Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viên “than đỏ” Tây Bắc luôn rực cháy giữa lòng phố thị

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 14/04/2023 10:31 AM (GMT+7)
Chiều qua (13/4), trong thời tiết nồm ẩm và mưa lất phất của miền Bắc, Đỗ Bích Thúy đã chính thức ra mắt cuốn sách thứ 23 của mình “Than đỏ dưới tro tàn”. Rất đông nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ và cả độc giả yêu mến Đỗ Bích Thúy đã có mặt để chứng kiến sự kiện đặc biệt này.
Bình luận 0

Đỗ Bích Thuý ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng các tác phẩm viết về dân tộc thiểu số và miền núi. Chị đã xuất bản 23 cuốn sách, trong đó có 6 cuốn tiểu thuyết, còn lại là các tập truyện ngắn, truyện vừa và tản văn. Chưa kể các kịch bản phim điện ảnh và truyền hình. Hầu hết trong số đó chị viết về miền núi, về các vùng văn hoá Mông, Tày, Dao...

Đỗ Bích Thuý từ Hà Giang chuyển công tác về Hà Nội từ năm 2001, sau khi chị đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Hướng tới giao thừa thiên niên kỷ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. 22 năm sống và làm việc tại Hà Nội, chị đã in 23 cuốn sách, mà như chị nói, đó là một nỗ lực hết sức để đạt được "chỉ tiêu" do bản thân tự đặt ra: Mỗi năm một cuốn sách.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viên “than đỏ” luôn rực cháy dưới lớp tro tàn - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ ra mắt sách "Than đỏ dưới tro tàn" của Đỗ Bích Thúy. Ảnh: LTT.

Ở tập sách này, Đỗ Bích Thuý vẫn dành phần lớn số trang cho các bài viết về miền núi với những ký ức trong trẻo gắn liền với cái thung lũng mà chị được sinh ra, lớn lên. Bên cạnh đó, độ chín của một người đã có hơn ba mươi năm cầm bút, đi nhiều và luôn chăm chú quan sát cuộc sống, đã khiến cho tản văn của chị đằm sâu hơn, day dứt hơn, nhiều chiêm nghiệm hơn. Tản văn, như Đỗ Bích Thuý nói, là thể loại mà càng viết chị càng thấy rất khó, rất mất sức.

Trong số những nhà văn thuộc thế hệ 7X, Đỗ Bích Thuý được xem là người lao động bền bỉ, kiên định và quyết liệt trên một lối đi riêng mà chị tự cho rằng mình rất may mắn, đó là gắn bó với một đề tài "ruột" - dân tộc thiểu số và miền núi. Cách đây hơn 20 năm, khi Đỗ Bích Thuý chuyển về Hà Nội, nhiều người đã tỏ ra lo ngại rằng việc rời xa miền đất ruột thịt sẽ khiến chị không thể viết tiếp về miền núi được nữa. Nhưng thực tế thì ngược lại, càng rời xa lâu thì tình yêu với miền núi của chị dường như càng mãnh liệt. Và sự mãnh liệt đó thể hiện không gì sâu sắc hơn qua những tác phẩm đã in.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viên “than đỏ” luôn rực cháy dưới lớp tro tàn - Ảnh 2.

Đỗ Bích Thúy bên tập tản văn thứ 23 "Than đỏ dưới tro tàn". Ảnh: NVCC.

Ở tập tản văn mới nhất, ngay cả khi chị viết về những vùng đất mới mẻ thì xúc cảm của chị cuối cùng vẫn cứ kết nối với nơi mà chị đã được sinh ra. Nói như Đỗ Bích Thuý tự nhận, rằng mỗi khi viết về miền núi - không gian văn chương thân thuộc và tha thiết nhất - chị lại có cảm giác "về nhà". Cuối cùng, đi đâu xa rất xa chăng nữa, Đỗ Bích Thuý sẽ lại quay về.

Đỗ Bích Thuý đang ngày càng đi sâu vào trái tim và tâm hồn của những người đọc tinh tế bằng tản văn. Dường như chị đang rất nỗ lực để khẳng định tản văn hoàn toàn có thể là một thể loại chinh phục được độc giả, ghi danh được tác giả.

Đỗ Bích Thúy đã viết về vùng cao với một tình yêu rất tha thiết

Nhà văn Trung Trung Đỉnh – người mà Đỗ Bích Thủy trìu mến gọi là "bố" xúc động phát biểu rằng: "Nhìn Thúy thế này thôi, chứ cái ngày rời Hà Giang xuống Hà Nội, ấy là những ngày chiến đấu rất vĩ đại. Cái giá của việc Thúy rời Hà Giang về Hà Nội lập thân, lập nghiệp được đánh đổi bằng rất nhiều thứ. Thúy đã phải vượt qua rất nhiều nỗi khó khăn và trắc trở.

Viết về miền núi, viết về vùng cao rất khó. Chính tôi từng đi rất nhiều lần lên vùng cao và thấu hiểu vùng đất đó thế nào. Ngày xưa có ông Tô Hoài, tiếp sau là ông Nguyên Ngọc viết về miền núi rất đặc sắc và giờ đã có Đỗ Bích Thúy kế tiếp. Tôi vô cùng cảm phục Thúy đã luôn dành cho miền núi, vùng cao một tình yêu rất tha thiết. Thúy sinh ra ở Hà Giang, lập nghiệp ở Hà Nội, nhưng luôn đau đáu về Hà Giang và viết về Hà Giang với chất riêng".

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viên “than đỏ” luôn rực cháy dưới lớp tro tàn - Ảnh 3.

Đỗ Bích Thúy luôn đau đáu với những trang viết về vùng cao, về miền núi. Ảnh: NVCC.

Cô giáo dạy văn Nguyên Tô bày tỏ rằng: "Cuốn tản văn "Than đỏ dưới tro tàn" được Đỗ Bích Thúy "xé rách mình" mà khai sinh vào xuân muộn, khi mùa còn chưa muốn rời đi. Đất trời níu xuân như thể tặng riêng cho chị, dành ân huệ cho một vị sứ giả mở lối để dòng Mã Pí Lèng chảy đến Kinh thành, để phố phường bớt xô xệch chăng?

Chẳng học vẽ ngày nào, nhưng nhìn bìa sách, tôi hình dung ra chiếc muôi gỗ lớn, 2 bóng người kề nhau, lại là một cái cây cổ thụ, mọc đâu đó bên sườn đồi, cao lắm, chạm trăng đêm, vờn mây sớm, no gió vào những trưa hè lấp lánh. Gốc cây ấy, mọc ở đầu ngõ, tỏa bóng che cho ngôi nhà sàn, đứa bé áp lưng vào ngóng mẹ mỗi chợ phiên. Bóng cây ấy, đã chạm trổ một giấc hương quan rất riêng, tha thiết, mềm mát, đêm ngày gào gọi Thúy. Và có lẽ, mãi về sau này, khi còn hơi thở, trong lòng tay chị sẽ vẫn là một con cua giương mắt ngơ ngác nhìn xung quanh bò ra từ một hang đá nào đó. Văn Thúy đẹp cả hình vóc lẫn hồn chữ.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viên “than đỏ” luôn rực cháy dưới lớp tro tàn - Ảnh 4.

Bìa sách "Than đỏ dưới tro tàn" được họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế. Ảnh: NVCC.

Đỗ Bích Thúy là "viên than đỏ dưới lớp tro tàn", mà niềm yêu sống hiển hiện trên khuôn mặt an nhiên và một phần tàng ẩn trong thế giới tâm hồn kiêu hãnh của người đàn bà từng đi qua những cơn bão. Chị không còn nhớ đã làm như thế nào để tồn tại, nhưng khi ra khỏi nó, Thúy đã không còn là Thúy của lúc bị cuốn vào. Thích được ví mình với viên than đỏ, cũng có lý riêng của Thúy. Vì khi ta xoay ngược một que diêm đang cháy, sẽ thấy hình trái tim, lửa là sự sống, yêu thương và nhiệt huyết. Bởi thế, với chị, được sống để được viết là hạnh phúc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem