Nghe nói ông có ý định rời một trung tâm sôi động như TP.HCM để về quê?
- Không phải là về hẳn mà sẽ ở quê nhà nhiều hơn. Các con tôi đang trưởng thành, sẽ trông nom những công việc ở thành phố, rất nhiều công việc đang đợi tôi tại Nhà trưng bày Văn hoá Chăm Inrahani, cũng chính là nhà tôi ở Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Vì hành trình giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến đồng bào các dân tộc anh em còn dài lâu lắm!
Những năm qua, ông vẫn bền bỉ với con đường này, giờ đây có sự chuyển biến nào khác không?
- Nhiều năm qua, tôi đã dành thời gian nghiên cứu, viết sách về văn hóa Chăm với mong muốn cung cấp một cái nhìn bao quát tới thế giới bên ngoài. Nay vẫn công việc ấy, nhưng sẽ khác đôi chút là tôi hướng về việc tổ chức, giới thiệu các hoạt động, soạn thảo những sách văn hóa có tính phổ thông nhằm giúp đồng bào dân tộc Chăm nhanh chóng tiếp nhận để cùng giữ gìn nền văn hóa của dân tộc mình. Tôi muốn làm công việc ấy ở giữa quê hương mình, ngôi làng cổ hơn ngàn tuổi, nơi duy nhất còn đầy đủ những mẫu hoa văn thổ cẩm của người Chăm.
Tại đây, ông đã chuẩn bị cơ ngơi, điều kiện gì cho các công việc sau này?
- Những năm qua, trên diện tích nơi ở của mình khoảng 32x12m, tôi đã xây dựng và chia bốn phần bằng nhau gồm: 1. Phòng trưng bày, bảo quản gần trăm cuốn sách Chăm cổ, những sách của tôi và nhiều người khác nghiên cứu văn hóa Chăm, sáng tác bằng tiếng Chăm, nhiều tư liệu ảnh tháp Chăm và hơn 10 bức tượng mô phỏng những bức tượng Chăm nổi tiếng bằng đúng chất liệu đá sa thạch với kích thước 80% mẫu gốc; 2. Phòng trưng bày hơn 100 hiện vật gồm đồ dùng trong sinh hoạt và công cụ canh tác, săn bắn; 3. Phòng giới thiệu các loại khung dệt, hoa văn và hàng thổ cẩm cùng sản phẩm gốm các loại; 4. Cuối cùng là phòng đọc sách dành cho cộng đồng, hiện tôi đã tích luỹ được khoảng 5.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
|
Một góc trưng bày các hiện vật Chăm. |
Ông dự kiến vận hành không gian này thế nào để giới thiệu văn hóa dân tộc mình với khách tham quan, du khách và bạn bè phương xa?
- Từ tháng 9.2010 – tháng Katê, nhà trưng bày đã khai trương và tôi vẫn duy trì thường xuyên việc giới thiệu này. Con trai tôi – Phú Tuệ Năng giới thiệu với các đoàn khách tham quan về các hiện vật và văn hóa Chăm. Vợ tôi và thỉnh thoảng còn có bà con xóm giềng nữa, thực hiện các hoạt động truyền thống như múa, dệt vải, kể chuyện...
Nhà thơ Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông là một nhà thơ gốc Chăm nổi tiếng của Việt Nam hiện nay. Inrasara đã 2 lần đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005.
Ngoài cuộc trưng bày giới thiệu về văn hóa Chăm tại Không gian Sáng tạo café Trung Nguyên dài 15 ngày vào năm ngoái tại Hà Nội thì chúng tôi cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc trưng bày lưu động. Một trong những mục tiêu hàng đầu của tôi là phục vụ, tạo không gian sinh hoạt, đọc sách cho đồng bào Chăm trong bối cảnh văn hóa dân tộc vẫn đang mai một.
Mải lo giới thiệu, quảng bá văn hóa, ông sẽ lấy nguồn kinh phí nào để duy trì lòng nhiệt tình này?
- Sẽ từ chính công việc lao động chữ nghĩa của tôi với những cuốn sách tôi viết, dịch, từ một số dịch vụ đáp ứng nhu cầu tối thiểu như nghỉ ngơi tại chỗ và ẩm thực Chăm. Mục tiêu là giới thiệu chứ không nhằm sinh lợi hay kinh doanh văn hoá nên thời gian qua tôi cũng đã được ủng hộ nhiệt tình về nguồn tư liệu. Tôi mới đặt vấn đề, NXB Kim Đồng hứa sẽ tặng một số sách thiếu nhi, Nhà sách Văn hoá Sài Gòn cũng đã hứa sẽ có sự tham gia bằng nhiều hình thức…
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thi (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.