Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Chúng ta đang sống giữa Thủ đô đầy hy vọng

Thành An (thực hiện) Thứ năm, ngày 10/10/2019 07:00 AM (GMT+7)
Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Hà Nội với 36 phố phường chật chội, với những khu phố cũ lạc hậu, với hình ảnh hào hùng ngày bộ đội tiến về tiếp quản Thủ đô... được thể hiện trên những bức ảnh do chính cha ông - họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu chụp 65 năm trước – mãi mãi là những hình ảnh đẹp đẽ, không thể nào quên.
Bình luận 0

Những bức ảnh vô giá

Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, gia đình ông đang lưu giữ những bức ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô 65 năm về trước (10/10/1954). Ông có thể chia sẻ về quá trình ra đời của những bức ảnh này ?

- Tháng 10/1954, theo lịch, quân đội Pháp phải rút khỏi Hà Nội, quân ta về tiếp quản Thủ đô, cậu (bố) tôi là họa sĩ, trí thức Nguyễn Văn Thiệu quyết định ở lại cùng chính quyền của Cụ Hồ.

img

Đoàn quân giải phóng trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.  NGUYỄN VĂN THIỆU

Tối hôm trước đó, bố tôi có nói với mọi người trong gia đình rằng không ai được ra khỏi nhà vì tình hình an ninh trật tự không đảm bảo. Nhưng sáng sớm hôm sau, bố tôi lại cầm chiếc máy ảnh Leica lên đường, tôi không biết ông đi đâu và sao bố mình lại đi như thế. Mấy tiếng sau ông trở về, lúc bấy giờ bộ đội ta tiến vào, dân chúng túa ra 5 cửa ô để đón.

Tối hôm đấy, tôi thấy bố tôi đóng cửa phòng vẽ lại. Khoảng 9-10 giờ đêm, thấy ông treo những bức ảnh vừa phóng trong phòng vẽ, tôi tò mò hỏi “Cậu chụp cái gì vậy” thì ông bảo: “Cậu chụp quân ta về tiếp quản Thủ đô”.

Đấy là những bức ảnh đầu tiên tôi được thấy bộ đội mình về tiếp quản Thủ đô do bố tôi chụp. Những bức ảnh này được lưu giữ trong album của gia đình suốt mấy chục năm, nó có ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ của chúng tôi.

Qua những bức ảnh do bố ông chụp và được tận mắt chứng kiến quân đội ta những ngày đầu về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông ấn tượng gì về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với Thủ đô lúc đó?

- Có thể nói, những người ở lại với Thủ đô, ở lại với chính quyền Cụ Hồ lúc đó đều có thiện cảm với quân đội giải phóng, quân đội cách mạng, bộ đội Cụ Hồ, quân đội của nhân dân giải phóng và Thủ đô.

Bộ đội ta rất thiện lành, không vi phạm kỷ luật, không làm điều gì sai trái cả. Ban ngày hỗ trợ và vận động nhân dân, đêm đến tổ chức ca nhạc, văn nghệ rất vui vẻ. Lúc này, gia đình tôi rất nghiêm khắc, nhưng cha mẹ tôi cũng cho hai người con gái ra vui với bộ đội.

img

Nhân dân Thủ đô với cờ hoa rợp trời vui mừng đón đoàn quân Giải phóng. TTXVN

Thời điểm này chúng tôi bắt đầu được biết đến những bài nhạc kháng chiến, những bài múa sạp, những bài như “Qua miền Tây Bắc”… rồi những bài như “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về”… Tất cả những điều đó in đậm trong tâm thức, là những ký ức đẹp trong tôi.

Hà Nội thay đổi đến không ngờ

Là một người Hà Nội  gốc, từng chứng kiến và in đậm trong ký ức những hình ảnh về ngày Giải phóng Thủ đô hào hùng, ông nhận thấy điều gì trong sự thay đổi của Hà Nội trong 65 năm qua?

- Hà Nội đã phải trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Tôi đã nhìn thấy, có một Hà Nội phải đào hầm, một Hà Nội phải sơ tán, một Hà Nội mũ rơm, một Hà Nội thưa dần và không còn tiếng leng keng của tàu điện, Hà Nội đau khổ, Hà Nội tan hoang khi B52 thả bom vào dãy phố Khâm Thiên…

Rồi một Hà Nội sau chiến tranh là đầy áo lính. Khi những người lính chúng tôi trở về là chia bùi sẻ ngọt với nhân dân Hà Nội, là chúng tôi ăn đói mặc rách, công ăn việc làm không có… Và rồi, Hà Nội bắt đầu thay đổi bất chợt đến không ngờ, một Hà Nội vươn lên, một Hà Nội phát triển đến vô cùng như ngày nay.

Chúng ta có thể nhận thấy, Hà Nội ngày nay rộng gấp nhiều lần so với trước đây. Hà Nội ngày hôm nay không bao giờ tắt điện. Cảm ơn những người lao động thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, những bà con miền núi đã hy sinh cho Hà Nội, cảm ơn những người nông dân đã hy sinh những mảnh vườn của mình để cung cấp điện cho Hà Nội.

Hà Nội ngày nay đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhiều tuyến đường đẹp, rộng thênh thang không kém gì các con đường nước châu Âu. Như chúng ta đi con đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố - đây có thể nói là con đường đẹp nhất của Hà Nội.

Có thể nói, chúng ta đang sống trong một Hà Nội đầy hy vọng. Mặc dù, bên cạnh sự phát triển nhanh như thế cũng có những mâu thuẫn, có những mặt trái. Đó là vấn đề môi trường, việc này Hà Nội đã đang và sẽ phải nỗ lực để vượt qua.

Chúng tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm ông viết về Hà Nội như Phố Cũ, Người Hà Nội…, ông có thể chia sẻ triết lý nhân văn trong những tác phẩm này của mình?

- Tôi viết về Hà Nội cũng khá nhiều. Tác phẩm “Người Hà Nội”, tôi viết để khẳng định đất Hà Nội là đất của tứ xứ, những ai yêu Hà Nội sẵn sàng chết cho Hà Nội đó là những người Hà Nội, đấy là thông điệp trong truyện ngắn mà tôi viết.

Truyện ngắn thứ hai tôi viết, tương đối nổi tiếng là truyện ngắn Phố Cũ 1, Phố cũ 2, đó là tâm sự chất chứa nỗi niềm của một cô gái 16 tuổi, người Hà Nội gốc sống trong khu 36 phố phường chật chội, khu phố cũ lạc hậu. Ở đó có một thông điệp là sự bảo tồn khu phố này, không phải chỉ là bảo tồn hình ảnh mà phải khơi dậy tâm hồn của phố thông.

Thông qua những tác phẩm của ông và những gì ông biết về Hà Nội, lúc này ông muốn truyền tải thông điệp gì đến thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên Hà Nội?

- Tôi muốn nói là mỗi một thế hệ đều có một quá khứ của mình và có những cái để đáng tự hào riêng.

Thế hệ chúng tôi tự hào rằng yêu Hà Nội từng gang tấc, quen thuộc Hà Nội từng cen-ti-met. Những kỉ niệm của chúng tôi ở đường Thanh niên, ở bãi đá, Phà Đen… những kỷ niệm tắm và mò cua bắt ốc ở hồ Gươm đã không còn nữa.

Còn thế hệ mới, với sự phát triển không ngừng của Thủ đô, họ có những kỷ niệm riêng của họ. Họ sống với kỷ niệm của họ, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, ở nơi nào, tuổi thơ mà chôn dấu ở một cùng đất nào đó, bằng cả tấm lòng, bằng cả tâm hồn của mình, bằng cả tình yêu của mình thì phải yêu hết lòng, đấy chính là nơi không quên được các bạn và các bạn cũng không bao giờ quên được nó cả.

Xin cảm ơn nhà văn!

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Sinh ngày 6/10/1948, hiện sống tại làng Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP.Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là một cây bút tài hoa, sung sức; nội dung các tác phẩm đều xoay quanh ba chủ đề lớn: Về chiến tranh và tầng lớp binh sĩ sau hậu chiến, về Hà Nội, về đời sống của người Việt tại châu Âu. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng về văn học của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem