Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đối xử đàng hoàng với thơ

Thứ tư, ngày 06/11/2013 09:49 AM (GMT+7)
Ngày 7.11 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà thơ Hồng Thanh Quang sẽ tổ chức đêm thơ nhạc “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” nhân dịp ra mắt 2 tập thơ “Nỗi buồn tốc ký”.
Bình luận 0
Nhà thơ trò chuyện với phóng viên NTNN nhân sự kiện này.

Thời buổi này mà anh ra một lúc 2 tập thơ “Nỗi buồn tốc ký” dày 800 trang như một bộ tiểu thuyết, lại in ấn rất sang trọng, nhiều người nói vui hoặc anh định chơi ngông hoặc vì anh quá mê đắm vì thơ?


- Năm nay thực ra tôi chưa có ý định ra thơ vì nhiều việc bận, thơ viết trên mạng thì nhiều lắm nhưng cảm hứng cũng có phần xô bồ, chưa có thời gian sắp xếp lại. Tự nhiên có một hôm bạn bè ngồi với nhau bảo sao lâu lắm rồi ông chưa ra tập thơ nào, thôi phải ra thơ đi.

Thấy mọi người nhiệt tình, tôi mới gật đầu, theo thông lệ thì mỗi tập thơ chỉ tầm 200-300 trang nhưng đến khi tập hợp lại bản thảo thì thấy nhiều quá. Tốc độ viết trên Facebook quá nhiều, chọn ra được khoảng gần 400 bài, ra tập “Nỗi buồn tốc ký” 1, rồi sau đó bạn bè ngồi với nhau lại bảo muốn tìm đọc lại những tác phẩm trước của tôi mà không biết ở đâu, hay ông tuyển lại những tác phẩm cũ, làm một tập đi. Thế là có tập 2 của “Nỗi buồn tốc ký” 2, tổng cộng 2 tập lên tới 800 trang in.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong buổi giới thiệu 2 tập thơ “Nỗi buồn tốc ký”.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang trong buổi giới thiệu 2 tập thơ “Nỗi buồn tốc ký”.

Thực ra khi tập hợp bản thảo, thấy nhiều bài cũng được, cảm giác nó có ích cho độc giả nên tôi mới quyết tâm làm. Tập thơ này của tôi làm rất trang trọng, trình bày công phu, vì nói như Sekhop, một người đẹp thì phải đẹp cả tâm hồn lẫn hình thức, cả ý nghĩ, cả hành động. Họa sĩ Văn Sáng là giám đốc mỹ thuật của bộ sách này.

Và vì đã cho ra mắt 2 tập thơ công phu như vậy nên phải chăng từ đó anh mới có ý tưởng làm một đêm ra mắt cho xứng tầm?

- Đúng là đến khi ra sách rồi thì lại nghĩ, tại sao không có một buổi để giới thiệu sách, bạn bè tôi đông lắm, những người tôi yêu quý cũng đông, những người tôi muốn cảm ơn thì cũng nhiều. Mà làm ở Hà Nội thì chỗ xứng đáng nhất, đẹp nhất chỉ có Nhà hát Lớn, thế nên quyết tâm làm đêm thơ nhạc “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” tại đó.

Thực ra đây không phải một sự khoa trương, tôi đến tuổi này rồi thì thêm một tý, bớt một tý cũng chả có ý nghĩa gì cả. Tôi cũng không định chứng minh gì đâu, nhưng chỉ muốn là mọi người hiểu một điều, ngay cả trong tình hình kinh tế rất khó khăn này vẫn có thể chắt bóp các nhu cầu, chi tiêu, huy động các nguồn lực khác nhau để chúng ta có một cách đối xử đàng hoàng với thơ. Nhiều người cứ nói thơ bây giờ thế này, thế kia, người nói lạm phát, người bảo mất mùa và thơ không đáng được tôn trọng như thế. Tôi thì không nghĩ thế, tôi muốn có một lễ ra mắt nó xứng đáng.

Nhưng thuê Nhà hát Lớn để tổ chức một đêm thơ nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ngôi sao, nếu không phải là người mạnh về tài chính chắc không làm nổi?

- Không phải vì tôi nhiều tiền, tôi cũng như mọi người thôi, tôi là một nhà thơ, nhà báo sống bằng nhuận bút, làm ăn chân chính thì chả bao giờ nhiều tiền, nhưng tôi đủ sống. Đêm thơ nhạc sắp tới chắc chắn sẽ rất khiêm nhường nhưng không kém phần trang trọng vì trong thâm tâm tôi đối xử với thơ cũng như đối xử với người mình yêu, lúc nào cũng phải đàng hoàng. Dù hoàn cảnh kinh tế của tôi khó khăn, phải chắt bóp vì nguồn lực làm đêm thơ này là nguồn nhuận bút để dành, trốn vợ lập “quỹ đen”, chứ không có nhà tài trợ treo logo trên phông màn. Ai đến đó sẽ thấy không có gì khoa trương cả, nó giản dị nhưng rất đẹp vì tình cảm của nhiều người góp tay vào đó.

Ngoài phần giới thiệu thơ thì sẽ có bài hát của các nhạc sĩ Phú Quang, Phú Ân, Đức Trịnh, An Thuyên, Quỳnh Hợp phổ thơ của tôi. Và tham gia chương trình có các NSƯT Quang Lý, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Ngọc Khang, Phương Anh, Tấn Minh, Tuấn Hiệp, Nhật Thủy, Đàm Vĩnh Hưng...

Nhiều người tò mò muốn hỏi, trong tiêu đề “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” thì “em” ở đây có phải là một bóng hồng nào đó?

- “Em” ở đây không chỉ là phụ nữ, tôi chỉ muốn trình bày đam mê của mình với đời sống. Làm gì cũng cần có sự xả thân cho cái mình tin là đúng, cái mình yêu là đẹp. Nghệ thuật bao giờ cũng cần sự dâng hiến, nghệ thuật không bao giờ là sự vơ vào. Tên chương trình tôi lấy một câu trong bài “Khúc mùa thu”: Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em.

Trong thời buổi người ta nói đến chữ tiền nhiều hơn là nhắc đến thơ, vậy mà anh bỏ ra một khoản tiền lớn để tổ chức một chương trình thế này, phải chăng muốn tác động đến suy nghĩ về nghệ thuật của xã hội?

“Càng về già tôi càng trở nên duy mỹ hơn, ngay cả chuyện ăn uống cũng vậy, mình không ăn được nhiều nên ăn thì phải chọn, chơi cũng không chơi được nhiều nữa nên đêm thơ nhạc sẽ được đầu tư rất kỹ”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang

- Tôi làm như thế này không phải để tác động, tôi cũng không có nhiệm vụ đó. Tôi nghĩ cái đẹp bao giờ cũng đầy sự bất lực, chả cứu rỗi được ai đâu nhưng đây là một sự mình thích, mình tin, là cảm hứng để cho mình làm. Nhóm thực hiện chúng tôi đã nói với nhau: Phải làm sao để chương trình này trang trọng nhưng khiêm nhường, làm sao để khi mọi người rời chương trình thì có thể quên Hồng Thanh Quang, quên Phú Quang, An Thuyên... quên tất cả các ca sĩ nhưng mọi người phải thấy thương yêu nhau hơn.

Chương trình này nó là sự bộc lộ tất cả trạng thái vừa vui buồn vừa đớn đau hạnh phúc của một tình yêu, của những người yêu nhau. Nó sẽ giúp cho những người yêu nhau hiểu, tha thứ và xót xa nhau hơn.

Chương trình mặc dù để ra mắt sách, nhưng không nhằm tôn vinh sách, cũng không tôn vinh nghệ sĩ, trong thời buổi hiện nay, sự an ủi, nương tựa vào nhau càng cần hơn bao giờ hết. Đó là sự nương tựa của chúng tôi với mọi người. Chung quy, đây là một chương trình được tổ chức rất dịu dàng, tử tế để tri ân tất cả.

Xin cảm ơn anh!
Mai An (thực hiện) (Mai An (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem