Không thể già hơn ở tuổi 70? Vẫn ria ấy, tóc kia. Không biết có mượn tí hóa chất nào không mà vẫn nhưng nhức đen. Khuôn mặt cùng khổ người như được ngàn cơ múi xoắn bện. Vẫn cái điếu cày với kiểu hút của giống trường hơi. Trời có cơi nới quỹ thời gian hằng sống mấy chục năm nữa cho Chu Lai thì nhà văn này coi bộ cũng chả thể già và khác?
- Đang cày ở trại sáng tác Nha Trang chứ đâu chơi nhởi gì hả mày, Chu Lai nói.
Lại Trại? Ông này hình như có duyên với các trại sáng tác. Chợt thoáng mười mấy năm trước ở Trại Đồ Sơn. Mỗi người một phòng. Đa số dự Trại chơi nhởi là chính. Nhưng suốt đợt Chu Lai đánh trần khuỳnh người trước cái laptop cày thực sự. Lắm bữa gọi, nghe tiếng rít điếu cày nhưng cửa đóng tịt. Lão đang mổ cò ác liệt. Trong đám viết U sáu, bảy mươi lão làm quen với cung cách vi tính khá nhanh.
- Cũng chẳng bằng thời trước viết tay. Hồi viết Nắng đồng bằng, cả cuốn lia bằng bút chỉ mất hơn một tháng. Bình quân hơn ngày một chương. Bây giờ một chương phải hơn mươi hôm.
Đang cày gì vậy?
- Quảng Trị. Bao nhiêu năm Quảng Trị luôn bám riết ám ảnh mình. 16 ngàn bộ đội, tất thảy trẻ trai đã bỏ mình trong chiến dịch 81 ngày đêm ấy. Bây giờ hơn 3.000 không tìm thấy hài cốt…
(Thoáng nhanh đến 15 cuốn tiểu thuyết của Chu Lai về đề tài chiến tranh Nắng đồng bằng. Phố Nhà binh. Ăn mày dĩ vãng. Cuộc đời dài lắm…)
Cởi buộc giải tỏa những ám ảnh ấy hay lại tiếp tục cái mạch Ăn mày dĩ vãng? Hoặc một thứ giải mã?
- (nhăn mặt) Không phải là tiếp tục Ăn mày dĩ vãng mà là sòng phẳng với dĩ vãng. Mình không muốn dùng cụm từ giải mã. Nhưng thử đôi hồi cùng chiêm ngẫm, quả ít và hiếm thứ trận mạc, chiến dịch dạng như Quảng Trị trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
Trong đội hình 16 ngàn chiến binh ngã xuống 81 ngày đêm ở Mặt trận Quảng Trị, tớ chú mục vào hàng ngàn, hàng ngàn sinh viên, số thì tốt nghiệp, số thì đang ngồi ở giảng đường nơi sơ tán, những chàng lính măng tơ chỉ được huấn luyện gấp gáp ùn ùn kéo nhau vào Mặt trận Quảng Trị như thế. Có lẽ họ là số những trai Việt ưu tú nhất của thời ấy. Số phận đã lập trình cho họ không tài mặt này thì giỏi giang lãnh vực khác. Tớ nói chú nghe, thời ấy trong số hiếm hoi thoát được bây giờ đã nảy ra hai chàng mà tớ biết là Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư và nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu.
Thì cũng na ná như một thứ giải mã cuộc chiến Quảng Trị?
- (Lại nhăn mặt) Không phải giải mã mà gì nhỉ, giải mật. Đúng, giải mật. Chỉ có thằng nhà văn mới làm nổi việc giải mật này thôi.
Tớ cứ mải nghĩ đến khung cảnh, hoàn cảnh nông thôn miền Bắc, của Hà Nội nơi xuất phát, nơi cái đế cái nền đã dựng nên thể chất và tính cách của những người lính xông vào cõi chết khi ấy. Một nền giáo dục nào có cải tiến với đột phá gì. Những chàng trai cô gái đương tuổi ăn tuổi nhớn mặt cứ dài xanh vì đói. Đói triền miên, thiếu ăn dai dẳng…
Ngồi học mũi đen sì vì bám muội đèn dầu! Ấy thế mà những cái lò những tưởng tạm bợ lỏng lẻo xộc xệch ấy lại đào luyện được những con người với nhân cách chói sáng. Một chế độ bao cấp, chế độ thời chiến bây giờ nhắc lại biết bao nhiêu những ngậm ngùi chua xót mà ối người cứ như muốn hắt nước đổ đi không hiểu sao lại tạo dựng được nhân cách cho rất nhiều cái tài năng, tạo nên rất nhiều ý chí…
Đã có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp của xã hội ta, của chúng ta được hình thành trong những năm tháng ảm đạm đó… Chiến tranh, bao cấp chả ai muốn. Nhưng tớ cứ lẩn thẩn thế này, dường như số phận dân tộc, vận nước và lịch sử đã nhiêu khê lẫn oái oăm nhưng cần thiết để chọn để lẩy ra một thời điểm bi và bĩ để thử thách, để làm bật ra những phẩm hạnh cùng tính cách ấy. Bi và hùng chính là chỗ ấy.
Rồi nữa, những người lính hai bên chiến tuyến đã nghĩ gì về nhau ở Mặt trận Quảng Trị? Vô số những chuộc chạm nhau tầm xa và tầm lưỡi lê, báng súng AK. Cũng không ít cuộc hai bên bắt tù binh của nhau.
Và nữa, người lính ở Mặt Trận Quảng Trị trong 81 ngày đêm ấy có liên quan gì đến cuộc hòa đàm Ba Lê tít mù nửa vòng bên kia trái đất không? Chính sử đã có những chuyện, những tư liệu. Nhưng, đằng sau những sự kiện ấy là những sự kiện ngoại giao, nhân vật ngoại giao với những tâm sự cùng trạng huống?
Tất tật những la liệt vi mô vĩ mô kể trên ấy, mẫu số chung của nó là gì? Tớ nghĩ có lẽ đã muộn nhưng còn hơn không việc can dự và giải mật của cái anh nhà văn.
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Anh Tuấn.
Và cũng là thách thức cùng khổ ải khi ông chọn thể loại tiểu thuyết? Trước đó Chu Lai đã bày ra những cái mốc như những rào cản Nắng đồng bằng, Phố Nhà binh… nay chính mình lại phải hì hục vượt qua?
- Tớ vẫn phải cầu viện đến một thể loại kỳ diệu của văn chương ấy là tiểu thuyết. Chỉ có nó mới đủ sức chuyển tải, chỉ có thể loại ấy tớ mới có chỗ, có đất để đánh vật giày vò tung tẩy. Và khi đã mải mốt mê đắm cùng hùng hục với nó tự dưng thấy những loại hình kịch cọt điện ảnh trở nên chật hẹp, nhạt hoét không đủ sức dung chứa cùng chuyển tải…
Ai đó đã nói ấy nhỉ, ít đọc người khác bởi nó viết dở thì mình sinh kiêu. Hắn viết hay thì mình đâm nản. Nhưng tớ vẫn đọc của bạn bè và vẫn nhớ mồn một mình. Đỡ và bớt đi phần nào hoang mang sợ hãi, người lính rất cần trạng thái đó khi lâm trận. Và hơi na ná như thế, nhà văn khi lâm vào việc viết lách nên phần nào phải có chút tự tin. Tớ đang hì hục vượt qua những cái mốc của mình một cách tự nguyện.
Ở tuổi 70 và trận mạc đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng hình như khói lửa cuộc chiến vẫn còn rần rật trong nhà văn Chu Lai? Và xin lỗi, sẽ là thảm họa khi cuốn tiểu thuyết về Quảng Trị mà chưa biết ông sẽ đặt tên là gì như một sự tiếp tục và nối dài, là con số cộng sự kiện nhân vật của các cuốn trước?
- Chú chả việc gì phải xin lỗi. Bởi lặp lại chính mình và sự nhàm chán ở tuổi thất thập có lẽ không nên lắm nhỉ? Đề tài người lính và chiến tranh. Cụm từ ấy người ta nhắc và gọi đã nhàm. Khái niệm ấy chỉ sống động và sinh sắc không còn là vô hồn một khi mình biết góp vào thứ trận mạc ấy một kiểu đánh thông minh, gọn ghẽ và hiệu quả.
Tớ vẫn trung thành và mải mốt với mảng miếng ấy. Cuốn tiểu thuyết đang dang dở đây vẫn tiếp tục cái mạch mình cần sòng phẳng một cách rốt ráo tận cùng với quá khứ bi, hùng ấy. Và nữa, chẳng kỹ xảo gì ở cuốn này cả. Bật máy lên. Ngồi trước màn hình.
Điều bất biến là giữ cho mình cái chất kết dính 26 chữ cái. Hai mươi sáu thứ âm binh ấy nó ngược ngạo vô cùng chứ chẳng thuần. Không biết khiển nó, chúng bật lên ngang ngược vật cổ chết tươi cái anh phù thủy vụng. Mỗi cuốn tiểu thuyết đều phải có, phải tạo ra điều bất biến hay chất để kết dính - điều khiển âm binh ấy.
Bình tĩnh nhẩn nha làm cái việc sắp đặt kết dính. Như một sự giải tỏa cân bằng chính mình. Được lơ mơ và đắm mình trong khoảnh khắc ấy lại cũng chả sướng sao?
Tiến độ thi công thế nào rồi?
- Tên sách thì chưa định nhưng tớ đã viết được khoảng hơn trăm trang in. Cũng xin tiết lộ là rất ít đoạn khi đọc lại tớ không thấy cần phải di chuột vào cái ô delete (xóa, bỏ) cả.
Sao lại phải trốn đi Nha Trang để viết?
- Nghiệm ra cứ chường mặt ở Hà thành chỉ tổ cho những cuộc tụ bạ khấu trừ đi khơ khớ quỹ thời gian vốn chả còn nhiều nhặn gì của mình. Rồi chút hối hận tiêng tiếc khi một dạo mình bị ánh đèn sân khấu hớp hồn với chi phối bởi vài chức danh cùng những tung hô vớ vẩn này nọ. Nhất là những ngày tháng Tư không bị báo chí quấy thì cũng truyền hình hành một cách thân ái. Khó cưỡng!
Với lại chú biết tớ hay đi Trại. Tại sao vậy? Này, Trại như một thứ lò luyện đan. Như một thứ doping. Những lúc oải hay trơn chuội, ngó sang bạn viết thấy các hắn vục mặt vào màn hình, rào rào bàn phím lại thấy một nỗi tụt hậu mơ hồ. Viết gì mà khiếp thế? Vậy là sốt ruột. Lại bập được vào việc.
Và nữa, phủ phê vây giữa bạn bè cùng vô số lời khen tặng (mà chẳng ít những vớ vẩn) là kiểu tự tử êm nhẹ ngọt ngào. Phải bứt phải quên mà cô đơn là hữu hiệu nhất cho việc viết. Cái lý để giam mình trong trại là thế.
Xin lỗi, còn thứ doping nào khác ngoài cảm hứng sáng tác và thuốc lào?
- (Cười hê hê) À cái thằng quỷ này. Nhớ hồi tớ cưới vợ, nhà văn Nguyễn Khải đứng giữa sân cứ bô bô “Thằng cha Chu Lai này thì chỉ 3 ngày là nó bỏ vợ, nó là “người rừng”, nó là của những con bé 18 tuổi và của cả những bà già tuổi 50. Nhé! Làm sao nó sống được với một người đàn bà cả đời...
Ấy vậy mà mình với cô Hồng (nhà văn quân đội Vũ Thị Hồng, vợ nhà văn Chu Lai) đã sống cùng nhau hơn 30 năm rồi. Có hai điều gắn bó hai vợ chồng. Chúng mình có một mẫu số chung, từ những cánh rừng ẩm ướt tơi tả bom đạn cùng chết chóc may mà sống sót đi ra, không nỡ làm gì tổn thương đến nhau nhiều. Và cũng thể tất cho nhau nhiều thứ!
Xin cảm ơn ông.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.