Nhà thơ, nhà văn hiện nay có thể sống được bằng "ngòi bút" không?

Kỳ Sơn Thứ sáu, ngày 23/06/2023 07:52 AM (GMT+7)
Nhà văn, nhà thơ có thể sống được bằng con chữ không? Đó là điều ảnh hưởng đến việc duy trì và phát triển văn chương Việt trong đời sống hiện nay.
Bình luận 0

Thu nhập của văn chương, nghĩa là văn chương có thật sự là "nghề nghiệp" như ta thường gọi? hay hiểu trực diện hơn, người sáng tác văn chương có đủ sống bằng thu nhập mà tác phẩm, sản phẩm mình mang lại? Đây là câu hỏi có thể nói là "nhức nhối" đối với các nhà văn, nhà thơ Việt hiện tại.

Nhà thơ, nhà văn hiện nay có thể sống được bằng "ngòi bút" không? - Ảnh 1.

Tác giả bài viết - nhà thơ trẻ Trần Đức Tín tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 6/2022. Ảnh: Tác giả cung

Thử điểm qua mặt bằng chung nhuận bút các các báo, tạp chí hiện nay ta sẽ rõ. Trung bình một tác phẩm thơ đăng trên báo Đảng của các tỉnh, nhuận bút dao động ở mức 200.000 đồng đến 300.000 đồng, ở các tạp chí văn nghệ dao động từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/1 tác phẩm thơ. Đây là mặt bằng chung, tuy nhiên vẫn có một số tạp chí, báo trả "nhỉnh" hơn, nhưng số lượng không nhiều, có thể điểm trên đầu ngón tay như: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (750.000 đồng/bài thơ), Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc (1.000.000 đồng/bài thơ). Và cũng có những tạp chí rất "èo ọt" nhuận bút, đơn cử như Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam trả 100.000 đồng/bài thơ.

Sơ lược qua để thấy mặt bằng chung của thu nhập từ nhuận bút mà tác phẩm mang lại rất thấp, thậm chí là vô cùng thấp. Không dừng lại ở đó, đâu phải tác phẩm nào các nhà văn, nhà thơ viết đều được chọn đăng, để được chọn đăng còn tùy thuộc vào chất lượng và "gu" đọc, chọn của ban biên tập. Và cơ bản hơn, không phải ngày nào người sáng tác cũng tạo ra được tác phẩm. Vì sự đặc thù của văn chương, ngoài sự sắp xếp cơ hữu, cấu tạo khung, sườn, dàn ý,… cho tác phẩm còn tùy thuộc vào cảm xúc của người viết có đủ độ "chín" để khai sinh tác phẩm không.

Văn chương Việt cũng chứng kiến những cuốn sách, tác phẩm được viết trong thời gian khá dài, bộ "Cửa biển" được Nguyên Hồng viết hơn mười năm, Nguyễn Việt Hà viết xong "Cơ hội của Chúa" gần mười năm, hay "Khải huyền muộn" được nhà văn hoàn thành trong bảy năm, ngay cả tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác chỉ 133 bài thơ nhưng cũng phải mất ngót nghét 13 tháng mới hoàn thành.

Vậy có nghĩa là: Không phải ngày nào người sáng tác cũng cho ra được tác phẩm, và không phải tác phẩm nào cũng được đăng tải mang lại nhuận bút, thu nhập. Thế thì nhà văn, nhà thơ chúng ta sẽ sống bằng gì?

Nhà thơ, nhà văn hiện nay có thể sống được bằng "ngòi bút" không? - Ảnh 2.

Nhà văn Trần Chiến nhận giải trong cuộc thi của báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt. Ảnh: DV

Trở lại với thời điểm trước, nhận định của nhà văn Nguyễn Như Phong (Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân) như sau: "Giai đoạn cuối những năm 1960 cho đến khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, đa số nhà văn Việt Nam có thể sống một cách đàng hoàng với nhuận bút. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà văn đều phải có công việc tay trái, nếu như muốn theo đuổi nghiệp chữ nghĩa. Có thể nói, văn chương chỉ là một "cuộc chơi". 

Ông chia sẻ thêm về nhuận bút năm 1971: "Nhà nước trả cho sách văn học, tiểu thuyết được in có ba hạng, lần lượt là 2,3 đồng; 2,1 đồng và 1,7 đồng/100 chữ. Tác phẩm "Chuyện chép trên đường kháng chiến" được "ốp" mức nhuận bút hạng thứ hai, nghĩa là cứ 100 chữ thì được 2,1 đồng. Sau khi nhân với số trang thì tổng tiền mà tác giả được trả là hơn 1.000 đồng. Đây quả là một số tiền rất lớn, bởi lương của cha tôi lúc đó là khoảng 100 đồng/tháng mà nuôi được cả nhà với 6-7 miệng ăn. Với số tiền này có thể mua được 2 cây vàng lúc đó (tương đương khoảng 100 triệu đồng hiện tại), song giá trị có lẽ còn cao hơn nhiều. Bởi 2 cây vàng khi đó dư sức mua được một căn nhà "mặt phố", mà nếu để đến giờ thì giá trị của nó có lẽ phải lên đến 5-10 tỷ đồng chứ không phải chỉ là 100 triệu đồng nữa". (Bài đăng trên báo Công an Nhân dân 10/5/2021).

Và với thời điểm hiện tại, thời điểm của công nghệ số 4.0, trí tuệ nhân tạo AI và công dân toàn cầu hôm nay, điều kiện cơ bản về thu nhập để sống bằng con chữ của nhà văn, nhà thơ nước ta càng trở nên "thoi thóp" hơn.

Nhà thơ, nhà văn hiện nay có thể sống được bằng "ngòi bút" không? - Ảnh 3.

Nhà văn Tống Phước Bảo đạt giả nhất cuộc thi viết Sài Gòn – Thành phố tôi yêu do Báo Thanh Niên tổ chức. Ảnh: TN

Nhà văn Tống Phước Bảo là một cây bút sung sức về sáng tác, có tác phẩm được đăng tải nhiều và đều đặn trên các báo, tạp chí hiện nay, trả lời dứt khoát là: "Không" khi được hỏi những câu như "Nhà văn có thể sống bằng nhuận bút hay không?". Và những người cầm bút như chúng tôi cũng không có cách trả lời nào khác hơn.

Thử dẫn vài tư liệu về mức nhuận bút của các nhà văn nước ngoài hiện nay ta sẽ thấy rõ sự chênh lệch về thu nhập này. Năm 2018, Nhà văn Stephen King (Mỹ) với cuốn "Vùng chết" được trả khoảng 30 – 40 triệu đôla cho 4 quyển sách; nhà văn Mario Puzo (Mỹ) tác giả cuốn "Bố già" được nhà xuất bản ứng trước 3 triệu đôla cho một quyển sách mà ông chưa viết trang nào; và một cây bút mới như Layne Heath cũng được chào giá 300.000 đôla cho cuốn "Thượng sĩ nhất". Đây là một vài số liệu cách đây 5 năm, thời điểm này có lẽ đã tăng lên nhiều hơn (Theo Tạp chí Sông Hương).

Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số cuộc thi văn chương nước ta cũng có phần thay đổi đáng ghi nhận về tiền thưởng. Đơn cử như giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã cơ cấu được 30 triệu đồng/giải; Năm 2022, Tạp chí Sông Hương phát động cuộc thi Bút ký với giải nhất 20 triệu đồng; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM) trao giải Khởi nghiệp văn chương giải nhất 30 triệu đồng; Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức cuộc thi Truyện ngắn hay với giải nhất 30 triệu đồng, báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt có giải thưởng 50 triệu đồng với cuộc thi Làng Việt thời hội nhập… Đây là tín hiệu đáng mừng cho người viết.

Nhưng chúng ta không thể cứ trông chờ vào giải thưởng để làm thu nhập chính cho người viết, vì nó hoàn toàn không đủ và không liên tục, chỉ bấy nhiêu vẫn không thể đủ cơm ăn áo mặc cho người viết. Trong các hội nghị, tọa đàm hoặc có cơ hội trao đổi về đời sống văn nghệ sĩ, tôi vẫn phát biểu: "Bằng cách nào đó chúng ta phải có cơ cấu hẳn hoi, phải công bằng với người viết, với văn chương. Cái mà chúng tôi đang theo đuổi là nghề nghiệp, có thể nuôi sống bản thân bằng sản phẩm mình tạo ra. 

Và cần phải rõ ràng rằng, chúng tôi không xin xỏ hay cũng không cần sự ban ơn của các cơ quan nhà nước, mà đã đến lúc chúng ta nên sòng phẳng với nhau về văn chương, về người làm văn chương. Đã qua bao thế hệ người cầm bút rồi, có thể nào ta cứ ú ớ với người làm văn chương mãi ư?".

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem