“Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cô đơn ở vị trí độc tôn…”

Yến Linh Chủ nhật, ngày 21/03/2021 11:29 AM (GMT+7)
“Nhà văn nào cũng mang trong mình sự cô đơn, với anh Thiệp, nỗi cô đơn ấy càng lớn bởi anh ấy đã tạo ra một vị thế độc tôn cho riêng mình trong văn đàn, điều mà không phải ai cũng có thể làm được”, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ!
Bình luận 0

Ngày 20/3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời tại nhà riêng, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh đột quỵ. Ông là một trong những cây bút nổi bật nhất của nền văn học Việt Nam đương đại với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý. Trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, hình ảnh về nông thôn, người lao động… được thể hiện một cách sắc sảo, đậm nét.

“Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cô đơn khi ở trên vị trí độc tôn…” - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về những dấu ấn mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để lại.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bạo bệnh. Cảm xúc của anh như thế nào khi nhận tin này?

- Tôi rất buồn và tiếc nuối khi mất đi một nhà văn lớn, một người anh đáng kính trong nghề. Khi anh còn bệnh, thi thoảng tôi vẫn cùng mọi người trong Hội Nhà văn qua thăm hỏi. Anh Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn quan trọng nhất trên văn đàn giai đoạn sau đổi mới. Các tác phẩm của anh Thiệp đã tạo ra cú hích cho văn học hiện đại, lấy lại uy dũng cho nền văn chương sau một chặng dài "le lói", "ảm đạm". Có thể nói, nhờ có Nguyễn Huy Thiệp mà vị thế của văn chương trở lại với đời sống xã hội. Anh ấy đã chỉ ra cho đồng nghiệp thấy quyền năng của nhà văn, cũng như sự rộng mở, phong phú trong địa hạt sáng tác.

Từ hôm qua tới hôm nay, thông tin anh Thiệp từ biệt cõi tạm được mọi người chia sẻ rất nhiều trên báo chí, mạng xã hội. Rất hiếm khi có một nhà văn được công chúng quan tâm và yêu mến như thế. Điều đó đã chứng tỏ sự ảnh hưởng của anh đối với nhiều thế hệ độc giả. Văn chương cũng như cuộc đời, phù sa lớp trước sẽ phủ lên lớp sau, thế hệ lại nuối tiếp thế hệ, thế nhưng tôi tin, những tác phẩm của anh Thiệp sẽ còn mãi với đời sống văn học.

Nhìn lại chặng đường sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, điều gì khiến anh ấn tượng và trân trọng nhất?

- Đối với tôi, sáng tác nào của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng hay và đạt tới đỉnh cao, nhưng xuất sắc nhất phải kể tới "Không có vua" và "Con gái thủy thần". Hai tác phẩm này đã đứng ở hàng kinh điển. Trong các sáng tác của anh Thiệp, dễ thấy trách nhiệm của anh đối với xã hội vô cùng lớn. Anh ấy luôn trăn trở trước sự xuống cấp của đạo đức, của những thay đổi về nhân cách con người. Văn chương của anh phản ánh điều ấy một cách quằn quại, đau đớn. Không ít người nói văn anh Thiệp ác quá, lạnh quá. Nhưng họ không hiểu rằng vì anh ấy thật quá mà thành ác. Tính nhân ái của một nhà văn nằm ở phía sau tác phẩm, chứ không phải ở trên mặt câu từ.

Ngoài sự nghiệp văn chương, nhân cách của người cha đẻ "Tướng về hưu" cũng được nhiều đồng nghiệp ca ngợi và yêu mến. Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm của mình đối với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp?

Tôi vinh dự được tiếp xúc với anh Nguyễn Huy Thiệp nhiều lần trong công việc. Đặc biệt, năm 2020, anh ấy nhận lời làm giám khảo trong cuộc thi viết truyện ngắn của báo Văn nghệ quân đội – nơi tôi làm việc. Tiếp xúc với anh Thiệp, tôi cảm nhận được sự nghiêm túc và trân trọng của anh dành cho văn học cũng như các nhà văn trẻ. Anh làm việc nhiệt tình, kĩ lưỡng. Các cây bút dự thi cũng dành cho anh sự ngưỡng mộ và kính trọng lớn lao.

Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn hiếm hoi hoàn hảo cả về văn chương lẫn nhân cách sống. Để làm được điều đó không có nhiều người đâu. Anh ấy không bao giờ để lại điều tiếng gì, không bê tha cũng chẳng thi phi. Anh Thiệp có sự kiêu hãnh của một người đàn ông tài năng và đạo đức. Càng cuối đời, anh ấy lại càng quan tâm và coi trọng những giá trị đạo đức hơn.

Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại một sự nghiệp văn chương đầy dấu ấn.

Các tác phẩm của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ độc giả.

Trong một cuộc gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cách đây một vài năm, tôi cảm nhận ở con người được mệnh danh là hiện tượng trong văn đàn vẫn có những điều nuối tiếc…

- Nhà văn nào cũng vậy thôi, cũng luôn mang trong mình một chút cô đơn, tiếc nuối. Anh Thiệp lại càng cô đơn, bởi anh ấy đã tạo ra một vị thế độc tôn trong văn đàn, đó là điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Khi các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mới ra đời, đã có rất nhiều ý kiến khen chê trái chiều, nâng lên, đặt xuống. Qua thời gian, mọi thứ lắng đọng lại, chúng ta đều nhận ra những sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng là "vàng ròng", nhưng sự cô đơn sẽ vẫn ở lại bên anh ấy.

Nhà văn cô đơn còn bởi một lẽ rất thường tình. Có bao nhiêu điều day dứt, dằng xé trong lòng, viết ra được, cảnh báo được, nhưng ta không thể thay đổi được…

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Gia tài mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại là hàng loạt tác phẩm đi cùng thời đại như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…

Trong đó, truyện ngắn "Tướng về hưu" đã được chuyển thể thành phim truyện điện ảnh cùng tên vào năm 1988. Bộ phim đã gây tiếng vang lớn, đến nay vẫn được coi là một trong những phim truyện Việt Nam xuất sắc. Ông cũng là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu như: Gia đình, Nhà tiên tri…

Bên canh sự yêu mến của đông đảo độc giả, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Premio Nonino, Italy, năm 2008, từng nhận Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp văn 2007…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem