Triển lãm tranh "Giấc mơ" chạm vào miền ký ức của bình yên
Chạm vào "khoái cảm của con mắt" qua triển lãm tranh "Giấc mơ" của Hoài Hương
Minh Thi
Thứ bảy, ngày 20/03/2021 15:07 PM (GMT+7)
"Hội họa của Hoài Hương là hội họa của con mắt, cái khoái cảm của con mắt, giống như một bản nhạc không lời, nghe không phải để hiểu mà nghe để thư giãn, để tìm sự bình yên", nhạc sĩ Dương Thụ nói về tranh của họa sĩ Hoài Hương.
Hơn 70 tác phẩm gồm nhiều chất liệu, vật liệu như sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, sắp đặt, gốm… của họa sĩ Hoài Hương sẽ có mặt tại triển lãm tranh "Giấc mơ" ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 20 đến ngày 28/3.
Là một thành viên trong bộ tứ khá nổi tiếng gồm: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và Đỗ Hoàng Tường, họa sĩ "Giấc mơ" vừa làm thiết kế, vừa vẽ. Sau 40 năm kể từ ngày tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, hội họa và design đã hòa trộn với nhau để trở thành một Hoài Hương của hôm nay.
Triển lãm tranh "Giấc mơ" với Nguyễn Hoài Hương không chỉ bề thế về quy mô, đa dạng về vật liệu, chất liệu mà còn tạo dấu ấn mới, đó là tranh sơn mài. Trong các vật liệu đã dùng để sáng tác, sơn mài mới đến với Nguyễn Hoài Hương gần 4 năm nay, nhưng có lẽ là vật liệu "hợp cạ" hơn cả.
Tranh sơn mài giúp họa sĩ phát huy được nhiều sở trường và cảm hứng của mình. Họa sĩ Hoài Hương đến với sơn mài tương đối nhẹ nhàng, hiệu quả. Bản thân anh lại khá chỉn chu, thích cái nhìn gián tiếp nên khi đi vào sự thẳm sâu của sơn mài đã làm toát lên được đặc trưng và sự quyến rũ thị giác của vật liệu này.
Triển lãm "Giấc mơ" không đơn thuần là cuộc bày biện các tác phẩm gần nhau đây còn là một tổng thể thiết kế mang tính nội thất. Với khoảng 40 năm trong nghề thiết kế và thi công nội ngoại thất, cùng kiến trúc, Nguyễn Hoài Hương có tư duy tổng thể và tổng hòa.
Anh hình dung không gian sẵn có của bảo tàng như một căn nhà trống, để từ đó đưa tác phẩm, ánh sáng, thảm sàn, chấn phong, màu sắc… vào theo một thiết kế sắp đặt, nhằm mang lại cảm giác đời sống thường nhật, gần gũi và mang các công năng nhất định. Nghĩa là ở nơi ấy, người xem như đi giữa không gian sống của một gia đình, không có khoảng cách như thường thấy ở các triển lãm kiểu phòng trưng bày.
Chính vì vậy, không gian, sự bài trí của triển lãm "Giấc mơ" sẽ là một điểm nhấn khác biệt, chỉ có xem trực tiếp mới cảm nhận hết được, mọi sự mô tả gián tiếp sẽ khó thể hiện.
Một điểm đáng lưu ý nữa, "Giấc mơ" vừa kế thừa những gì mà Nguyễn Hoài Hương đã theo đuổi suốt mấy chục năm qua, vừa là bước chuyển mới. Ở đây, các hình ảnh Bắc Bộ, không khí Huế và không gian kiến trúc Việt quen thuộc nhưng đã được tinh lược thành các biểu tượng. Đôi khi chỉ là một bông hoa, một cây bằng lăng hoặc chỉ vài mảng màu, gam màu đã đủ diễn đạt một vùng quê, một nếp nhà, một cảm nghĩ.
Đặc biệt, đến với sơn mài trừu tượng, Nguyễn Hoài Hương càng phát huy được cái nhìn gián tiếp mà bản thân đã chiêm nghiệm từ lâu.
Nhạc sĩ Dương Thụ, một trong những nhà phê bình tranh nghệ thuật tinh tế đã đưa ra nhận xét: "Tranh sơn mài của Hoài Hương lộng lẫy, rực rỡ nhưng không phải cái lộng lẫy vàng son cổ điển mà nó tươi mới với một bảng màu không thường thấy trong sơn mài truyền thống: màu tím Huế, màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu nâu đất nhạt và màu vàng chanh, tất cả có độ trong mà không quá bóng bẩy.
Còn về hình thì hình thiếu nữ khỏa thân, hoa sen, lá sen, lá chuối… là những chủ đề mang nặng tính trang trí, nhưng rất riêng biệt của Hoài Hương, chúng được sắp đặt trong một không gian phi thực, nhưng không có ý vị siêu thực. Một số bức sơn mài trừu tượng là tiếp tục cuộc chơi về màu sắc về chất thể để thỏa mãn khoái cảm thị giác, nó mạnh mẽ và duyên dáng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.