Nhà tiên tri trải 3 triều đại, đoán vận mệnh nước Việt như thần

Hồ Hoàng Anh (Lược trích từ Việt Sử Siêu Linh) Thứ sáu, ngày 30/11/2018 18:33 PM (GMT+7)
Lịch sử Lý số Việt Nam thường gắn liền với các lời Sấm ký, như sự dự đoán về tương lai và vận mệnh của dân tộc. Sấm là để tiên tri, Sấm ký là ghi lời Sấm, Sấm vĩ là bàn về lời Sấm. Theo quan niệm, “thiên cơ bất khả lộ”, nên lời Sấm không thể hiện trực tiếp vấn đề nên vừa có tác dụng bảo mật, vừa dùng để bảo tồn lời tiên đoán, khó bóp méo, thay đổi. Sau đây, xin giới thiệu đến quý độc giả bài lược giải tham khảo về nhân vật Sư Vạn Hạnh
Bình luận 0

Là  công thần của ba triều Đinh, Lê, Lý, cũng là người đầu tiên để lại những lời Sấm tiên tri về biến cố của lịch sử dân tộc, những lời Sấm này có trước Sấm Trạng Trình khoảng 500 năm. Sư họ Nguyễn, (938 – 1018), mất dưới triều vua Lý Thái Tổ. Về sau, vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) truy tặng một bài kệ thâu tóm thân thế, tư tưởng Vạn Hạnh như sau:

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm cơ

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn kinh ký

Tạm dịch:

Vạn Hạnh thông ba cõi

Thật hợp lời sấm xưa

Quê hương tên Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh vua

Vạnh Hạnh chẳng những dung thông được ba cõi quá khứ, hiện tại và tương lai, dung hợp Phật, Khổng, Lão, lại còn dung hóa pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa thành lời Sấm như một khế cơ huyền vi vào việc trị nước, an dân vào buổi đầu của thời đại độc lập quốc gia.Thuở nhỏ, Sư tu ở chùa Lục Tổ, thuộc dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi  (vinītaruci), tinh thông Tam Tạng, Bách Luận, Bát Nhã, Hoa Nghiêm,… chú trong về Mật Tông “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” giản dị, ngọn nhẹ rất hợp với văn hóa Đông Nam Á, chuyên về khoa Tổng Trì Tam Muội, nói lời tiên tri được người đời tin tưởng.

img

Tượng Sư Vạn Hạnh tại chùa Pháp Vân.

Thiền phái Mật Tông

Nguyên Kinh Tổng Trì được chính Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch tại chùa Pháp Vân khoảng 580 – 594. Ông từ Thiên Trúc sang Trung Hoa rồi đến Việt Nam, tu 14 năm làm Tổ sư thiền phái Mật tông tại đất Việt với nhiều thế hệ thiền tăng xuất chúng như Pháp Hiền (thế hệ II), Định Không (thế hệ VIII), La Quý An (thế hệ X), Vạn Hạnh và Đạo Hạnh (thế hệ XII), Minh Không (thế hệ XIII).

Sau giai đoạn Đại thừa Bát Nhã, tới Đại thừa Duy Thức là những cao điểm phát triển của đạo Bụt nghiêng về trí huệ cao siêu, tới giai đoạn Đại thừa Mật giáo là chặng đường lan tỏa, sâu vào tàng thức cộng thể, mênh mông bao bọc các tín ngưỡng thần linh khắp cõi mà không chấp vọng. Vì thế từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ VIII, Mật giáo đã phát triển nhanh chóng vững vàng thành Kim Cang Thừa từ Tây Tạng sang Trung Hoa , Việt Nam,…

Thần chú của Mật tông hiệu lực linh nghiệm, là thần lực gia hộ triều Đinh, Lê và Lý. Cả trăm trụ bia đá vùng Hoa Lư còn ghi khắc kệ và chú từ thế kỷ thứ X, các cột kinh này lấy chú “Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni” làm chủ yếu như “muôn nghìn ánh sáng làm chúng sinh kinh động mà giác ngộ”.

Ngay từ thế kỷ thử VIII, các nhà sư Mật tông Ấn đã sang Trung Hoa và dùng Mật ngôn Thần chú phù trợ triều Đường. Trong những thế kỷ sau, IX, X, XI… trung tâm Luy Lâu vùng  Kinh Bắc là nơi gặp gỡ, giao lưu của các danh tăng Ấn, Hoa, Chiêm Thành… lại thêm các nhà sư Việt sang Ấn du học như Sùng Phạm (thế kỷ XI), sang Ấn 9 năm, sau vế chùa Pháp Vân truyền dạy đệ tử là Đạo Hạnh.

Tương truyền, Đạo Hạnh rất giỏi pháp thuật, thần thông, đã từng dụng 1 vạn 8 ngàn lần Đại Bi Tâm Đà La Ni, dùng gậy quăng xuống dòng nước chảy xiết mà gậy dựng đầu lội ngược, nhờ đó diệt được tà sư Đại Điên là kẻ giết cha mình, sau dốc chí tu tập, pháp lực càng cao, có thể điều phục muông thú, cầu mưa gió, niệm chú trị bệnh. Đệ tử của Đạo Hạnh là Minh Không cũng có phép thổi một niêu cơm cho cả thuyền quân ăn không hết, có phép “rút không gian” chốc lát đưa thuyền từ xa tới kinh thành trị bệnh cho vua Lý Thần Tôn (1136) đang bị chứng hóa ra hổ, lông lá đầy người, kêu gào ghê rợn.

Sư Vạn Hạnh với bài "Sấm Cây Gạo"

Vạn Hạnh cùng thế hệ tu học với Đạo Hạnh. Cùng với sư huynh Pháp Thuận, hai vị quốc sư này đã dùng sấm vĩ, độn số phò trợ vua Lê Đại Hành (980-1005) trong việc trị quốc. Chính sư Pháp Thuận đã giả người lái đò đối đáp với thi văn với sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Ngày từ năm 980, sư Vạn Hạnh đã đoán trước “nội trong bảy ngày quân Tống sẽ rút lui”, quả nhiên vua Lê dụng mưu ly gián, quân Tống nội biến tự phát lui binh. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng sư, khi nhà vua muốn đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả (Từ Mục) cũng đến hỏi, sư nói trận này đánh tất thành công, không phải do dự. Quả nhiên, chiến dịch bình Chiêm đã đại thắng, vua Chiêm là Parame bị chém tại trận.

img

Sau khi Lê Đại Hành băng hà, Ngọa triều Lê Long Đĩnh tàng bạo bệnh hoạn, Vạn Hạnh đã vì nước vận động đưa người hiền tài Lý Công Uẩn lên ngôi. Thuở thiếu thời, Lý Công Uẩn đến học ở chùa Lục Tổ và gặp Vạn Hạnh tại đây. Sư thấy họ Lý có tướng mạo phi phàm đã thấy làm lạ, biết là chân mạng đế vương. Sư bèn dùng kế viết chữ “thiên tử” lên lưng một con chó trắng ở làng Cổ Pháp rồi truyền rộng lời đoán rằng chó tượng trưng cho năm Tuất, thiên tử sẽ ra đời vào năm Tuất (Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất 974) và xuất hiện vào năm Tuất  (Canh Tuất 1010) mang lại thái bình, thịnh trị.

Sấm Cây Gạo

Khi cây gạo do thiền sư La Quý An trồng ở chùa Minh Châu năm 936 để trấn giữ trước thuật yểm Long Mạch của Cao Biền từ Trung Hoa bị sét đánh tróc vỏ và một bài Sấm hiện ra được sử ghi lại như sau:

Thụ căn yểu yểu

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành

Đông An nhập địa

Dị mộc tái sinh

Chấn cung kiến nhậ

Đoài cung ẩn tinh

Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình

Dịch nghĩa:

Gốc cây thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Cây hòa đao rụng

Mười tám hạt thành

Sư Vạn Hạnh đoán rằng: Căn là gốc tức là vua, diễu đồng âm với yểu, là vua chết non. Mộc biểu là ngọn cây tức là bầy tôi thanh thanh là xanh đồng âm với thịnh, như vậy quần thần sẽ nổi lên.Hòa đao mộc, ba chữ này hợp lại thành chữ Lê, vậy là Lê suy tàn. Thập bát tử, ba chữ hợp lại thành chữ Lý, như vậy họ Lý tất thành.

Cành Đông vào đất

Cành khác lại sinh

Cung Đông trời mọc

Cung Tây ẩn tinh

Đông A kết lại thành chữ Trần, nhập địa là vào đất của nhà Lý. Dị mộc tái sinh tức là nhà Lê khác lại tái sinh (Hậu Lê). Câu tiên đoán này tức là sau nhà Lý đến nhà Trần và sau là nhà Hậu Lệ (Lê Lợi).

Chấn cung (Đông) kiến nhật là thiên tử xuất hiện ở phương Đông, phương Tây lại có một ngôi sao khác ẩn dạng. Có sách bàn là nhà Mạc xuất ở phương Đông (Hải Dương) vì chữ Mạc chứa chữ Đông, Tây Sơn ẩn ở phương Tây.

Khoảng sáu bảy trăm năm

Thiên hạ thái bình

Ngô Thời Sỹ cho rằng “Sét đánh vào cây thành bài Sấm chỉ có 40 chữ mà đủ hêt hưng vong của các đời trong thời gian hơn ngàn năm”. Đủ thấy Vạn Hạnh là một nhà tiên tri của dân tộc, có tầm nhìn không phải “ngũ bách niên” mà là “thiên niên”, dự đoán cuộc thịnh suy từ đời Đinh về sau. Trải qua ba triều Đinh, Lê, Lý, Vạn Hạnh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc và Đạo pháp hành nghiệm. Trước khi mất, sư để lại bài Kệ:

Thân như điện, ảnh, hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố ý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Tạm dịch:

Thân như chớp nhoáng , có về không

Vạn cây xuân tươi, thu tàn khô

Theo vận thịnh suy đừng lo sợ

Thịnh suy: đầu cỏ hạt sương phô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem