Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời kịp thời khi công nghệ số phát triển chóng mặt"

Ngọc Linh Thứ ba, ngày 30/05/2023 16:06 PM (GMT+7)
"Khổ một nỗi, chúng ta không thể chống lại sự phát triển của xã hội được, phải thích nghi với nó như sống chung với lũ. Nhà văn phải sống chung với những thách thức để tạo nên những tác phẩm hay hơn nữa, đặc biệt là những tác phẩm dành cho trẻ em", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Bình luận 0

Nhà thơ Vũ Quần Phương: "Viết về những điều xấu xa nhất có khi lại giúp cho người ta rút ra được rất nhiều kinh nghiệm sống"

Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức công bố thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 – 2025.

Có mặt tại sự kiện, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có những chia sẻ về thách thức của những nhà văn, nhà thơ viết truyện cho trẻ em và những thách thức trong thời đại công nghệ số phát triển: "Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều những loại hình giải trí hấp dẫn. Trong bối cảnh công nghệ, kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay việc đọc sách ở trẻ em dường như ít đi.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời kịp thời trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ số" - Ảnh 1.

Lễ công bố thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 – 2025 diễn ra vào sáng nay (30/5). (Ảnh: Ngọc Linh)

Thời gian mỗi ngày vẫn chỉ có 24 giờ, nhưng thời gian trẻ em dành cho sách dường như ít hẳn so với trước đây. Các em dành mối quan tâm của mình cho những hoạt động hấp dẫn thú vị hơn. Và những giải thưởng như thế này xuất hiện một cách kịp thời, đúng lúc, khơi dậy hứng thú, cảm xúc cho nhiều người viết".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng nói thêm, những nhà văn hiện nay phải thực lòng chấp nhận một thách thức khó khăn khi đối mặt trước những loại hình giải trí hấp dẫn khác: "Khổ một nỗi, chúng ta không thể chống lại sự phát triển của xã hội được, phải thích nghi với nó như sống chung với lũ. Nhà văn phải sống chung với những thách thức để tạo nên những tác phẩm hay hơn nữa, đặc biệt là những tác phẩm dành cho trẻ em".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời kịp thời trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ số" - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Ngọc Linh)

Tiếp lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá đồng tình, trong bối cảnh hiện nay, từ môi trường giáo dục văn chương cho trẻ em cũng đang có nhiều sự thiếu sót, đi chệch hướng. "Tôi cũng làm trong môi trường giáo dục và vợ tôi cũng là giáo viên dạy văn. Tôi quan sát thấy một thực trạng rất buồn, đó là việc dạy văn trong các nhà trường đang bị chạy theo khuôn mẫu, ít quan tâm đến cảm xúc, lòng thương xót với con người, với thiên nhiên. Đa phần các em làm văn chỉ chạy theo các gạch đầu dòng, giáo viên chấm bài cũng chấm theo ý mà bỏ quên cảm xúc. Đó là một cách giết chết tâm hồn con trẻ".

Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá nhận định, xã hội ngày nay chỉ chăm chú chạy theo chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em mà quên mất rằng, chỉ số cảm xúc (EQ) cũng vô cùng quan trọng. "Sự thông minh quan trọng, tôi không phủ nhận. Nhưng sẽ thế nào khi những đứa trẻ thiếu đi lòng thương xót với con người, sự yêu thương đối với tạo vật. Tôi nghĩ rằng những người cầm bút, những nhà văn phải có sự quan tâm đến chuyện đấy".

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời kịp thời trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ số" - Ảnh 3.

Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá (thứ 3 từ trái sang) đã có nhiều chia sẻ thiết thực về việc giáo dục văn học trong nhà trường hiện nay. (Ảnh: Ngọc Linh)

Tại sự kiện, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương cũng có nhiều những chia sẻ thiết thực, những góc nhìn về văn học nói chung và văn học dành cho thiếu nhi nói riêng trong thời đại mới hiện nay.

Nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương cho rằng: "Nói văn chương "hoàn thiện con người" là lớn lao quá. Tôi hạ xuống một chút, văn chương có thể "thay đổi con người". Và bây giờ người ta lại càng nói đơn giản hơn, văn chương giúp con người "chấp nhận bản thân". Bởi vì khi ta biết chấp nhận bản thân, khi nào ta chấp nhận được bản thân ta sẽ tìm những điều tốt đẹp.

Thời gian gần đây, tôi đọc rất nhiều câu chuyện cảm động. Tôi lại luôn đặt ra những câu hỏi, rằng làm sao để con người ta có thể thương được kẻ mà mình ghét. Nếu mà "tu" được đến như vậy thì mới thành công. Thương người thân của mình thì dễ nhưng làm sao để thương được người mình ghét thì mới khó. Tính giáo dục và thực tế ở văn chương phải là như thế. Văn chương Việt Nam đang có một điểm vừa tốt mà lại vừa là hạn chế, đó là lý tưởng quá.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời kịp thời trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ số" - Ảnh 4.

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Ngọc Linh)

Văn chương luôn phải sát với thực tế và thực tế hiển hiện không thiếu những điều ngoại lệ, không thiếu những mặt trái. Có khi viết về những điều xấu xa nhất có khi lại giúp cho người ra rút ra được rất nhiều kinh nghiệm sống", nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ.

Thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi

Với mong muốn phát hiện thêm những cây bút mới viết cho thiếu nhi và các tác phẩm văn học mới, có chất lượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về con người, đất nước Việt Nam; được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng quyết định thành lập giải thưởng cho các sáng tác văn học dành cho thiếu nhi mang tên Kim Đồng. 

Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất được gắn với cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 – 2025, do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời kịp thời trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ số" - Ảnh 6.

Cuộc thi diễn ra tạo điều kiện cho các cây bút sáng tác chuyện thiếu nhi chuyên và không chuyên. (Ảnh: Ngọc Linh)

Hơn 65 năm qua, các tác phẩm văn học của Nhà xuất bản Kim Đồng đã nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp cũng như bồi đắp tâm hồn, nhân cách của nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam.

Giải thưởng Văn học Kim Đồng dành cho tất cả các cây bút chuyên và không chuyên, với ba thể loại: Truyện ngắn, truyện dài và thơ. Các tác phẩm dự thi hướng tới đối tượng nhi đồng (6 - 10 tuổi) và lứa tuổi thiếu niên (11 - 15 tuổi).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời kịp thời trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ số" - Ảnh 7.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng. (Ảnh: Ngọc Linh)

Hội đồng chung khảo gồm các nhà văn nổi tiếng có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi Việt Nam: Chủ tịch hội đồng, nhà văn Trần Đức Tiến và các thành viên: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Lý Lan, nhà thơ - Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên.

Tổng trị giá giải thưởng lên tới 360 triệu đồng. Thời hạn nhận tác phẩm từ 17/6/2023 đến hết ngày 31/3/2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem