Nhà sản xuất tua-bin gió số 1 thế giới nhận hàng từ Bà Rịa - Vũng Tàu

Tường Thụy Chủ nhật, ngày 14/04/2024 17:00 PM (GMT+7)
Nhà máy tháp điện gió lớn nhất Đông Nam Á tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) của Công ty CS Wind vừa giao hàng cho Siemens Gamesa để sử dụng cho một dự án điện gió ngoài khơi Hàn Quốc.
Bình luận 0

CS Wind của Hàn Quốc – tập đoàn sản xuất các tháp điện gió hàng đầu Hàn Quốc – làm lễ khánh thành nhà máy mới có vốn đầu tư hơn 70 triệu USD tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ vào ngày 13/3. Công ty vừa xuất xưởng 10 tháp điện gió công suất 10 MW mỗi tháp được sản xuất tại nhà máy; những sản phẩm đặc biệt và chuyên dụng này đang được vận chuyển đến khu vực thi công dự án điện gió Jeonnam 1 nằm ngoài khơi tỉnh Jeonnam phía Tây Nam Hàn Quốc.

Nhà sản xuất tua-bin gió số 1 thế giới nhận hàng từ Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

10 tháp điện gió sản xuất tại CS Wind Việt Nam ở Bà Rịa - Vũng Tàu được bàn giao cho Siemens Gamesa ngày 12/4/2024. Ảnh: TTXVN

Lô hàng này nằm trong gói hợp đồng cung ứng của CS Wind cho Siemens Gamesa, nhà sản xuất tua-bin gió ngoài khơi số 1 thế giới, trong hợp đồng của Siemens Gamesa cung cấp tua-bin điện gió cho Dự án Jeonnam 1.

Theo hợp đồng cung cấp tháp gió ngoài khơi trị giá gần 3,4 tỷ USD ký với Siemens Gamesa cuối năm 2022, CS Wind sẽ cung cấp tháp gió cho Siemens Gamesa từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2030 để thực hiện nhiều dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều nước châu Âu, Mỹ và châu Á. Theo hợp đồng, nguồn cung của CS Wind đến từ các nhà máy của CS Wind tại Việt Nam và Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, lô hàng đầu tiên là 10 tháp đã được bàn giao cho Siemens Gamesa trong tháng 4 này.

Ông Radoslaw Rams, Giám đốc Quản lý dự án ngoài khơi khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Siemens Gamesa, nhận định nhà máy sản xuất tháp tuabin CS Wind Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi của Siemens Gamesa, không chỉ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu.

ông Ryan Colbeck, Giám đốc Dự án Jeonnam 1, ông Stuart Livesey – Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch tại Việt Nam, và bà Lê Thị Phương Nhi – Giám đốc điều hành Công ty Siemens Gamesa Việt Nam cũng có mặt tại sự kiện giao hàng tại nhà máy CS Wind Việt Nam.

Danh sách khách hàng quốc tế lớn của CS Wind có thể sẽ gồm CIP vì đại gia" Bắc Âu này đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn CS Wind với khả năng CS Wind có thể trở thành nhà cung cấp cho hạng mục tháp gió và móng tua-bin cho Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn tỉnh Bình Thuận, và có thể sẽ hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi khác của CIP tại Việt Nam.

CS Wind đã khẳng định vai trò đối tác tin cậy, sản phẩm được giao hàng đúng hạn với chất lượng cao và tạo sự hài lòng với việc đảm bảo an toàn trong toàn bộ quá trình sản xuất của CS Wind Việt Nam.

Công ty mở nhà máy đầu tiên tại KCN Phú Mỹ 1 năm 2003. Tuy nhiên, do nhu cầu mua trụ điện gió của thế giới liên tục tăng, "ông lớn" Hàn Quốc này phải tiếp tục xây nhà máy mới với vốn đầu tư 70 triệu USD cạnh bên để sản xuất các tháp điện gió cho khách hàng quốc tế.

Nhà sản xuất tua-bin gió số 1 thế giới nhận hàng từ Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Nhà máy tháp điện gió của CS Wind tại thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: CS Wind

Như vậy, đây là nơi sản xuất tháp điện gió lớn nhất Đông Nam Á, theo CS Wind từ Hàn Quốc. Công suất nhà máy mới là 120 ống tháp gió/tuần, gồm tối đa 10 ống có đường kính 10m, nặng khoảng 450 tấn/ống. Nhà máy đầu tiên sản xuất ống có đường kính tối đa chỉ 7-7,5m.

Ngoài Siemens Gamesa là công ty sản xuất tua-bin gió ngoài khơi số 1 thế giới, các khách hàng khác của CS Wind gồm những tên tuổi hàng đầu khác như Vestas, GE và Goldwind.

Dự án điện gió ngoài khơi Jeonnam 1 là liên doanh giữa tập đoàn lớn của Hàn Quốc là SK E&S với Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch, nhà đầu tư lớn nhất thế giới về các dự án năng lượng tái tạo, cũng là nhà phát triển dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới.

Dự án Jeonnam 1 có công suất 99 MW sẽ trở thành trang trại điện gió ngoài khơi quy mô thương mại đầu tiên của Hàn Quốc, theo kế hoạch sẽ đi vào vận hành trong năm 2024 để cung cấp điện (nguồn carbon thấp) cho khoảng 60.000 hộ gia đình Hàn Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem