Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam gặp "bão giá" vật liệu: Có "vỡ trận" thi công?

Thế Anh Thứ sáu, ngày 12/08/2022 14:29 PM (GMT+7)
Giá xăng dầu đã giảm liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhưng giá vật liệu xây dựng vẫn chưa được điều chỉnh khiến các nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Kỳ vọng giảm giá nguyên vật liệu rất khó

Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam gặp khó khăn, vướng mắc do phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá vật liệu và đang mong ngóng từng ngày được sớm tháo gỡ, điều chỉnh giá. Từ "bão giá" vật liệu đã đẩy một số nhà thầu rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", càng làm càng lỗ, nếu dừng thi công lại bị phạt hợp đồng.

Tọa đàm: "Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt bão giá" với góc độ doanh nghiệp là nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho rằng: "Việc kỳ vọng giảm giá nguyên vật liệu rất khó".

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam gặp "bão giá" vật liệu có "vỡ trận" thi công - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu bị ảnh hưởng từ giá vật liệu. Ảnh: Thế Anh

"Cienco 4 đang thực hiện thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cao tốc Bắc - Nam. Hôm qua, đơn vị còn phải ký hợp đồng tăng giá vật liệu vì khan hiếm vật liệu", ông Thọ nêu ra lý do giá vật liệu khó giảm.

Theo ông Thọ, một số mỏ các nhà thầu phải tranh nhau mua nguyên vật liệu trong khi lại bị ép tiến độ thi công, các nhà cung cấp vật liệu nhân cơ hội đó cũng không giảm giá. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến vật liệu tăng giá do lực lượng chức năng siết quy định tải trọng xe.

Vấn đề khan hiếm vật liệu, báo chí đã đưa tin rất nhiều, các địa phương cũng bàn giải pháp nhưng đến nay chưa có hiệu quả. Cần phải có biện pháp tháo gỡ quyết liệt hơn.

"Vật liệu là nguồn tài nguyên của đất nước lại giao cho một số chủ mỏ, nếu giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam không có cách làm tốt cũng sẽ bị vỡ trận", ông Thọ lo ngại về dự án cao tốc Bắc - Nam vỡ trận.

Phân tích về thực trạng các công trình xây dựng đã nhiều lần gặp "bão giá" vật liệu xây dựng, nhưng có phương án chưa xử lý được những bất cập, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chỉ ra vấn đề: "Năm 2007, 2008 đã gặp "bão giá" vật liệu xây dựng nặng nề".

"Tôi nhớ có giải pháp quyết liệt và thành công là Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng - lúc đó là Bộ Xây dựng ra một Nghị quyết đặc biệt điều chỉnh khoảng 7 - 8 loại giá vật liệu quan trọng để gỡ khó khăn cho nhà thầu", ông Chủng kể lại.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam gặp "bão giá" vật liệu có "vỡ trận" thi công - Ảnh 2.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam. Ảnh: Báo GT

Theo ông Chủng, nhà thầu muốn làm thì phải có tích luỹ. Muốn tích luỹ thì phải tổ chức khoa học trên công trường, làm rất nhiều việc để đưa dự án về đích sớm nhất, từ đó có lợi nhuận nhất định để tái đầu tư vào trang thiết bị kỹ thuật, tái đầu tư vào con người.

Khi gặp vật tư vật liệu khó khăn, đơn giá phải bù vào đã đành, tiến độ lại chậm. Đây là hình ảnh rõ ràng khiến nhà thầu không thể tái đầu tư để mình thực sự vươn lên. Điển hình là một số tập đoàn xây dựng mạnh của giao thông những năm trước đây hiện nay không còn bóng dáng mà đã xuất hiện nhà thầu khác.

Ông Chủng phân tích, nguyên nhân vì sao?, Có phải đây đều là những công ty năng lực có hạn hay ảnh hưởng những vấn đề khác? Nhãn tiền chính là khó khăn quá nhiều, nhà thầu làm nhưng giá cả thay đổi, tăng rất nhiều. Ký hợp đồng vật liệu 10 nghìn nhưng giá hiện tại 15 nghìn. Lấy 5 nghìn ở đâu ra để bù lại? Từ đây, nhà thầu không có khả năng tích tụ, nâng cao năng lực.

Nhiều nhà thầu thời gian qua không đầu tư thiết bị mới. Chuyên gia giỏi không còn thấy giao thông hấp dẫn và họ tìm những nơi khác có điều kiện thu nhập cao hơn để làm.

"Tôi nghĩ những đơn vị mạnh của ngành giao thông vừa qua suy giảm sức lực cạnh tranh thì nguồn gốc chính là không có điều kiện, cơ hội để tăng nguồn lực con người, trang thiết bị để tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hiện nay" ông Chủng đánh giá.

Cần tách một số nhóm vật liệu chính bị biến động lớn

Chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp giao thông, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD (Bộ GTVT) đánh giá, thời gian vừa qua, các nhà thầu tham gia các dự án giao thông, nhất là các dự án cao tốc đã có những nỗ lực để hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Tuy nhiên, các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam chịu ảnh hưởng liên tiếp từ dịch Covid-19, bão giá vật liệu, khi đã đủ điều kiện giải quyết được vấn đề vật liệu thi công thì lại bị ảnh hưởng tiếp bởi thời tiết. 

Ngay từ giai đoạn đầu khi có biến động về giá thép, trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, Cục QLXD đã có văn bản yêu cầu các Ban QLDA, các nhà thầu thống kê lại tình hình biến động giá thép. Trên cơ sở đó, Cục cũng đã tổng hợp báo cáo Bộ GTVT, có văn bản gửi Bộ Xây dựng tổng hợp về tình hình biến động giá thép trong giai đoạn đầu năm 2021...

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam gặp "bão giá" vật liệu có "vỡ trận" thi công - Ảnh 3.

Vật liệu làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công của các Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Thế Anh

Hiện nay, có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu hàng quý. Một số địa phương đã thực hiện tốt công bố giá vật liệu bám sát biến động thị trường.

Chỉ số phản ánh đúng thực tiễn là vấn đề rất quan trọng. Bộ GTVT cũng đề xuất 2 giải pháp: công bố giá phản ánh đúng thực tiễn, nếu được thì có thể xem xét tách công thức giá, không công bố giá bình quân cho cả hợp đồng nữa mà tách ra một số nhóm vật liệu chính bị biến động lớn.

Theo ông Tiến, quy định về bất khả kháng thì tình trạng biến động giá bất thường không được coi là bất khả kháng. Thế nên, hiện nay chưa có định nghĩa thế nào là biến động giá bất thường. Tuy nhiên, về điều chỉnh, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã có phương pháp bù trừ trực tiếp, nhưng hướng dẫn thực hiện đầy đủ còn ở mức hạn chế.

"Các nhà thầu cần nâng độ chuyên nghiệp khi tham gia đấu thầu, trong nghiên cứu hồ sơ thầu và đàm phán, thương thảo hợp đồng", ông Tiến góp ý tới các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam.

Ông Tiến cho rằng: "Khi nghiên cứu hồ sơ thầu cần có thắc mắc, đề nghị với bên mời thầu, khi đàm phán hợp đồng có thể đàm phán với bên mời thầu để áp dụng phương pháp điều chỉnh giá phù hợp".

Trước khi ký hợp đồng có quy định nghiên cứu hồ sơ mời thầu và đàm phán hợp đồng. Nhưng các nhà thầu chưa xem xét kỹ lưỡng, chặt chẽ đã ký hợp đồng theo phương pháp điều chỉnh như vậy. Còn về phương pháp thì theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã khá đầy đủ, chỉ riêng phương pháp bù trừ trực tiếp là chưa có hướng dẫn chi tiết.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Đặng Hoài Nam - Trưởng phòng Định mức và Đơn giá, Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng khẳng định: "Ngay từ khi xảy ra "bão giá", Bộ Xây dựng đã thực hiện các giải pháp như tổ chức hội nghị trực tuyến, làm việc với đại diện các chủ đầu tư, các ban quản lý, đơn vị nhà thầu của các hiệp hội, và các địa phương về việc thực hiện trách nhiệm, chức năng quản lý của địa phương, chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành trong quản lý chi phí vật tư xây dựng cũng như định mức và đơn giá.

Bộ Xây dựng cũng thực hiện công bố chỉ số giá vật liệu vào các thời điểm xảy ra tình trạng "bão giá" từ năm đầu 2021 và thời điểm đầu năm 2022. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn địa phương về nghiệp vụ khảo sát, thu thập dữ liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình…

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục tình trạng chậm ban hành công bố giá vật liệu, chỉ số giá tại địa phương. Hiện nay, có 44 địa phương công bố giá theo tháng; 19 địa phương công bố theo quý.

Việc công bố giá và chỉ số giá của các địa phương được thực hiện theo nhiệm vụ, chức năng quản lý Nhà nước về chi phí đầu tư, và đã được làm từ nhiều năm nay trước khi có quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc công bố này được quy định theo từng thời kỳ và tần suất, chẳng hạn theo tháng, quý hoặc khi có biến động trên thị trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem