"Nhà trường, phụ huynh càng cấm xăm hình, học trò càng làm ngược"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 15/05/2021 13:00 PM (GMT+7)
Người lớn thường sử dụng quyền lực của mình để cấm đoán con trẻ làm những điều mà bản thân "nghĩ" rằng sẽ không tốt cho con. Nhưng nhiều khi thực tế lại ngược lại.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc nữ sinh xăm hình ở Trường THPT Nguyễn Khuyến, Đồng Nai đang gây tranh cãi, nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An, từng là thủ khoa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm.

Không nên để ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý trẻ 

Chào anh, ý kiến của anh như thế nào về sự việc một nữ sinh ở Đồng Nai rút hồ sơ học do có hình xăm đang kéo theo rất nhiều tranh luận? 

- Mỗi trường phổ thông được quyền xây dựng bộ ứng xử riêng phù hợp với tiêu chí của Bộ GD-ĐT, do đó, nhà trường có quyền đưa ra quy định cấm học sinh xăm hình. 

Trong sự việc ở Đồng Nai, theo tôi được biết, việc phát hiện nữ sinh xăm hình không phải trực tiếp mà là gián tiếp thông qua hình ảnh trên mạng xã hội. Chiếu theo quy định của nhà trường như "Không nhuộm tóc màu, không xịt keo, không xăm hình" vốn được áp dụng trong khuôn khổ nhà trường, không phải là điều kiện ràng buộc ở tất cả mọi nơi. 

Đừng dùng câu "Nhà trường cấm nên con không được xăm hình", ThS tâm lý chỉ ra tác dụng ngược - Ảnh 1.

Sự việc nữ sinh tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, Đồng Nai rút hồ sơ học vì xăm hình dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh minh họa)

Giả sử học sinh nghỉ hè và nhuộm tóc, sau đó vào năm học nhuộm lại màu đen thì học sinh vẫn không vi phạm. Hành vi xăm hình của nữ sinh có phản giáo dục hay không, đang có những tranh luận, nhưng về phía nhà trường, trước mỗi sự việc cần sự thấu tình đạt lý, tránh các quyết định cứng nhắc, cần dùng "tình" để cảm hóa, giáo dục học trò. 

Nhiều ý kiến cho rằng, trường đã có quy định, học sinh không chấp hành thì phải chấp nhận "rời sân chơi". Theo anh, giữa quy định của trường và thực tế học sinh liệu có cần có sự "linh hoạt" không hay cứ chiếu theo quy định mà "xử"? 

- Quy định là do con người đặt ra. Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn có những điều khoản quy định "tình tiết giảm nhẹ", vậy nên không lý gì một cơ sở giáo dục lại không thể áp dụng điều này. Thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai về sự việc nữ sinh xăm hình, quan điểm của Sở là bảo vệ quyền lợi cho học sinh. Dù học sinh có vi phạm nhưng mọi vi phạm của học sinh đều phải được xử lý một cách nhân văn, gắn liền với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương nhà trường và lấy tuyên truyền, nhắc nhở là chính. 

Nhà trường hoàn toàn có thể cân nhắc vào các tiêu chí như: Thái độ của học sinh trong 2 năm vừa qua; mức độ cố gắng, nỗ lực, thành tích học tập; thái độ thành khẩn, cầu thị, nhận khuyết điểm; việc xăm hình không phải ở vị trí dễ thấy, không phải học sinh cố tình thể hiện trong khuôn viên nhà trường,... để linh hoạt hơn trong quy định. 

Trong trường hợp "trường cấm, học trò vi phạm", đặt ở vai trò một chuyên viên tư vấn học đường, anh sẽ thể hiện vai trò của mình như thế nào? 

- Đối với những vấn đề liên quan đến học sinh chưa đủ 18 tuổi, việc lãnh đạo nhà trường tham vấn ý kiến của chuyên viên tư vấn học đường là rất cần thiết để đảm bảo quyết định hành chính không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. 

Các cơ quan công sở, trường học,... thường cấm việc xăm mình vì lý do "thuần phong mỹ tục", nhưng hành động này lại không thật sự phản ánh đúng bản chất con người của họ. Do đó, chuyên viên tâm lý học đường có thể trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể của hành động trên để đánh giá, tham mưu phù hợp với lãnh đạo. Trong quá trình làm việc, tôi từng thấy một nhà tâm lý học đường đã nhuộm tóc của mình để chuẩn bị cho buổi gặp các học sinh "cá biệt". 

Đừng dùng câu "Nhà trường cấm nên con không được xăm hình", ThS tâm lý chỉ ra tác dụng ngược - Ảnh 2.

Nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An trò chuyện với học sinh.

Các em tỏ ra rất bất ngờ vì tưởng rằng "thầy cô ai cũng cứng nhắc". Khi nhìn thấy sự đồng cảm và sự chấp nhận của nhà tâm lý, các em dần tin tưởng và bộc lộ những điều thầm kín trong lòng. Có thể thấy, việc nhuộm tóc, xăm hình,... tưởng chừng như một hành động phản cảm nhưng cũng có thể là cầu nối giữa nhà tâm lý và học sinh. 

Nhà trường, phụ huynh "cấm" xăm hình, học trò bất chấp làm ngược 

Hiện nay, nhiều trường ra quy định học sinh không được xăm hình, nhiều phụ huynh cũng cấm con xăm hình. Vậy nhưng, các em ở tuổi học trò lại được xem là đối tượng khách hàng tiềm năng của các cơ sở xăm hình. Theo anh vì đâu lại có thực trạng, người lớn cứ cấm, con trẻ bất chấp? 

- Không có quy định pháp luật nào cấm học sinh hoặc người trưởng thành xăm hình. Do đó, điều này chỉ phụ thuộc vào quy định ứng xử của từng tổ chức. 

Cần xem xét đặc trưng tâm lý của học sinh trong giai đoạn này là nhu cầu chứng tỏ bản thân, thể hiện sự khác biệt. Các em cũng có những quyết định mang tính "tức thời" và dựa vào cảm xúc, do đó đôi khi sẽ không thật sự sáng suốt và chính xác. 

Trong bản tường trình của nữ sinh ở Đồng Nai có thể thấy mục đích của em vốn không xấu, không phản ánh sự lệch chuẩn hoặc mang tính phản giáo dục. 

Đừng dùng câu "Nhà trường cấm nên con không được xăm hình", ThS tâm lý chỉ ra tác dụng ngược - Ảnh 3.

Nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An từng tốt nghiệp Thủ khoa trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Cũng giống như vấn đề giáo dục giới tính, xăm hình hay nhuộm tóc vẫn chỉ đang được nhìn nhận dưới góc độ bề nổi của vấn đề. Người lớn chỉ "cấm" chứ không đưa ra những lý giải cụ thể, do đó dễ gây hiệu ứng "tâm lý ngược" - người trẻ sẽ làm ngược lại những gì bị cấm cản để chứng tỏ bản thân "đã trưởng thành, tự lập".

Hoạt động trong lĩnh vực tâm lý, lăn lộn cùng với thế hệ trẻ, xin đặt tình huống với anh: Nếu anh có con/em ở tuổi học đường cấp 2, cấp 3 đòi đi xăm hình hoặc con/em lén đi xăm hình, anh sẽ xử lý thế nào? 

- Khi tiếp cận với vấn đề xăm hình, không nên dùng luận điểm "Vì nhà trường cấm nên con không được làm". Hãy giải thích cho trẻ hiểu hình xăm là một thứ khó xóa đi, cũng giống như việc chọn một người bạn đời cho mình.

Người lớn cũng có thể đặt các câu hỏi để trẻ được bộc lộ lý do: "Vì sao con quyết định xăm hình này?", "Hình này có ý nghĩa gì với con?", "Khi con hối hận thì con sẽ xử lý thế nào?"

Nếu cảm giác ban đầu của trẻ về phụ huynh là một người bạn đồng hành, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, không phán xét, chỉ trích,... chắc chắn trẻ sẽ chủ động tìm gặp, tham khảo ý kiến trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Từ đó, phụ huynh không cần phải lo mình phải quản lý con, và vị thành niên cũng không cần phải lo tìm cách che giấu ba mẹ, gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem