đến khi nước rút đi thì bông lúa cũng chín vàng. Có năm lũ lớn, thân cây LMN vươn cao đến gần 4m.
Gạo từ LMN rất ngon cơm, ngọt và lành vì không dùng bất kỳ loại phân thuốc hóa học nào. Tuy nhiên, vì năng suất quá thấp, thời gian sinh trưởng kéo dài (6 tháng) nên LMN dần phải nhường đất cho các loại lúa cao sản.
Lão nông Nguyễn Văn Nào, người có nhiều năm gắn bó với LMN kể: “Khoảng năm 1989, gia đình tôi vào đây mang theo giống lúa Nàng Tây Đùm để trồng trên cánh đồng Vĩnh Phước. Làm gần 20 công đất mà chỉ đủ gạo ăn, mùa nước nổi vẫn phải kiếm thêm cá đồng để đắp đổi qua ngày. Khó khăn lắm, nhưng đã mắc cái nghiệp với LMN rồi, không bỏ được. Khi ngoài Châu Phú lên đê bao, làm lúa 3 vụ hết, tụi tui phải vào đây (xã Vĩnh Phước) vì ở đây chưa có đê bao. Nửa năm đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước, quyết bám LMN”.
Quan điểm
Mặc dù LMN cho năng suất thấp (từ 2 - 2,5 tấn/ha) nhưng bù lại, giá bán khá cao nên bà con cũng có thu nhập tốt”.
Cũng như gia đình lão nông Nguyễn Văn Nào, nhiều nông dân “nặng tình” với cây LMN ở huyện Châu Phú đã mang những giống LMN truyền thống vào trong vùng sâu của huyện Tri Tôn để trồng. Những nông dân này đã duy trì được hàng chục ha LMN ở 2 xã Vĩnh Phước và Lương An Trà (huyện Tri Tôn) với các giống truyền thống như Tây Đùm, Chệch Cụt, Bông Sen, Tây Bông Dừa.
Giá bán cao
Năm 2013, một bước ngoặt đã mở ra với những cánh đồng trồng LMN ở Tri Tôn khi có nhiều dự án hỗ trợ bà con duy trì và phát triển diện tích trồng LMN. Ông Trần Văn Đàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước cho biết: “Năm 2013, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Trường Đại học An Giang), 21 hộ nông dân trồng LMN đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí để thành lập các tổ hợp tác trồng LMN.
Trong năm đầu (2013), tổng diện tích LMN ở Vĩnh Phước và Lương An Trà là 43ha, năm 2014 đã tăng lên 92ha. Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ tăng lên 200ha và đến năm 2020 là 500ha”.
Lão nông Lê Văn Tâm, xã Vĩnh Phước phấn khởi nói: “Nhờ LMN bám trụ suốt mùa nước nổi nên đất đai ở đây được lắng đọng rất nhiều phù sa, cộng thêm rạ (thân cây LMN sau khi thu hoạch) giữ ẩm tốt, rất thích hợp cho hoa màu, trồng gì cũng trúng mà không cần phải tốn nhiều phân bón. Năm nay, tôi đã thuê thêm 10 công nữa đề trồng LMN, sau đó trồng xen 1 vụ kiệu và khoai môn”.
TS Nguyễn Văn Kiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (Trường Đại học An Giang) nhận xét: “Mặc dù LMN cho năng suất thấp (từ 2 - 2,5 tấn/ha) nhưng bù lại, giá bán khá cao nên bà con cũng có thu nhập tốt. Vào mùa khô, một số cây màu trồng trên nền rạ LMN cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao, ví dụ, trên diện tích 1.000m2, kiệu có thể cho lợi nhuận 24,3 triệu đồng, ớt 16,5 triệu đồng, bí hồ lô khoảng 4,8 triệu đồng, khoai mì 3,1 triệu đồng..., vì thế rất nhiều hộ quyết gắn bó với LMN”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.