Nhà thơ Tiểu Anh: Chữ nghĩa vận vào người, còn vẽ là giải tỏa
Nhà thơ Tiểu Anh: Chữ nghĩa vận vào người, còn vẽ là giải tỏa
Minh Thi
Thứ năm, ngày 09/12/2021 16:06 PM (GMT+7)
Là nhà thơ tự nhận hội họa chỉ là rẽ ngang, nhưng bất ngờ, Tiểu Anh có được một triển lãm đầy đặn và chín muồi cảm xúc, khi cô thể hiện tâm trạng và khao khát thoát ra khỏi những bức bối, ngột ngạt cùng khoảnh khắc đối diện sinh tử trong những ngày Sài Gòn giãn cách.
Triển lãm tranh "Theo đuổi những phiền toái" khai mạc tối 9/12 tại Rei Bar & Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM), kéo dài đến hết 26/12.
Tại đây, người xem có dịp thưởng thức những bức tranh ẩn chứa sự bùng nổ bên trong và cảm nhận tinh tế của nhà thơ Tiểu Anh về sự bức bối của con người trong không gian chật hẹp cùng cách thoát ra khỏi nơi chốn giam cầm cảm xúc đó bằng thứ ánh sáng nội tâm huyền ảo và thanh khiết.
Tiểu Anh, hay ng. anhanh là một nhà thơ, có tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Anh, sinh 1984 tại Sài Gòn. Cô đã sáng tác thơ được hơn 15 năm với các bút hiệu Tiểu Anh, Anh Anh…, và đã in một tập thơ song ngữ Đã là một phiền toái (2019) với bút hiệu ng. anhanh - bút hiệu không viết hoa. Hiện cô sống cùng chồng và con trai tại Sài Gòn.
Có thể nói ng. anhanh là một trường hợp "đẻ ngang hông" của làng mỹ thuật, vì bản thân trước đây không có ý định vẽ tranh, dù có một thời gian ngắn qua xưởng họa sĩ Lương Lưu Biên học vẽ.
Nhưng những tháng bị giãn cách vừa rồi, cô đã vẽ rất nhiều. "Tôi vẽ để bớt điên. Vì khi vẽ, tôi thấy mọi thứ nó thoát ra ngoài, nhẹ đầu; khác hẳn khi làm thơ, mọi thứ nó vận vào trong, thấy hơi nặng nề", cô chia sẻ.
Tiểu Anh nói thêm: "Những bức tranh này được vẽ trong thời gian Sài Gòn lockdown, trong khoảng thời gian thật sự kinh khủng, tôi vừa muốn nói lên những cảm xúc lúc đó, vừa muốn lánh xa chúng. Và thế là tôi bắt đầu bằng bộ tuýp acrylic mà chồng tôi mua về, nhưng không sử dụng. Cứ thế sự dẫn nhập, chạy trốn, theo đuổi liên tiếp diễn ra như một vòng lặp".
Tiểu Anh, hay ng. anhanh cũng giống nhiều nhà thơ khác từng mơ hồ giữa việc nghệ thuật là phương tiện giải quyết những rắc rối đời sống, những phiền toái của cảm xúc hay chính những thứ từng được cho là phiền toái kia lại là điều kiện cần để dẫn nhập vào nghệ thuật.
Sau một thời gian, cô nhận ra: "Nó không còn chỉ là một phương tiện để giải tỏa như lầm tưởng của bản thân ban đầu, mà trở thành một đích đến cho sự chỉn chu và nghiêm túc".
"Dần dần chúng từ lúc là phương tiện giải quyết phiền toái trở thành một sự phiền toái đầy mời gọi, con đường này cũng có thể ví như Alice lạc vào xứ sở thần tiên, đầy mộng mị, hồ nghi, rắc rối và hấp dẫn của sự trưởng thành về tâm thức".
Chia sẻ về mối liên hệ giữa thơ và họa, ng. anhanh thừa nhận: "Ai cũng một lần trong đời muốn tự mình vẽ nên một bức tranh và tôi cũng nằm trong số đông đó, nhưng tôi chưa từng có tham vọng trở thành một họa sĩ.
Nếu như đối với tôi thơ văn, chữ nghĩa là thứ "đi vào" vận vào người thì hội họa - ngôn ngữ hình ảnh, màu sắc lại là thứ "giải tỏa".
Tuy thơ và hội họa mục đích ban đầu của tôi là những phương tiện để giải tỏa cảm xúc cá nhân, nhưng tôi không muốn sử dụng chúng như một sự hời hợt, bỡn cợt, xuề xòa.
Từ đó, nó trở thành một cuộc theo đuổi nghệ thuật lúc nào không rõ", nữ thi sĩ cho biết.
Trong thơ, Tiểu Anh hình dung về một Sài Gòn tất bật, đông đúc, luôn chen chúc vội vã:
"Những giờ tan sở như hành hương
người nối đuôi dài nước chảy con đường
không về xứ Phật
Phật tại tâm
khi em nhớ về buổi chiều
lời chia tay hóa ra là hạnh phúc", hay suy tư:
"Phải chăng
chúng mình chẳng bao giờ có thể
lớn lên
vì oằn trên lưng
cõng
dăm thằng khổng lồ và hàng vạn nỗi đau",
Còn trong hội họa, dưới ánh sáng hắt ngược phản chiếu sự bình lặng trên bề mặt sôi sục của cuộc đời đầy những nghịch lý và những dồn nén của chuỗi ngày giãn cách là những nét cọ tối giản mà có thể trút bỏ được nỗi đau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.