Hơn 100 thí sinh đại diện cho ND 15 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc sẽ tham gia tranh tài hiểu biết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc là nơi tập trung nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống. Chính vì vậy, một trong những điểm nhấn của Hội thi “Nhà nông đua tài” khu vực này là những tiết mục văn nghệ đậm sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Mặc dù ngày 4.9 mới chính thức khai hội, nhưng từ ngày 2.9 nhiều đoàn từ các tỉnh miền núi xa xôi đã có mặt tại TP.Bắc Giang.
|
Cả ngày 3.9, đội thi “Nhà nông đua tài” Hội ND tỉnh Sơn La tranh thủ luyện tập để chuẩn bị tốt cho ngày khai hội 4.9. |
Ôn lời thoại trên ô tô
Đoàn Lai Châu là một trong những tỉnh có mặt tại thành phố Bắc Giang sớm nhất. Đoàn có 10 người, trong đó có 6 thí sinh xuất phát từ 7 giờ 30 sáng 2.9, vượt hơn 700km qua nhiều tỉnh, thành phố và về tới TP.Bắc Giang lúc 7 giờ. Theo bà Vũ Thị Liên- Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Lai Châu thì 1 ngày rong ruổi trên đường, các thí sinh tuy rất mệt nhưng vẫn cố gắng ôn tập lại một số nội dung thi.
Thí sinh của đoàn Lai Châu được chọn lựa từ những cá nhân xuất sắc thông qua Hội thi “Nhà nông đua tài” cấp tỉnh. Cảm phục nhất là thí sinh Pờ Nhù Ngọc (29 tuổi, dân tộc Mông) đến từ huyện Mường Tè, cách thị xã Lai Châu hơn 200km. “Để tập luyện và vượt hàng trăm cây số đến với hội thi, bản thân tôi đã phải rất cố gắng, nhưng trên hết, tôi được sự cổ vũ, động viên và khuyến khích của chồng…”- Ngọc tâm sự.
Cùng với Lai Châu, đoàn “Nhà nông đua tài” tỉnh Sơn La cũng là địa phương có mặt tại TP. Bắc Giang vào ngày 2.9. Nghỉ ngơi 1 buổi tối, ngay sáng 3.9 các thí sinh của đoàn Sơn La đã bước vào tập luyện các nội dung để chuẩn bị bước vào hội thi một cách tốt nhất.
Anh Lèo Văn Tình - Đội trưởng “Nhà nông đua tài” tỉnh Sơn La thổ lộ: “Trên đường từ Sơn La về Bắc Giang, anh chị em trong đội vẫn phải nhẩm lại lời thoại, lời diễn ở một số nội dung thi như “Lời chào nông dân”; “Tài năng nông dân”… Có thể nói, dịp 2.9 năm nay thật đáng nhớ khi chúng tôi đón Tết Độc lập trên đường đi thi…”.
Đề cao tinh thần giao lưu, học hỏi
Hội ND Tuyên Quang cũng là đơn vị đưa thí sinh đến Bắc Giang từ sớm. Cũng như tỉnh Lai Châu, đoàn 9 thí sinh của Hội ND tỉnh Tuyên Quang được lựa chọn từ những gương mặt nổi trội tại Hội thi “Nhà nông đua tài” cấp tỉnh vừa được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua.
Trong số các thí sinh của đoàn Tuyên Quang có anh Ma Văn Quản, dân tộc Tày đến từ xã Bình An của huyện mới thành lập Lâm Bình. Để tham gia hội thi cùng đoàn Tuyên Quang, anh Quản phải trải qua 10 tiếng đồng hồ đi xe khách với quãng đường hơn 150km từ huyện Lâm Bình về TP.Tuyên Quang.
Ông Lâm Văn Việt- Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Hội thi “Nhà nông đua tài” được nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức từ cấp xã, cấp huyện. Tại những hội thi tổ chức tại cấp xã không khí rất vui, bà con kéo đến xem và cổ vũ rất đông, coi là “món đặc sản” của Hội ND…”.
Hội thi “Nhà nông đua tài” toàn quốc lần thứ III khu vực 1 diễn ra trong ngày 4.9. 15 đội thi chia làm 2 bảng A, B tranh tài ở 4 phần thi, trong đó phần thi diễn ra vào buổi tối 4.9 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PTTH tỉnh Bắc Giang và được truyền dẫn đồng thời tại Đài PTTH của 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực miền núi phía Bắc phần lớn là các địa phương chậm phát triển, đời sống ND còn khó khăn, dân trí chưa cao. Tuy nhiên, trước khi chính thức bước vào hội thi, các thí sinh đều rất tự tin với những kiến thức đã được học và tập luyện.
“Tại địa phương, bên cạnh công việc của 1 chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp tôi còn là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND thị trấn Mường Tè. Câu hỏi của hội thi đưa ra có nhiều kiến thức mới, nhưng cũng có nhiều kiến thức mà tôi đã biết, đã áp dụng. Tôi và các thí sinh khác trong đoàn sẽ nỗ lực hết mình với tư cách là đại diện cho ND của tỉnh Lai Châu…”- chị Pờ Nhù Ngọc thổ lộ.
Theo ông Sùng Chứ Thếnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên thì địa phương không đề ra mục đích “giật giải” tạo áp lực cho thí sinh mà tạo không khí động viên, khuyến khích các thí sinh nỗ lực hết mình với tinh thần giao lưu, học hỏi…
Theo thông tin từ bà Leo Thị Lịch - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang, Phó ban tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài” toàn quốc lần thứ III khu vực 1, công tác chuẩn bị cho hội thi đã sẵn sàng. Hơn 230 đại biểu T.Ư và 15 đoàn “Nhà nông đua tài” của 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã được bố trí nơi ăn ở chu đáo, an toàn. Những nội dung công việc như trang trí khánh tiết; cơ sở vật chất và an ninh trật tự phục vụ hội thi đều đã hoàn tất vào cuối giờ chiều 3.9, sẵn sàng cho hội thi khai diễn vào sáng nay 4.9.
Nguyễn Công
Thi trên sân nhà vẫn lo sân... khấuTrong không khí khẩn trương trước ngày hội thi, những thành viên của đội Bắc Giang cũng hồi hộp không kém các đội bạn dù là chủ nhà đăng cai. Theo chị Hoàng Thị Hòe (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, Bắc Giang), đội đã tập hợp và luyện tập được gần 20 ngày. Tuy nhiên, sân khấu mà đội tập luyện chỉ là trên sân nhỏ, vì thế với chị Hòe, đứng trên sân khấu của cuộc thi quốc gia nên vẫn lo lắng và hồi hộp.
Mang “cao nguyên đá Đồng Văn” đi thi
Dự hội thi lần này, đội Hà Giang có 10 thành viên được coi là cơ cấu cân bằng nhất về… giới: 5 nữ, 5 nam. Những thành viên bao gồm đại diện các dân tộc anh em sinh sống trên trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Bên cạnh nhiều đặc sản sẽ được đội giới thiệu trong hội thi như chè, cam, thảo quả… lần này đội Hà Giang còn mang theo 3 bức ảnh lớn là những địa danh, địa hình đặc trưng của đất Hà Giang: Ảnh cột cờ Lũng Cú, kích thước 1,2x2,5m; 2 bức ảnh ruộng bậc thang và cao nguyên đá Đồng Văn, kích thước 1,8x2m. Được biết, các thành viên trong đội không quá say xe nhưng, theo cách nói dí dỏm của ông Triệu Quốc Lương - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Giang thì cũng có vài ba trường hợp “lử đử”.
“Lỡ hẹn” với na Chi Lăng
Trong màn chào hỏi tham dự hội thi, đội Lạng Sơn đã chuẩn bị giới thiệu nhiều đặc sản của quê hương như hoa hồi, mận, đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng. Trước khi lên đường đi Bắc Giang, đội dự định mua na Chi Lăng vì bây giờ đang chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, dọc đường đi, dù dừng chân tại nhiều địa điểm để hỏi mua na chín nhưng không mua được vì na đã được bán trọn gói cho các thương lái. Dù năm nay na Chi Lăng được mùa, được giá nhưng đáng tiếc đội thi Nhà nông đua tài của Lạng Sơn lại lỡ hẹn thưởng thức đặc sản của chính quê hương mình.
Thưởng thức Tết Độc lập trên ô tô
Ngày 2.9 đồng bào dân tộc Mông ở nhiều địa phương Sơn La tổ chức ăn Tết Độc lập. Dù là người dân tộc Thái nhưng chị Lâm rất thích được thưởng thức không khí ngày tết của đồng bào Mông. Tuy nhiên, đúng sáng sớm ngày 2.9 đoàn Sơn La đã di chuyển về Bắc Giang để dự thi, vì thế cả đoàn vừa ngồi trên ô tô vừa thưởng thức không khí Tết Độc lập.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.