Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: "Nhà văn xa nông dân nên không hiểu họ nữa"

Hà Thuý Phương Thứ bảy, ngày 03/06/2023 07:02 AM (GMT+7)
Nguyễn Hữu Nhàn được gọi là "nhà văn của nông thôn" và là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông còn viết nhiều kịch bản phim như "Phố làng", “Gió thổi qua rừng”. Nhà văn đã chia sẻ với Dân Việt nhân dịp nhận được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vừa qua.
Bình luận 0

Tại sao ông lại theo đuổi đề tài nông thôn? Để hình thành được tiểu thuyết về cơ cấu làng Việt, ông phải trải qua quá trình như thế nào?

- Ngày bé cưỡi trên lưng trâu, mỗi lần ra khỏi bờ tre khóm chuối, qua cánh đồng làng bát ngát nhìn về Việt Trì (Phú Thọ) hiện lên những khối bê tông với nhiều hình thù kỳ lạ cho tôi tha hồ trí tưởng tượng mơ ước.

Ngày ấy, tuy học giỏi nhưng tôi không thích học. Sau đó tôi xin đi làm ở công ty Vận tải Đường Sông. Hai năm sau công ty chuyển về Hà Nội. Tôi nhờ người quen chuyển sang Ban kiến thiết thành phố Việt Trì. Rồi sau đó Ban kiến thiết lại giải thể, cả cơ quan chuyển về Hàng Bột, Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: "Nhà văn xa nông dân nên không hiểu họ nữa" - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Ảnh: CAND

Tôi lại xin chuyển sang Ủy ban thành phố Việt Trì... Tôi chỉ thích ở Việt Trì không thích đi đâu xa vì Chủ nhật tôi còn đạp xe được về nhà. Gia đình với tôi đầy mâu thuẫn vì bố mẹ ép tôi lấy vợ từ năm 12 tuổi. Tuy thế nhưng tôi vẫn gắn bó với gia đình. Và vì mỗi lần về nhà tôi lại có dịp được gặp các cụ lão nông nhất là các nhà Nho hiểu biết nhiều về tổ chức cộng đồng làng xã. 

Làng tôi những năm 1960 là một "công trường" cho các nhà nghiên cứu khảo cổ, xã hội học, dân tộc học, văn hóa dân gian đến nghiên cứu. Thế là tôi mê làng tôi. Tôi ghi chép về làng kết hợp với tìm đọc sách về làng... Từ đó dần dần tôi đi theo con đường nghiên cứu về làng Việt. Kết hợp với các tiểu thuyết, truyện ngắn liên tục được xuất hiện trên báo chí để tôi có thương hiệu nhà văn của làng quê...

Nguyên mẫu các nhân vật trong các tác phẩm của ông được lấy từ đâu? Nhân vật nào ông tâm đắc nhất?

- Nhân vật của tôi đều không từ một nguyên mẫu mà vì người nông dân có những đặc trưng riêng rất điển hình trong tôi. Vì tôi xuất thân từ người nông dân nên tôi hiểu và cảm nhận được người nông dân và viết. Họ là sự khái quát, hiện thực chứ không phải sự thật. 

Nhận được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, cảm xúc của ông như thế nào?

- Tôi thật sự rất bất ngờ khi nhận được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Đó là giải thưởng danh giá mà người cầm bút nào cũng mơ ước và mong muốn có được. Bản thân tôi xuất thân từ nông thôn nên rất thật thà, cương trực và thẳng thắn, tôi cũng không thi thố bao giờ.

Nhà văn nhận xét thế nào về đề tài nông thôn trong văn học hiện nay? Có phải chúng ta đang rất thiếu những tác phẩm sát với thực tế?

- Ngày nay có lẽ các nhà văn thoát ly hết nên ít người còn viết về nông nghiệp, nông thôn. Văn học về đề tài này thiếu hẳn những tác phẩm lớn như trước đây...

img
img
img
img

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Ảnh: FBNV

Theo nhà văn, hiện đang có những vấn đề nào bức xúc tồn tại trong đời sống nông thôn và nông dân? Đâu là những vấn đề bức xúc cần giải quyết nhất?

- Cũng bởi theo cơ chế thị trường hiện nay, làm nông nghiệp đời sống người dân không đủ sống, họ phải bươn chải nhiều nghề để nuôi sống bản thân. Vì thế nhiều vùng nông thôn đang có chiều hướng bỏ ruộng để đi làm khu công nghiệp. Vấn đề tập trung tích tụ ruộng đất chưa rõ ràng vì thế về lâu dài nông dân mất ruộng là điều không tránh khỏi.

Có ý kiến cho rằng, nhiều vấn đề nông thôn rất nhạy cảm, hiện rất khó được đề cập đến, nhà văn suy nghĩ sao về điều này? Riêng ông có thấy có gì khó khăn khi đề cập đến những vấn đề mình quan tâm?

- Tôi sống ở vùng nông thôn nên chỉ viết những điều sát với thực tế cuộc sống diễn ra ở nông thôn. Vì thế khi viết về đề tài nông thôn tôi có rất nhiều điều để viết mà không cảm thấy có khó khăn gì.

Nhà văn có thể chia sẻ một chút về những thông điệp trong những tác phẩm của mình?

- Tôi rất có cảm tình với cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, người được coi là "cha đẻ của khoán hộ" (hay khoán mười) với quan điểm "xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình". Là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam, ông được biết đến là một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân. Và từ đó tôi thấy như có một thông điệp để viết vào trong tác phẩm của mình.

Vài năm gần đây đề tài nông thôn trong văn học nghệ thuật bị co hẹp lại trong đó thể loại truyện ngắn, đề tài nông thôn thời kỳ hội nhập càng thiếu vắng. Có ý kiến cho rằng, viết về đề tài này rất khó, theo ông điều này có chính xác?

- Gần đây, đúng là văn học về đề tài nông thôn kém hẳn. Truyện ngắn về đề tài nông thôn trước đây rất hay. Nghĩa là các nhà văn còn nắm được tính cách của người nông dân nói chung, còn bây giờ nhà văn không đi sâu đi sát lắm về nông thôn.

Nông thôn khác xa trước đây, những quan niệm về làm ăn của người nông dân cũng khác. Họ giàu có hơn, họ nghĩ cũng khác xưa. Nhà văn xa họ nên không hiểu được họ nữa vì thế văn học không phản ánh được về họ là điều dễ hiểu.

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã chia sẻ!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem