"Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết"

Chủ nhật, ngày 21/03/2021 18:30 PM (GMT+7)
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu cho rằng, truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay không phải do học tập, cần cù rèn luyện mà là "thượng đế đã chọn ông".
Bình luận 0

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa ra đi hôm 20/3 khiến những người yêu quý ông và tài văn chương của ông không khỏi tiếc thương. Ông là một trong số ít những nhà văn mà tên tuổi được đánh giá là lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20/4/1950 ở Thái Nguyên nhưng quê gốc ở Thanh Trì - Hà Nội. Ông đến với văn chương khá muộn, khi đã qua thời tuổi trẻ. Bởi trước khi bén nghiệp viết, ông mất 10 năm làm thầy giáo ở Sơn La.

Nhưng như một định mệnh, chính trải nghiệm khó khăn, gian khổ và cả những cay đắng trong khoảng thời gian này đã làm nên thứ "nước cất" trong lối viết và hình thành nên tư tưởng trong văn chương của ông. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao sau đó như: Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Muối của rừng… được lấy cảm hứng từ những năm tháng ông sống và dạy học ở Tây Bắc.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết - Ảnh 1.

Nhà phê bình Văn Giá (phải) trong lần cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trở lại Hua Tát năm 2017.

Nhà phê bình văn học Văn Giá kể lại kỷ niệm lần ông cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trở lại Hua Tát năm 2017, nơi nhà văn từng dạy học trong khoảng thời gian từ 1971 đến 1980. Tức phải gần 40 năm ông mới trở lại.

Theo nhà phê bình Văn Giá, ngôi trường Bổ túc Công Nông mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dạy học là ngôi trường bí mật, phải sơ tán để tránh bị máy bay Mỹ ném bom. Cán bộ giáo viên không được phép tiếp xúc với dân, học viên toàn là cán sự 3 trở lên mới được học. Họ là cán bộ cấp huyện các nơi về học bổ túc trình độ cấp ba, học viên toàn lớn tuổi, so với anh giáo Thiệp 20 tuổi khi đó thì học viên ít tuổi nhất cũng phải hơn anh đến chừng 10 tuổi.

Anh kể: "Nhớ có lần một anh bạn bắn được một con chim to, giống con diều hâu thì phải, rồi vặt lông làm thịt. Khi mổ ra, trong dạ dày có một con rắn đang còn cựa quậy. Anh ta đem cái dạ dầy đi chôn. Khi nấu xong, tanh lợm giọng, tôi không dám ăn. Có một anh giáo người Hà Nội, trông thì to cao, lịch lãm, tiếc của, khi đêm xuống đi đào cái dạ dày đó, lấy con rắn để làm thịt. Nấu xong, anh ấy gọi tôi dậy ăn, bảo thịt rắn nhiều chất bổ lắm, tôi sợ khiếp vía. Thế mà mấy anh em giáo viên trẻ xì xụp ăn hết đấy. Đói quá mà…", nhà phê bình Văn Giá nhớ lại.

Nhìn nhận về các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Văn Giá cho rằng, một trong những chủ đề mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện khá sâu sắc trong truyện ngắn là vấn đề dạy học, rộng ra là giáo dục trẻ con, giáo dục con người. Chủ đề này có khi nằm hẳn trong những truyện riêng lẻ (Thương nhớ đồng quê, Sống dễ lắm, Những tiếng lòng líu la líu lo…), có khi rải rác trong nhiều truyện.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhà phê bình Văn Giá nhớ câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể lại khi ông còn dạy học: "Ngày dạy ở trường Bổ túc Công Nông, ban đầu dạy theo sách giáo khoa, rất ngay ngắn, bài bản. Nhưng khi dạy, nhìn họ, biết họ chán, họ không nghe. Thế rồi tôi chả dạy kiến thức là mấy, chủ yếu kể chuyện cho họ nghe, về quyển sách nọ mới đọc, về nhân vật kia trên văn chương thế giới. Thí dụ tôi kể về "Những người khốn khổ" có chàng Giang Van Gian, có cô Phăng tin…

Ngày đó, nhiều thời gian, tôi làm quen với cô thủ thư của một thư viện ngoài thị trấn. Tôi thấy có cuốn "Từ điển triết học" của Liên Xô, mượn về nhà đọc, thấy có các khái niệm, có các nhân vật, lại có hình vẽ nữa. Tôi đọc rồi ghi chép những chỗ mình thích. Thế rồi tôi cứ kể lại cho học viên nghe. Họ rất thích. Sau họ nhớ mãi. Hóa ra dạy học không chỉ dạy kiến thức trong sách vở, mà phải dạy bằng cái hiểu biết rộng bên ngoài".

Hay trong buổi giao lưu với thầy trò khoa Ngữ văn - Đại học Tây Bắc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: "Kinh nghiệm 10 năm Tây Bắc dạy tôi: hãy biết trở về với tự nhiên phác thực và biết khát vọng. Tôi mong sao các thầy cô khi dạy học, truyền được cho các em lòng khát vọng. Có khát vọng mới có thể vươn lên. Nếu không khát vọng, cứ ngập ngụa vào những cái dung tục, sẽ phí cả một đời đi".

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết - Ảnh 3.

(Ảnh Nguyễn Đình Toán)

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ XX. Theo ông, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là một người viết có văn và có tư tưởng. Trong khi Nam Cao viết rất hay về người nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất sắc trong việc viết về người Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX.

Cái xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp chính là một nhà văn có tư tưởng. Không nhiều nhà văn Việt Nam có được điều này. Và cái đặc sắc làm nên dấu ấn riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương, theo Phan Cẩm Thượng, chính là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, làm một cuộc phẫu thuật vào cái ác của con người và phơi bày nó ra mà "chữa bệnh" cho con người.

Đó là điều mà các nghệ sĩ Việt Nam trước ông nói chung luôn dè dặt không dám bước đến tận cùng. Tuy lột trần cái ác trong con người nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại không bao giờ quên nhìn thấy chất người trong mỗi con người, dù là một tên cướp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết - Ảnh 4.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu tại Mỹ

Từ Mỹ, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, tác giả của "Bóng đè" vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của nhà văn mà chị vô cùng kính trọng. "Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết", Đỗ Hoàng Diệu nói. Cũng theo chị, truyện ông hay không phải do học tập cần cù rèn luyện. Thượng đế đã chọn ông. "Nguyễn Huy Thiệp, văn chương ông sẽ thơm mãi, thơm mãi, gắn liền hồn cốt tiếng Việt người Việt. Mong thay, sau khi mồ ông yên mả ông đẹp, linh hồn ông theo dòng sông trôi đi tìm thấy con gái thủy thần, người ta sẽ cấp phép in ấn - phát hành cho cuốn tiểu thuyết võ hiệp ông viết xong đã mấy năm nay, đã long đong hết nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác mà chưa có phép. Bạn đọc của ông mong chờ biết bao nhiêu!", nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… Ngoài ra, ông còn viết tiểu thuyết, kịch, thơ, phê bình, vẽ trên gốm sứ… Nhưng thành công hơn cả vẫn là truyện ngắn. Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu.



Minh Nhật (Gia đình và Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem