Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi chỉ nói một câu mà Nguyễn Khắc Trường vứt sọt tiểu thuyết không in sách nữa"

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 03/10/2024 13:36 PM (GMT+7)
Thân thiết với nhau từ năm 1976 nên nhà thơ Trần Đăng Khoa có rất nhiều kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi đó là khi nhận được lời góp ý từ ông, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã không in tiểu thuyết cuối cùng của sự nghiệp văn chương.
Bình luận 0

Trong dòng chảy văn chương hiện đại, Nguyễn Khắc Trường không phải là một nhà văn đồ sộ với hàng loạt tác phẩm trải dài trên các lĩnh vực. Ông viết ít nhưng các tác phẩm của ông có một vị trí hết sức đặc biệt.

Tài năng và phong cách của ông kết tinh rõ nét nhất ở tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Tác phẩm này đã giúp ông đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Và cũng với tác phẩm này mà Nguyễn Khắc Trường đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2000.

Thông tin nhà văn Nguyễn Khắc Trường qua đời ở tuổi 79 vào trưa ngày 2/10 tại nhà riêng khiến giới văn chương khá bất ngờ. Mặc dù, một số người biết ông đã yếu đi nhiều năm qua nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, mất mát…

Trong sự niềm tiếc thương và xúc động về sự ra đi của một người bạn văn chương thân thiết, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ với độc giả Dân Việt những cảm xúc chân thành của mình về nhà văn Nguyễn Khắc Trường – người mà ông luôn kính trọng và yêu quý.

Những kỷ niệm của nhà thơ Trần Đăng Khoa với nhà văn Nguyễn Khắc Trường

"Tôi biết đến anh Nguyễn Khắc Trường vào năm 1976 khi đất nước vừa kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chúng tôi từng chung lớp Văn quân đội. Tức là thời đó, những anh em từng có tác phẩm văn học in trên báo mà chưa qua đại học thì được Đội 10 của Tổng cục Chính trị gọi về để tham gia lớp Viết Văn của Trường Viết Văn Nguyễn Du.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi chưa hề có bằng tốt nghiệp phổ thông- Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho nhà văn Nguyễn Khắc Trường hồi tháng 1/2024. Ảnh: NVCC

Tôi vẫn nhớ, khi có lệnh tập kết, chúng tôi tập trung về Đoàn 871 của Tổng cục Chính trị. Phụ trách chúng tôi ngày đó là nhà văn Hồ Phương và Xuân Thiều. Trong lớp chúng tôi hồi đó có Nguyễn Khắc Trường là lính Phòng không - Không quân, Đào Thắng là lính Xạ pháo của QK 4, Xuân Đức là ở Tiểu đoàn 47 của Vĩnh Linh (Quảng Trị), Chu Lai là lính Đặc công ở Sài Gòn ra, Hữu Thỉnh là lính Tăng thiết giáp, tôi thì ở Hải quân của QK3… Còn nhiều anh em khác nữa, độ khoảng 30 người tất cả. Chúng tôi ở đó tới 4 năm, chờ lớp được mở để học tập và sáng tác nhưng mãi không thành. Sau đó, anh em phân tán ra về các nơi. Trong thời gian đó chúng tôi vẫn ngồi viết và có tác phẩm in báo.

Có thể nói, tôi từng đi qua rất nhiều lớp chuyên tu về viết văn, chẳng hạn như: Trường Viết Văn Nguyễn Du, Học viện Maxim Gorky ở Nga… nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là thời ở Trường Viết Văn Nguyễn Du.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn khẳng định chắc nịch khi nói chuyện với mọi người, tôi học được nhiều nhất trong cuộc đời này vẫn là học từ bạn bè, đồng nghiệp… Anh em chúng tôi thời đó phần lớn đều trình độ phổ thông, chỉ lớp 7 – lớp 8 cho đến lớp 10 thôi, rất ít người có trình độ đại học. Lê Lựu mới chỉ học đến lớp 7, Nguyễn Khắc Trường chắc chỉ hơn một tí thôi. Tôi cũng đang học dở lớp 10 rồi là lính nên không có bằng tốt nghiệp phổ thông. Trình độ chỉ thế thôi nhưng về mặt kinh nghiệm sáng tác, trải nghiệm cuộc sống thì nhiều vị có trình độ cao hơn chưa chắc đã bằng chúng tôi. Tôi có thể nói trắng ra là như thế.

Hồi đó, cứ ai viết được tác phẩm nào đều đọc cho anh em nghe, cả thơ, văn, ký. Nghe xong anh em góp ý để hoàn thiện tác phẩm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi chưa hề có bằng tốt nghiệp phổ thông- Ảnh 2.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Khắc Trường thân thiết với nhau từ năm 1976. Ảnh: NVCC

Đáng ra lúc đầu tôi theo học khóa I của Trường Viết Văn Nguyễn Du nhưng do đi học Lục quân nên tôi lại tụt xuống khóa II. Tức là lúc thành lập Trường Viết Văn Nguyễn Du thì tôi lại đang trong Lục quân rồi nên không được học với Khắc Trường, Hữu Thỉnh… Nhưng khóa I hồi đó chúng tôi ở với nhau đến 4 năm nên học được rất nhiều thứ từ nhau.

Trong anh em viết văn hồi đó, tôi đặc biệt chú ý đến 4 người gồm: Hữu Thỉnh, Xuân Đức, Nguyễn Khắc Trường, Lê Lựu. Anh Hữu Thỉnh khiến tôi phục nhất là thuyết phục và dàn xếp những "ca khó" (sự cố) như thần. Lê Lựu, Xuân Đức và Nguyễn Khắc Trường lại khiến tôi rất nể về mặt chuyên môn. Thời điểm đó, Nguyễn Khắc Trường đã có tác phẩm "Thác rừng" được in sách rồi; Xuân Đức có vở kịch "Cửa gió" viết chung với Đào Hồng Cẩm.

Tôi vẫn nhớ, bao giờ vào câu chuyện văn chương, Lê Lựu cũng hỏi: "Thế vấn đề cậu đặt ra khi viết tác phẩm này là gì? Cậu định nói gì với độc giả thông qua tác phẩm?". Nhà văn không được phép nói toẹt ra vấn đề mình muốn nói mà gửi gắm sâu kín và khéo léo thông qua cốt truyện, nhân vật. Bao giờ viết văn cũng phải đảm bảo được những điều này, nếu không làm được những điều này thì đừng viết.

Nguyễn Khắc Trường là người có gu thẩm mỹ rất chuẩn và giọng văn rất tinh. Cứ mỗi khi ai đưa tác phẩm cho anh Nguyễn Khắc Trường đọc là y như rằng anh ấy sẽ nói "Chuyện hay", "Giỏi lắm" hoặc "Vứt đi, chả ra gì". Nguyễn Khắc Trường giống như hàn thử biểu ấy nhưng những gì anh ấy nói đều rất chính xác.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi chưa hề có bằng tốt nghiệp phổ thông- Ảnh 3.

Những năm tháng cuối đời, sức khỏe của nhà văn Nguyễn Khắc Trường rất yếu. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Khắc Trường Khắc Trường chỉ nói hay hoặc dở thôi, còn hay thế nào, dở thế nào thì anh ý nói không ra được vì không giỏi trong việc diễn đạt nhưng anh ấy đã nói là chính xác.

Tôi thân với cả Lê Lựu, Xuân Đức và Nguyễn Khắc Trường. Thân chí cốt luôn đấy. Tôi luôn theo dõi 3 người này. Lúc đó, Nguyễn Khắc Trường còn có cái tên là Thao Trường.

Tập truyện "Thác rừng" anh viết trước đó rất có nghề nhưng vẫn chưa thực sự đạt đến độ tinh tuyệt đối. Chỉ đến khi anh ấy viết tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" thì tài năng và văn chương mới đạt đến độ xuất sắc. Câu chuyện ngày đầu anh ấy viết là về Tây Nguyên, viết trong chuyến đi Tây Nguyên. Anh ấy viết rất giỏi. Và các tác phẩm này làm tên tuổi Nguyễn Khắc Trường bật lên.

"Mảnh đất lắm người nhiều ma" theo tôi là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm này hay đến từng câu văn một. Tất nhiên, sự hay ở cuốn tiểu thuyết này chưa đều, hơi đuối ở phần cuối nhưng tổng thể thì vẫn là cuốn sách rất xuất sắc. Người đọc vừa đọc được cả câu chuyện, vừa được thưởng thức những câu văn rất hay. Nguyễn Khắc Trường rất giỏi chỗ đó.

Sau này, anh Nguyễn Khắc Trường còn làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi với anh Nguyễn Khắc Trường hay đi với nhau lắm. Chúng tôi xem nhà văn Nguyễn Khải như một ông thầy và lẽo đẽo đi theo ông mọi nơi. Có những chuyến đi chỉ đi theo để ngắm xem nhà văn Nguyễn Khải làm thế nào khi đi thực tế, viết gì với những điều mình chứng kiến. Và ông Nguyễn Khải có một biệt tài là cái gì qua tay ông cũng thành văn, cho nên tôi mới gọi ông là "nhà văn thông tấn". Tức là Nguyễn Khải đi thực tế như một nhà báo nhưng về lại viết ra toàn văn chương, có điều những vấn đề ông viết toàn là của báo chí. Nhưng từ những thứ ông ấy viết lại đặt ra được những vấn đề. Cái mà Lê Lựu quan tâm nhất khi đặt bút viết tác phẩm thì Nguyễn Khải rõ nét nhất.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi chưa hề có bằng tốt nghiệp phổ thông- Ảnh 4.

Bức ảnh kỷ niệm của nhà thơ Trần Đăng Khoa với nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ảnh: NVCC

Tôi với Lê Lựu, Xuân Đức, Nguyễn Khắc Trường thành bộ tứ chơi rất thân với nhau. Thân nhau từ bấy cho đến tận bây giờ. Cách đây mấy tháng, tôi với tư cách Bí thư Đảng ủy Hội Nhà văn Việt Nam còn đến tận nhà trao cho Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho anh Nguyễn Khắc Trường.

Nhiều năm trở lại đây, anh Nguyễn Khắc Trường yếu dần đi dù chưa bước qua tuổi 80. Anh ấy như ngọn đèn hết dầu chứ không phải mắc bệnh ung thư gì cả. Anh ấy yếu nên chân tay run, bước đi không nổi, gần như nằm một chỗ nhưng sức đọc vẫn thông minh.

Hôm đến, tôi có thông báo cho anh Nguyễn Khắc Trường là nhà văn Hồ Phương mới mất, nhà văn Nguyễn Trí Huân cũng đang chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng. Anh òa khóc bảo: "Thằng Huân nó tốt lắm, sao lại bị bệnh hiểm thế".

Theo tôi, Nguyễn Khắc Trường là một nhà văn đặc sắc. Nhìn nhận về một nhà văn, phải nhìn vào tác phẩm của họ. "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của anh Nguyễn Khắc Trường là tác phẩm đặc sắc. Sau này, anh ấy có viết một tác phẩm đặt tên là "Trang trại" nhưng khi đưa cho tôi đọc trước, tôi phán một câu thế là anh ấy bỏ luôn, không in tác phẩm ấy thành sách nữa.

Tôi bảo: "Tác phẩm này anh viết nhưng không còn cái sự nhung tuyết của văn chương Nguyễn Khắc Trường nữa". Tức là, trong văn chương, không ai đòi hỏi tác phẩm sau phải xuất sắc hơn tác phẩm trước vì điều đó rất khó để thực hiện. Nhưng điều bắt buộc là tác phẩm sau phải khác tác phẩm trước. Cái khác đấy Nguyễn Khắc Trường chưa làm được khi viết "Trang trại". Trong cuốn "Chân dung đối thoại", tôi có viết một bài "Nguyễn Khắc Trường và…" là tôi đối thoại với ma về Nguyễn Khắc Trường đấy.

Nguyễn Khắc Trường có một đời sống hôn nhân hạnh phúc. Vợ anh là mẫu người đặc trưng của phụ nữ nông thôn, rất giản dị, tháo vát và chăm chút cho gia đình. Vợ chồng anh có hai con, một trai và một gái. Con trai là nhà báo, con gái là giáo viên. Các con đều sống hiếu thuận với bố mẹ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem