Hoàng Nhuận Cầm không phải mẫu đàn ông bóng bẩy. Cầm bình dị, mộc mạc. Nhưng Cầm luôn tự tin trong thế giới mỹ từ của mình. Chấp gì cái sự khoe mẽ bề ngoài, Cầm có riêng một vẻ đẹp lúc nào cũng có thể phát lộ. Đó là thơ.
Ngôn từ của anh luôn đẹp, mỹ lệ dù viết về chủ đề gì. Không quá rối rắm trong tầng lý luận này, lớp minh triết kia, hoặc cầu kỳ chiết tự chữ nghĩa... thơ Cầm tạo sự rung cảm nhờ nhạc tính và sự bung nở của con chữ. Từ ngữ dùng vừa mức thì đủ ngân vang, dễ nhớ, dễ cảm, dùng quá liều sẽ trở thành sáo ngữ. Thế mới khó! Giống như trong hội họa có những màu sắc dùng rất khó. Tài hoa thì bức họa đầy cá tính, kém tài thì nó thành bức trang trí báo tường loè loẹt. Cầm đi giữa ranh giới đó một cách xuất sắc.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
"Kiểu thơ" của anh một thời bị "copy" nhan nhản trong giảng đường sinh viên, rất phù hợp để hào sảng và say đắm đọc trong những đêm thơ, những nhóm thơ... Nhiều người làm thơ hay nhưng chủ yếu chỉ đọc bằng mắt, khó thù tạc, ngâm vịnh. Thơ Cầm đạt được cả hai cách.
Có một chuyện thế này: Trong đêm thơ Giảng đường Lê Thánh Tông kỷ niệm Ngày thành lập khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội cách đây gần 20 năm, có hai nhân vật "quấy" sân thơ, hai người bạn, hai "trường phái" thơ khác nhau: Hoàng Nhuận Cầm và Lâm Huy Nhuận. Thơ Cầm vang ra ngoài, Thơ Nhuận lại thẳm vào trong.
Lúc Cầm đang "lên đồng" trên sân khấu, Nhuận lặng lẽ chui vào trại của sinh viên chấp nhận "sự thua thiệt": "Thơ Cầm hợp, chứ thơ anh chịu, không đọc to thế được". Rồi thi sỹ con trai Yến Lan lặng lẽ mở bàn tay búp măng của một nữ sinh viên tươi tắn, nắn nót chép vào đó vài câu thơ gan ruột... mặc kệ ngoài kia, Hoàng Nhuận Cầm đang hâm nóng màn sương lạnh bằng sự da diết: "Em thấy không tất cả đã xa rồi..."...
Cầm là một trong số không nhiều thi sỹ có nhiều "fan cuồng" là các nữ sinh. Các cuốn sổ tay một thời nữ sinh thút thít chép thơ anh giờ dẫu có úa vàng và các nàng đã có chồng thì những bài thơ vẫn còn xanh.
Cầm là con trai nhạc sỹ nổi tiếng ở phố cổ Hàng Bạc - Hoàng Giác. Thơ anh luôn có vẻ óng ả từ đời sống thị thành. Nó có cái nét "tiểu tư sản" của mấy cậu ấm phố được chiều chuộng.
Sau này vào chiến trường, làm bạn với Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn... thơ Cầm vẫn sáng lên một màu phố xá. Nó vượt lên mùi khét của bom đạn, của những vạt rừng cháy, sôi sục chí trai nhưng vẫn hồn nhiên một thời phố cổ "chơi bi đánh đáo". Sau này, thơ Cầm "triết" hơn, "đằm" hơn thì vẫn không ngừng tung tẩy những mỹ từ...
Cầm ít cáu nhưng khi nào đuôi mắt khẽ rần rật là biết ngay anh đang khó chịu. Đôi mắt đó thường giúp Cầm "đọc" trước mọi việc để cho não bộ hoạt động mà điều khiển lời nói. Cầm là người hoạt ngôn. Anh nói một việc đã cũ mèm nhưng vẫn thấy thú vì ngôn ngữ có sự độc đáo và hài hước.
Cầm có một phẩm chất mà giới nghệ sỹ nhiều khi không mấy coi trọng: Đó là sự đúng hẹn và chịu khó đọc, nghe người khác. Không giống nhiều nhà thơ chỉ thuộc và yêu thơ mình, anh thuộc thơ bạn bè không kém thơ mình. Vốn liếng thơ đó có lợi khi anh thực hiện các chương trình phát thanh cần có thơ đồng hành hoặc những chuyên mục bình thơ các báo...
Nhiều người làm thơ chỉ hợp một mùa. Mùa khác không có cảm xúc, làm không nổi. Cầm thuộc nhóm nhà thơ xúc cảm cả bốn mùa. Và bất luận là mùa nào thì nó vẫn cứ rực lên một màu cảm xúc chói gắt. Cái màu đó, tôi gọi là "Màu Cầm" - cho đến giờ vẫn còn thổn thức trong nhiều cuốn sổ thơ nữ sinh dù nhà thơ cũng đã qua rồi tuổi hoa niên trong trẻo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.