Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Bà già đi bụi" hay "Ước mơ của mẹ"?
Bộ phim "Bà già đi bụi" chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do Trần Chí Thành đạo diễn, Phi Tiến Sơn chắp bút đã công chiếu buổi đầu tiên vào tối 27/9 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Theo ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, đây là bộ phim đầu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng phải qua đấu thầu. Đoàn làm phim đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành bộ phim này. Trước đó, phim vừa nhận Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam tại Giải thưởng Cánh diều năm 2024.
Phim có sự tham gia của Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang (vai bà Năm), diễn viên Tiết Cương (vai Hai Thật), Thúy Diễm (vai Út Thà), Phạm Hy (vai Tài)…
"Bà già đi bụi" lấy bối cảnh chính là cuộc sống hiện đại của vùng miền Tây sông nước. Phim xoay quanh nhân vật chính là bà Năm – người phụ nữ có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Chồng mất sớm, một mình bà Năm bươn chải nuôi các con khôn lớn. Khi các con trưởng thành, có gia đình riêng… bà luôn cảm thấy có một sự trống trải, cô đơn rất lớn. Bà luôn mong muốn vượt thoát khỏi sự cô đơn và có những ngày tháng sống cho chính mình. Tuy nhiên, bà đã vấp phải sự ngăn trở từ phía những người con. Đến khi các con hiểu ra nỗi lòng của mẹ thì bà Năm cũng trút hơi thở cuối cùng.
Nhà sản xuất và đạo diễn giữ nguyên tên tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư để đặt tên cho phim. Có lẽ vì cái tên "Bà già đi bụi" sẽ gây nên sự tò mò cho khán giả, còn thực tế thì hành trình của bà Năm trong phim không phải là "chuyến đi bụi" theo đúng nghĩa đen.
Hành trình của bà Năm trong "Bà già đi bụi" là hành trình đi theo tiếng gọi của trái tim. Là khát khao muốn được vượt thoát khỏi sự trống trải, cô đơn, hiu quạnh của tuổi già. Là khát khao muốn được sẻ chia, được hạnh phúc, được đồng cảm, được đồng điệu. Là những hỷ nộ ái ố thường tình của một người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi xuân cho chồng con và muốn có được những tháng ngày của riêng mình. Nếu lấy tên "Ước mơ của mẹ" hoặc "Sự hối hận muộn màng" thì có lẽ sẽ hợp hơn với câu chuyện của phim.
Rõ ràng, đề tài của "Bà già đi bụi" không mới. Các tình tiết và câu chuyện của phim cũng không mới. Bối cảnh của phim lại càng không mới. Phim không có cao trào, kịch tính, hành động. Nhịp phim thậm chí còn hơi chậm rãi, rù rì… dễ khiến người xem mất kiên nhẫn.
Phim chỉ có những câu chuyện rất dung dị và đời thường. Bối cảnh miền Tây hiện lên bình yên, gần gũi như vốn có của nó. Đạo diễn đã cố gắng đưa nhiều nét văn hóa của miền quê sông nước lên phim như một cách quảng bá du lịch. Sự lồng ghép này không những rất phù hợp mà còn tăng thêm tính nghệ thuật cho phim.
Có thể nói, đạo diễn và ê-kíp sản xuất đã rất tài tình khi biết đẩy những thứ vốn quen thuộc, dung dị, đời thường trở thành những thứ thấm sâu vào tâm hồn của mỗi người. "Bà già đi bụi" do đó không thể thưởng thức một cách qua loa, nhanh vội, bộp chộp… mà phải ngấm từ từ, hiểu thật sâu, cảm thật chắc. Tất cả những gì gây "vỡ òa" nhất đều dồn về cuối phim, khi những đứa con nhận ra nỗi lòng của mẹ, tự "giác ngộ" và thay đổi nhưng đã quá muộn.
Câu chuyện của bà Năm trong phim, bài học của những đứa con trong phim là câu chuyện của rất nhiều gia đình ngày nay đang gặp phải. Xem phim rồi, ai cũng sẽ thấy bóng dáng của chính mình (nhất là với phụ nữ) và bóng dáng của cha mẹ mình trong đó. Ai cũng sẽ thấy, thời đại nào, hoàn cảnh nào thì… mẹ cũng luôn thấu hiểu nỗi lòng của các con nhưng các con chưa chắc thấu hiểu nỗi lòng của mẹ. Và ai cũng sẽ thấy, sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam, nhất là những người phụ nữ thôn quê vĩ đại cỡ nào, lấp lánh ra sao.
Trong phim, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang đảm vai chính bà Năm – vai diễn "cân" cả phim vì xuất hiện từ đầu đến cuối. Nhân vật bà Năm là mấu chốt của những xung đột và của diễn tiến phim. Và Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang đã thể hiện tương đối tròn vai nhân vật này.
Phải nói thêm rằng, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang lâu lắm không đóng phim cũng không diễn kịch. Có lẽ đây là vai diễn chính của chị trong một phim truyện điện ảnh. Với vai diễn này, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang đã chứng minh cho mọi người thấy tài năng của chị vẫn như một viên than hồng ủ trong bếp tro. Sức diễn của chị vẫn tràn đầy, nét duyên vẫn rất duyên dáng.
Là gái Bắc thứ thiệt, lại vào vai già hơn mình rất nhiều nhưng khi vào vai bà Năm – người phụ nữ miền Tây đặc sệt, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang vẫn diễn xuất rất ngọt. Dĩ nhiên, sẽ vẫn còn nhiều chỗ chưa thực sự hoàn hảo nhưng so với một người đã rời sân khấu, phim ảnh nhiều năm thì Nghệ sĩ Ưu tú Trang đã rất xuất sắc khi thể hiện vai này.
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang chia sẻ với Dân Việt rằng, vai bà Năm trong phim với chị vừa là một thử thách, vừa là điều may mắn.
"Áp lực là tôi phải làm mình già đi so với tuổi thật hàng chục tuổi. Tôi đã rất trăn trở khi đảm nhận một vai diễn vừa làm bà, vừa làm mẹ, lại phải ra chất một người phụ nữ miền Tây, thông thạo sông nước, miệt vườn, thích nghe ca vọng cổ… Người phụ nữ này vừa bên ngoài luôn hiền hậu, nhẹ nhàng nhưng bên trong lại luôn có một sự mãnh liệt rất riêng", Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang bộc bạch.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang, "Bà già đi bụi" là một câu chuyện phim thấm đẫm tính nhân văn khi lột tả những xúc cảm, nỗi niềm của một người phụ nữ lớn tuổi, sau gần trọn cuộc đời dành cho chăm sóc con cái, gia đình, họ mong muốn sống cuộc sống như mình mong ước, để rồi chính họ phải luôn đi trăn trở, đi tìm. Có điều, niềm mong ước ấy không phải ai cũng có thể tìm thấy.
"Tôi và đoàn làm phim đã xuống miền Tây hơn một tháng để học hỏi. "Bà già đi bụi" với tôi là một vai diễn nặng về nội tâm. Phim phải quay trên sông nước rất nhiều - bối cảnh mà tôi không quen thuộc. Nhưng rồi, mọi chuyện chúng tôi đều đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành bộ phim", Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang bộc bạch.
Thấu hiểu, đồng cảm là những suy nghĩ của bất cứ ai sau khi xem phim. Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang tâm sự: "Vào vai nhân vật, tôi không chỉ thấu hiểu mà còn có sự đồng cảm với tâm trạng của bà. Biết đâu sau này, chính tôi cũng sẽ có mơ ước như nhân vật bà Năm.
Người phụ nữ nào cũng khao khát được làm những điều mình muốn khi họ đã hoàn thành sứ mệnh cho gia đình. Thông điệp nhân văn và bao trùm nhất ở bộ phim là con cái, cha mẹ cần có sự thấu hiểu với nhau hơn".
Làm phim về đề tài gia đình, nguồn cảm hứng bất tận nhưng cũng vô cùng quen thuộc, với đạo diễn Trần Chí Thành, áp lực khi thực hiện bộ phim không chỉ là tìm kiếm những yếu tố mới lạ, xử lý tình tiết tinh tế để mạch phim, chuyện phim từ từ lan thấm vào trái tim, cảm xúc người xem.
"Chất liệu trong câu chuyện văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vốn đã đầy ắp các chi tiết về đời sống. "Bà già đi bụi" là câu chuyện của cảm xúc và trong suốt quá trình thực hiện, tôi tập trung vào cảm xúc của nhân vật, ý nghĩa của câu chuyện và cố gắng kể câu chuyện đơn giản, thuần chất nhất, qua đó làm nổi bật cảm xúc của nhân vật. Để khán giả khi xem sẽ cuốn theo cảm xúc đó, với những câu chuyện và biến cố mà bà từng trải qua".
Bởi thế, đạo diễn đã chọn cách kể chuyện đơn giản, nhẹ nhàng, không quá nhiều xung đột để gây kịch tính, cao trào. Cách kể chuyện dung dị khắc họa các mối quan hệ của nhân vật trong phim một cách thuần chất, không lên gân lên cốt. Bức tranh cuộc sống và văn hóa miền sông nước nhờ thế cũng được lột tả một cách chân thật, sinh động.
"Điều tôi mong muốn nhất là nói lên được những thông điệp trong cuộc sống, tạo nên sự đồng điệu với khán giả và đứng lại trong lòng khán giả", đạo diễn Trần Chí Thành bộc bạch.
Về kế hoạch phát hành phim, đạo diễn Trần Chí Thành cho biết, bản thân anh và toàn bộ ê-kíp rất kỳ vọng bộ phim khi ra rạp sẽ được đến với đông đảo khán giả, được yêu thương và đón nhận.
"Ngay lúc này, chúng tôi mong muốn được cảm nhận những xúc cảm của khán giả dành cho các nhân vật sau khi phim trình chiếu", đạo diễn Trần Chí Thành bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.